Chị và em

ANTD.VN - “Nga nó chết rồi đấy”. Tiếng mấy người đàn bà vừa đi đổ rác vừa thì thầm với nhau trong buổi chiều nhập nhoạng. 

Chị và em ảnh 1Minh họa: Trần Phương Thảo

Trong sân khu tập thể vài người tụ tập bàn về kết quả xổ số. Nhiều người ngồi trong nhà dán mắt vào màn hình tivi đang phát những phim tình cảm Hàn Quốc. Và có những ông bố, bà mẹ đóng chặt cửa nhà ôm con vào lòng, mặt không dám ngẩng lên. Chỉ còn chị gái nó, cái Ngân có độc một mình.

Cái Ngân là chị nó hơn em gái 3 tuổi. Ở cái tuổi 23 nó vừa là chị, vừa là mẹ, vừa là bạn của nó đã 4 năm rồi. Chị nó ngồi bệt góc cầu thang vẻ mặt vô hồn, khuôn mặt buồn tủi nước mắt lã chã. Mảnh khăn tang trắng tuột ra khỏi đầu nó cũng mặc kệ, nó ngồi đó bên những cánh hoa trắng rơi rớt lại của vòng hoa đã vội vã mang đi trong buổi chiều trở giời mưa-gió-lạnh-lẽo. Chị nó buồn vì em nó là người thân duy nhất mấy năm nay luôn chửi nó, hành hạ nó đã ra đi. Nó đau đớn vào ngày em nó chết, bố mẹ nó đang làm ăn bên trời Tây chưa kịp về để mình nó phải lo. Người thân, họ hàng chỉ tạt qua, qua quýt thắp mấy nén nhang rồi lại về với viện đủ lý do. Nhưng có lẽ họ sợ, họ ác cảm cái đứa chết vì nghiện.

Vào tuổi của cái Ngân gánh nặng quá lớn… 19 tuổi đã phải chia tay bố mẹ để bố mẹ sang Tây làm ăn. Thỉnh thoảng qua quýt điện thoại hỏi thăm hai chị em hoặc tí tiền, tí quà gửi xách tay mang về. Vậy là cái Ngân bỏ học đi làm, 23 tuổi phải chia tay cái Nga em nó thì quả là quá sức chịu đựng. Em nó đã chết mới bước vào tuổi 19. Em nó chết bởi cái chất bột màu trắng kinh hoàng, cái chất đã gieo rắc tai họa cho hàng vạn đứa trẻ, để lại nỗi đau, tủi hổ cho hàng vạn gia đình và sự khiếp sợ, khinh bỉ cho toàn xã hội.

Khi bố mẹ đi Tây, chị nó bỏ học đi làm thì cái Nga cũng chả cần học. Nó tụ tập với đám bạn xấu lang thang rồi dính vào ma túy lúc nào không biết. Nó nghiện, họ hàng không chứa chấp, hàng xóm tránh xa, bạn bè xa lánh. Càng như vậy nó càng bất cần. Chỉ có chị nó tần tảo đi làm cóp nhặt từng đồng nuôi cái gia đình vỏn vẹn nhõn 2 chị em, vậy mà nó vẫn chửi, vẫn rình rập bán được cái gì có thể bán trong căn nhà gác cũ kĩ, xập xệ để lấy tiền mua thuốc.

Chị em nó rất đẹp, cái đẹp của cơ thể mười tám đôi mươi tràn đầy sức sống. Vẻ đẹp của sự thánh thiện từ đôi mắt, khuôn mặt bầu bĩnh với đôi má hồng. Vậy mà chỉ sau 4 năm bên nhau đứa chị đã già trước tuổi, đôi mắt đượm buồn trên gương mặt mỏi mệt. Còn đứa em dính nghiện thì dặt dẹo, khuôn mặt tái nhợt, câng câng cùng đôi mắt lơ láo. Vậy mà hai chị em vẫn nương tựa vào nhau trong thời buổi xã hội bát nháo và đầy cạm bẫy.

Tình cảm máu mủ “thương nhau như chị em gái…” của đứa chị chỉ mong muốn bằng tình cảm yêu thương để cảm hóa đứa em ngỗ ngược. Bên em mình nó như “mẹ” chăm sóc, khuyên bảo. Nó là chị làm mọi việc trong nhà. Nó là bạn để chơi đùa, tâm sự cho em được vui để chị em bên nhau những ngày đứa em tỉnh táo.

Nghiện ngập. Phá phách. Rồi cũng đến lúc đứa em bị pháp luật tìm đến. Tổ dân phố phê bình kiểm điểm. Công an phường cảnh cáo, mời lên phường rồi bị đứa vào trại cai nghiện. Đi rồi lại về. Về rồi lại phá. Nó phá của nhà, nó phá hàng xóm càng ngày càng kinh khủng. Và rồi nó bị bắt. Bắt thật. Công an bắt nó tại nhà vào buổi sáng trong cơn phê thuốc và mơ ngủ. Nó ăn cắp.

Buổi sáng khi thấy tổ dân phố, cảnh sát hình sự và công an phường. Anh công an phường đã từng nhắc nhở nó, khuyên nhủ, bảo ban nó nhiều lần, thậm chí nhiều lúc anh còn trích tiền lương ít ỏi của mình cho chị em nó chi tiêu trong những lúc khó khăn. Nhìn đứa em gái bị giải đi trong vẻ mặt bơ phờ hốt hoảng, cô chị cuống cuồng vơ vét quần áo và dúi cho em ít bánh mà nước mắt lưng tròng. Vừa ôm ấp đứa em, vừa động viên nó. Chị em nó òa khóc, mọi người khóc, chỉ có anh công an phường mắt đỏ hoe đi vào dọn dẹp cửa nhà cho chị em nó.

Đi rồi lại về. Về rồi lại đi. Khi nó về hai chị em lại quấn quýt, hàn huyên câu chuyện, lại cãi vã, lại ba hoa đủ chuyện. Đứa chị thì kể ở nhà một mình nhớ em, lo cho em, lời bố mẹ vẫn là dặn dò, nhắc nhở. Nhưng chẳng bao giờ nó nhắc lỗi lầm của đứa em ruột gây ra. Còn đứa em lúc tỉnh táo thì bao nhiêu chuyện để kể cho chị, chuyện trong trại, chuyện đi lao động, chuyện cai nghiện.

Trong câu chuyện nó kể luôn nhắc đến các cô, chú, anh, chị quản giáo luôn coi nó như con em mình, vì nó còn trẻ, ngoan nên có món ăn ngon quà vặt ai cũng mang cho nó, rồi gương, lược…, những đồ dùng cá nhân nó cũng được chu cấp. Các phạm nhân nữ cùng hoàn cảnh thì luôn khuyên bảo và bảo vệ nó. Tất cả ai cũng mong muốn nó rời xa ma túy làm lại cuộc đời. Nó khóc, bản chất lương thiện, hồn nhiên còn lại nó vẫn nhớ chị nó. “Xa chị em thương chị lắm, vì em mà chị khổ”, rồi nó kể nó thích ở trong trại hơn vì không bị hành hạ, được tránh xa ma túy, sống trong cộng đồng những người trong trại vẫn coi nó là người. Và trong sâu thẳm nó luôn mong bố mẹ trở về để gia đình đoàn tụ, chị mình không phải buồn phiền vất vả và để nó… 

Nó mất sau vài ngày ra trại. Ngựa quen đường cũ, bạn bè rủ rê nó chơi và bị sốc thuốc. Nó chết trên vỉa hè của ngõ phố, cô độc không có ai bên cạnh, không một lời trăng trối, không một lời nhắn nhủ, không được cái ôm của người chị gái bao dung. Nó chết khi tuổi chưa đến 20, chết trẻ rất linh thiêng nên có lẽ những giấc mơ cuối cùng của nó trước lúc lên thiên đường chỉ mong chị mình luôn vui vẻ, hạnh phúc. Và nó cũng mơ ước được sống yên bình trong tình thương của những người quản giáo luôn coi nó như con em. Và nó cũng mơ ước bố mẹ trở về đoàn tụ lo lắng cho chị nó. Tuy đã muộn nhưng nó vẫn dõi theo từ di ảnh trên bàn thờ.

Hà Nội, 7-2017