Chỉ còn duy nhất một nghệ sỹ kịch câm

(ANTĐ) - Lật giở lịch sử biểu diễn của các chương trình kịch câm Việt Nam tại các nhà hát, khán giả không khỏi giật mình khi nhận thấy sự biến mất của một loại hình nghệ thuật trên danh sách biểu diễn thường xuyên.

Nhưng cái làm người ta giật mình nhiều hơn khi chỉ còn lại duy nhất một nghệ sỹ chuyên nghiệp vẫn đang hoạt động. “Ai sẽ đồng hành cùng tôi?”
Dũng “câm”, cái tên đã trở thành thương hiệu gắn liền với nghệ sỹ Phạm Tiến Dũng cùng nghệ thuật kịch câm. Ấy vậy mà, vở kịch câm anh làm cuối cùng cũng đã ra mắt khán giả cách đây 20 năm tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Suốt từ đó tới nay, giới làm nghề vẫn gọi anh bằng biệt hiệu quen thuộc nhưng sự trông mong những vở kịch câm đầy ắp khán giả luôn là hoài niệm. Còn để tính về sự xuất hiện của vở cuối cùng tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, khán giả sẽ nhớ tới vở kịch câm “Tiếng gọi hành tinh” do nghệ sỹ Bích Ngọc thực hiện nhưng cũng đã ra mắt cách đây 5 năm.
 Chỉ còn duy nhất một nghệ sỹ kịch câm ảnh 1

 Nghệ sỹ kịch câm bây giờ chỉ còn một nghệ sĩ chuyên nghệp và
học sinh lại là những đứa trẻ khiếm thính

Và đương nhiên, hệ lụy của sự vắng bóng các vở kịch câm trong thời gian dài là sự “ra đi” và thiếu gắn kết với nghề của các nghệ sỹ kịch câm. Hơn nữa, nguồn diễn viên kịch câm của Việt Nam vốn dĩ cũng đã hiếm sẽ càng trở nên hiu hắt trong tình hình hiện nay. Sự công phu và khổ luyện với nghề dường như là yếu tố đầu tiên mà ai khi định dấn thân vào nghề kịch câm cũng hình dung ra. Ngoài ra, người diễn kịch câm còn cần đến sự tinh tế của người nghệ sỹ để thấy được những sáng tạo hình thể trong một không gian nhất định. Bởi ở Việt Nam, nghệ sỹ kịch câm thường kiêm luôn nghệ sỹ viết kịch bản. Một loại hình nghệ thuật khắc nghiệt đòi hỏi quá nhiều tố chất của người nghệ sĩ khiến  không ít nghệ sỹ kịch câm chuyển sang nghề “dễ thở hơn”. Chẳng nói thì ai cũng biết, nghệ sỹ Đào Kế Đoàn được gọi là nghệ sỹ kịch câm số 1 của Việt Nam. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào thực tại thì chẳng có gì đáng để bàn cãi khi anh vừa là số 1 và vừa là duy nhất tại nghệ thuật kịch câm Việt Nam, không đối thủ cạnh tranh và cũng không biết cạnh tranh cùng ai. Khi hỏi Kế Đoàn anh thấy mừng không khi là nghệ sỹ kịch câm số 1 của Việt Nam. Nghệ sỹ suy ngẫm rồi bảo: “Ban đầu, tôi cũng thấy vui vì được mệnh danh là nghệ sỹ số 1 của kịch câm nhưng sau lại thấy buồn khi chỉ còn lại một mình đơn độc trên con đường dài phía trước. Lớp tôi học ngày xưa tại Nhà hát Tuổi trẻ có khoảng 20 người nhưng còn lại mỗi mình tôi theo nghề”.   Kịch câm không thể chết Nhưng khi đặt câu hỏi ngược lại, vậy nếu thế, không lẽ kịch câm đã chết, nghệ sỹ Kế Đoàn phản bác ngay. Anh cho rằng, đây chỉ được coi là một giai đoạn đi xuống của kịch câm rồi nhất định, kịch câm sẽ trở lại hưng thịnh. Đồng quan điểm với anh, nghệ sỹ Dũng “câm” còn đưa ra những lý lẽ thuyết phục để giải thích: “Điều quan trọng là lòng người, tình yêu mà khán giả dành cho kịch câm vẫn lớn lắm. Những người nghệ sỹ kịch câm yêu nghề như chúng tôi sao có thể quên đi nghĩa vụ của người nghệ sỹ là đứng trên sân khấu và phục vụ khán giả. Tuy đã xa rời nghiệp diễn từ lâu nhưng thời gian tới tôi sẽ trở lại trong một vai diễn kịch câm”. Không chỉ dùng lời nói để thể hiện quyết tâm của mình, nhà doanh nhân đồng thời trước kia từng là nữ nghệ sỹ kịch câm-Bích Ngọc còn tiết lộ với nghệ sỹ Dũng “câm” rằng, chị sẽ “mượn” tạm ngôi nhà của mẹ, bán đi để lấy tiền làm kinh phí thực hiện vở kịch câm “Khát vọng hành tinh” và sẽ ra mắt khán giả trong thời gian tới. Vẫn biết rằng, nguồn diễn viên cho kịch câm hiện nay đang thiếu vắng nghiêm trọng nhưng bù lại, với sự nỗ lực của các nghệ sỹ kịch câm yêu nghề, họ đã gây dựng được những hạt giống cho kịch câm Việt Nam thông qua các lớp học kịch câm nghiệp dư. Nghệ sỹ Phúc Dĩ đã từng bật khóc trước cả trăm học viên trong một buổi biểu diễn và dạy kịch câm cho các học viên của trường Đại học FPT. Anh khóc bởi thấy mình thật hạnh phúc khi giới thiệu tới các em một bộ môn nghệ thuật cổ xưa của con người và giúp các em biểu đạt cảm xúc qua ngôn ngữ của hình thể và nét mặt. Và anh khóc còn vì niềm hy vọng và mong chờ một thế hệ nghệ sỹ kịch câm được phát lộ từ những lớp học như thế. Nghệ sỹ Phúc Dĩ khẳng định: “Kịch câm không bao giờ chết. Bởi lịch sử của kịch câm là đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống và phụ thuộc vào hoàn cảnh. Hoàn cảnh đó xuất hiện những con người xuất chúng thì kịch câm hưng thịnh. Kịch câm sinh ra bởi con người và con người còn sống thì kịch câm còn tồn tại”.