"Chất lượng" – vấn đề "sống còn" của Hội Nhà văn Việt Nam

ANTD.VN -Sáng 4-2-2018, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng văn học năm 2017 và kết nạp hội viên năm 2018. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, có lẽ đây là năm kết nạp hội viên ít nhất trong khoảng 20 năm qua với số lượng chỉ với 29 người.

"Chất lượng" – vấn đề "sống còn" của Hội Nhà văn Việt Nam ảnh 1

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2017 cho các tác giả

Số lượng hội viên mới “khiêm tốn”

Trước đó, có những năm Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp tới 52 hội viên trong một năm, hoặc trung bình các năm lượng hội viên được kết nạp khoảng 40 đến 46 hội viên. Số lượng đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam tính đến ngày 4-2-2018 đạt gần 700 ứng viên, chọn ra “quân số” chỉ 29 hội viên mới là một con số khiêm tốn.

Lý giải điều này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, tư tưởng của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam là càng ngày càng nâng cao chất lượng hội viên hơn nữa, làm sao cho chất lượng của Hội Nhà văn Việt Nam được phản ánh cụ thể bằng tác phẩm, bằng sự nghiệp văn học.

“Chúng ta không tham số lượng, bởi vì với một đất nước 100 triệu dân mà 1.000 nhà văn thì không phải ít nữa rồi” – nhà thơ Hữu Thỉnh nói. Do đó, vấn đề “sống còn” đối với Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay là chất lượng.

Trong số các nhà văn, nhà thơ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm nay đã có người nộp đơn từ sớm và chờ đợi lâu năm, có nhà thơ thời gian nộp đơn lên đến 20 năm, nay mới được kết nạp có nhà văn lại may mắn, nộp đơn đầu năm thì cuối năm được kết nạp ngay.

Đáng chú ý, nhận quyết định trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của Ban chấp hành Hội còn có các giáo sư, tiến sĩ khoa học, ví như nhà văn Chu Thùy Anh (tác giả của tập truyện ngắn "Vé một chiều" - NXB Hội Nhà văn, tập truyện ngắn "Xanh" – NXB Văn học) là tiến sĩ vật lý. Mặc dù văn học không phải là công việc hằng ngày của tác giả Chu Thùy Anh, khoa học vật lý mới là công việc hằng ngày của cô. Song, những nhà khoa học cầm bút viết văn lại thể hiện được chất nhân văn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, tuy viết văn thì cả nước viết nhưng một khi ai được công nhận là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì cần hiểu theo nghĩa họ đã tham gia vào giới tinh hoa của văn học đất nước. Họ “gánh” trên vai nhiệm vụ đem đến những chất lượng, giá trị mới cho văn học.

Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đặc biệt ưu tiên các tác giả trẻ và tỷ lệ các tác giả trẻ chiếm nhiều hơn so với mọi năm. Nhà thơ Lí Hữu Lương (SN 1988), tác giả của trường ca “Bình nguyên đỏ”, tập thơ “Người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô-san” là một trong những hội viên trẻ được kết nạp năm 2018. Hiện anh đang làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bày tỏ niềm vui khi được trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, anh mong sẽ ngày càng cố gắng hơn trong sáng tác, luôn luôn có sự trao đổi tiếp xúc giữa người trẻ hơn và người già hơn trong Hội để học hỏi về cách viết, lý thuyết...

Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Hội tuy ưu tiên tác giả trẻ, nhưng cũng luôn nhớ tới những người tuổi không còn trẻ nữa mà vẫn thiết tha với sáng tác.

“Giải thưởng sự nghiệp” (lần đầu tiên) được trao cho nhà văn Vũ Hùng, với 18 tập truyện viết cho thiếu nhi

Cẩn trọng việc xét, trao giải

Trước ý kiến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp và giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đã trao không thực sự có uy tín, không để lại ấn tượng nào đáng kể trong lòng công chúng và bạn đọc, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho biết từ năm 2018 trở đi sẽ cẩn trọng hơn trong việc kết nạp hội viên và trao giải thưởng.

Về giải thưởng của Hội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết năm nay không có tác phẩm văn xuôi, thơ được trao Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam mà chỉ có 2 tác phẩm lý luận phê bình và 1 tác phẩm dịch được trao giải.

Đó là tập tiểu luận phê bình “Bóng người trong bóng núi” của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị; công trình nghiên cứu “Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu; tập kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” của Aleksander Griboedov, bản dịch của nhà văn Lê Đức Mẫn.

Một điểm mới của lễ trao giải, “Giải thưởng sự nghiệp” (lần đầu tiên) được trao cho nhà văn Vũ Hùng, với 18 tập truyện viết cho thiếu nhi. Bộ sách viết về mùa săn trên núi, thú rừng Tây Nguyên, thiên nhiên tươi đẹp của đất nước và tình bạn, tình người ấm áp.

Nhà thơ Hữu Thỉnh kể, khi ông được tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam năm 1983, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Chế Lan Viên đều đọc và đánh giá cao một cây bút viết cho thiếu nhi rất chuyên nghiệp: nhà văn Vũ Hùng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã gọi điện vào TP Hồ Chí Minh mời nhà văn Vũ Hùng tham gia vào Hội Nhà văn Việt Nam, buổi lễ trao giải thưởng văn học năm 2017 và kết nạp hội viên năm 2018 nhà văn Vũ Hùng không có giấy “Quyết định” bởi ông vốn đã là nhà văn, ông là hội viên đương nhiên của Hội Nhà văn Việt Nam mà không phải làm bất cứ một thủ tục gì.

Nhân kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam, Hội trao Giải thưởng cống hiến đợt 2 cho 10 nhà văn, nhà thơ: nhà văn Văn Linh, nhà văn Phượng Vũ, nhà thơ Hữu Đạo, nhà thơ Hồ Khải Đại, nhà thơ Hải Hồ, nhà văn Nguyễn Văn Xuân, nhà thơ Hoài Anh, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Từ Bích Hoàng, nhà thơ Lê Văn Ngăn.