Chàng Ham Lét mũi đỏ

ANTĐ - Cách đây chừng hơn một thập niên, NSƯT Anh Tú có tham gia quảng cáo cho thuốc xịt mũi. đạo diễn của clips quảng cáo đó đã làm cho mũi Anh tú phồng to lên, đỏ hắt như quả cà chua. Tôi không ngờ hình ảnh vô thưởng vô phạt đó lại gây ấn tượng trong tôi, đến hôm Anh Tú mời tôi đi xem đêm diễn vở Hăm Lét, thì tôi chợt bật cười vì sự liên tưởng về chàng nghệ sĩ tài hoa này khi tôi gọi anh là “chàng Hăm Lét Mũi đỏ”.        

Chàng Ham Lét mũi đỏ ảnh 1

NSƯT - Đạo diễn Anh Tú, một trong những người trong giới nghệ thuật luôn đưa tôi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Không rõ có phải vì tôi còn di sót ít nhiều về quan niệm lịch sự trong giao tiếp của người Hà Nội cổ hay không mà tôi cứ nghĩ rằng trong thời buổi thông tin điện tử này, người lịch sự là người hồi âm ngay một cuộc gọi, hay một tin nhắn của người khác đến với mình. Nếu đã gọi điện cho Tú, có thể vì bận bởi lý do nào đó Tú chưa trả lời, nhưng khi dứt ra khỏi công việc Tú lập tức hồi âm ngay và luôn mở đầu bằng câu: “Xin lỗi anh, em nhận được điện thoại của anh, nhưng vì ….”.  

Ngạc nhiên thứ hai là tối thứ bảy ngày 22-11 vừa qua tôi được mời xem vở bi kịch “Hăm Lét” dựng theo kịch bản danh tiếng của kịch tác gia vĩ đại nhất hoàn cầu William Shakespeare. Vở diễn “kén khản giả“ này có giá vé tới 1 triệu đồng mà phải đặt trước, khi mà không khí kịch trường của cả nước ta đang giáp hạt, u ám, ngưng trệ và tẻ nhạt. Sự ngạc nhiên ấy càng ghi đậm trong tôi khi “Hăm Lét” của Anh Tú đã vượt lên được sự mô tả một vụ án mạng tranh chấp quyền lực để phản ảnh được thông điệp bất tử của nhân loại mà nhà viết kịch vĩ đại gửi gắm. Đó là sự tồn tại hay không tồn tại (Tobe or not tobe) giữa sự chuyển biến đến chóng mặt của thời thế. 

Tôi hỏi Tú: “Sao chú lại dựng Hăm Lét trong giai đoạn kịch trường đang chán ngán và ế ẩm thế này?”. Sau khoảnh khắc trầm tư, Anh Tú trầm tĩnh nói: “Em muốn khán giả Viêt Nam được thưởng thức kiệt tác của nhân loại. Dù sao Nhà Hát kịch Việt Nam cũng là con chim đầu đàn của nền kịch nước ta. Em cũng muốn thế hệ này nhận thức bi kịch của chàng Hoàng tử Đan Mạch ra sao trong xã hội này”.

Tôi chợt nhận ra 37 năm - một chặng đường nghệ thuật của Anh Tú từ năm 1978 khi bước chân vào lớp đào tạo diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi trẻ đến năm 2015 này khi Anh Tú đã là NSƯT, đạo diễn đang ăn khách và một Phó Giám đốc Nhà Hát kịch Việt Nam… Anh là một trong những diễn viên, đạo diễn tiếp cận nhiều  với các kiệt tác kịch của Việt Nam và thế giới. Anh Tú từng là một Vũ Như Tô trong “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng; một Trần Cảnh trong “Rừng trúc” của Nguyễn Đình Thi; một Mắc Bét trong “Mắc Bét” của Shakespeare; một Tể tướng trong “Âm mưu và tình yêu“ của F.Sile, người con trong “Con trai cả” của Vămpilốp…

Ở vị trí đạo diễn, Anh Tú đã đạo diễn “Lôi Vũ” của Tào Ngu; “Giấc mộng đêm hè“ của Shakespeare; “Ê đíp làm vua” của Sôphốc; “Mê Đê” Ơri pit… Khi làm tác phẩm tốt nghiệp khóa học đạo diễn của mình, Anh Tú đã chọn kịch bản thơ “Kiều Loan” của nhà thơ sông Đuống. Một kịch bản rất hay khi được đọc, nhưng lại rất ít mảng miếng nổi trên sân khấu và nhất là thực tế câu chuyện được kịch bản thể hiện đã xảy ra trước hàng hơn nửa thế kỷ, khi Anh Tú chưa ra đời. Nhà thơ Hoàng Cầm tác giả kịch bản khi xem bản dựng của Anh Tú đã xúc động nói: “Bác yên tâm khi trao kịch bản này cho cháu. Đúng là cháu cảm kịch bản thế nào cháu đã dựng như thế, gần trùng những cảm xúc khi bác viết”. 

Trong một lần trò chuyện về nghề với Anh Tú tôi có hỏi về quan niệm của anh về sân khấu, Tú nhìn tôi chăm chú rồi với vẻ nhã nhặn của một người ít tuổi hơn, anh bảo: “Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng theo em là làm lay động trái tim người xem với đủ các trạng thái. Vui, buồn, bâng khuâng, suy ngẫm… Điều này vừa dễ lại vừa khó, không phải ai và lúc nào cũng có thể làm được”.

Rồi Anh Tú chăm chú nghe nhận xét của tôi về các tác phẩm mà anh làm diễn viên, đạo diễn, anh bảo: Khi làm diễn viên và nay là đạo diễn em rất thấm câu nói của kịch tác gia Sỹ Hanh “trò diễn không phải là sự trình bày thuần túy sự việc, vì thế nghệ thuật kịch càng không phải là sự buôn chuyện. Do đó khuynh hướng trong đạo diễn của em là hiện thực và làng mạn là vậy”. Nghe người nghệ sĩ đã gần bốn chục năm gắn với sàn diễn đã thêm một lần mang lại cho tôi sự ngạc nhiên nữa. Anh Tú là người trong nghề kịch chuyên nghiệp sau NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Lê Chức... nói một cách khúc triết, tâm huyết và có kiến thức về nghề mình đang làm.

Sự nền nã, khiêm nhường trong tính cách cũng như sự tháo vát trong nghề của Anh Tú mà tôi cảm nhận được có nguyên nhân từ cội nguồn. Quê của Phạm Anh Tú nổi tiếng trong giới nghệ thuật biểu diễn ở Phú Xuyên, Thường Tín, TP Hà Nội. Một vùng đất có hàng trăm nghề, vùng đất nổi tiếng thời nào cũng sinh ra danh nhân lừng danh trong thiên hạ. Từ cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Hoàng Giáp Nguyễn Chí thời Lê Uy Mục, Tiến sĩ Dương Trực Nguyên, Phó súy Hội Tao Đàn của Vua Lê Thánh Tông, nhà cách mạng Lương Văn Can khởi xướng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục....

Bố mẹ Anh Tú là hai nhà sư phạm có tiếng trong vùng. Bố của Anh Tú là nhà giáo dạy sử Phạm Kì Tá từng nổi tiếng dạy đại học ở vùng Hà Tĩnh sau được mời về Bộ Giáo dục - Đào tạo phụ trách đào tạo giáo viên. Chính tủ sách phong phú của người cha - nhà giáo đức độ đã tạo cho Anh Tú sự ham đọc sách. Trong nghề diễn viên và nghề ca sĩ là hai nghề nói và hát theo lời và ca từ của người khác, người ta dễ tưởng nghệ sĩ của hai nghề đó chỉ cần thuộc lời, nói và hát theo đúng như tác giả viết ra là đủ. Nhưng tôi nhận ra một thực tế, người nào trong hai nghề này làm việc theo phương pháp đơn giản đó chỉ trở thành những thợ diễn, thợ vẽ chứ không thể là nghệ sĩ với sự sáng tạo kỳ diệu trong nghệ thuật.

Tôi từng làm việc với đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Lê Chức, tôi từng xem và nghe cố NSND Trọng Khôi diễn, tôi nhận ra những người chịu đọc và uyên bác là những người có thế mạnh trong nghề sân khấu. Nhìn lại thế hệ diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi trẻ với những NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Anh Tú… những người đã từng mang lại một phong cách diễn tươi trẻ, hoạt bát nhưng không kém độ lắng, sâu sắc và linh hoạt, tôi chợt nhớ đến thế hệ vàng thứ nhất của nền kịch nói Việt Nam với Trọng Khôi, Nguyệt Ánh, Thế Anh, Đoàn Dũng... với lối diễn kinh viện, trầm tĩnh, dày dặn, vào vai nào ra vai ấy. Thế hệ vàng thứ nhất đã đi vào lịch sử nền kịch Việt Nam và thế hệ vàng thứ hai đang dũng cảm và bằng tài năng và lòng yêu nghề của mình đảm trách nhiệm vụ nặng nề giữ cho sân khấu sáng đèn giữa thời buổi giông bão, bi kịch của nghề này.

Anh Tú nói với tôi không hiểu sao ngay từ khi chập chững bước vào đời em đã yêu nghề sân khấu và có linh cảm em sẽ gắn bó với nó trọn đời mình. 

Có lẽ chính vì thế, nên để hoàn thiện sứ mệnh vì sân khấu, Anh Tú đã chấp nhận sự vất vả và cả sự vật lộn khắc nghiệt để được làm nghề. Và nghề đã không phụ lòng người. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa lựa chọn và đề nghị Hội đồng Nghệ thuật quốc gia trao tặng Anh Tú danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân với những cống hiến của anh cho sân khấu Việt Nam. Sự kiện vinh dự này dành cho đạo diễn Anh Tú với tôi lại không tạo ra sự ngạc nhiên nào.