Cây trong phố

(ANTĐ) - Cây trong thành phố Hà Nội xưa là hồn của phố. Nhạc Trịnh viết về mùa thu Hà Nội: “Cây cơm nguội vàng! Cây bàng lá đỏ...”. Một lời bài hát khác: “Xanh xanh liễu rủ hồ Gươm...”.

Cây trong phố

(ANTĐ) - Cây trong thành phố Hà Nội xưa là hồn của phố. Nhạc Trịnh viết về mùa thu Hà Nội: “Cây cơm nguội vàng! Cây bàng lá đỏ...”. Một lời bài hát khác: “Xanh xanh liễu rủ hồ Gươm...”.

Cây Hà Nội phố xưa, mỗi phố một loài: Lò Đúc cây sao, chiều đến tiếng cò gọi nhau về tổ... Phố Nguyễn Du, hoa sữa, được coi như phố của tình yêu... Mùa hè, tán bàng rợp dọc phố Tràng Thi...

Những hàng cây cơm nguội đổ lá vàng về mùa thu và xanh mơn mởn, bóng lên trong nắng về mùa xuân ở phố Quang Trung, ở ngã ba Quảng Bá - Yên Phụ; khi từ ngoài đê vào, đã nhận ra còn chút nữa sẽ đến nội thành.

Rồi những hàng cây sấu cổ thụ, ra hoa rất nhanh, một thứ hoa li ti trắng, khi gió hè rung, thả trên vai thiếu nữ, dọc các đại lộ Trần Hưng Đạo - Bà Triệu... Và, mùa sấu xanh làm cho bát nước luộc rau muống trong và mát; mùa sấu chín thật hấp dẫn với đám học trò con gái... Và, “mái buồn nghe sấu rụng” trong thơ Chính Hữu những năm đầu kháng chiến chống Pháp trầm lắng làm sao!

Và, những tán phượng dọc đường Kim Mã - Nguyễn Thái Học; hoa rực rỡ, lá nhỏ bay bay trong gió, trong cái nắng tháng năm gay gắt, và tiếng ve đồng ca ran cả bầu trời, mùa đông treo quả dài lủng lẳng. Phố Hà Nội còn có những hàng me cổ thụ tuy không được đẹp bằng me phố Sài Gòn, nhưng cũng là nguồn vui cho những đám trẻ nghèo, kiếm được miếng ăn qua ngày, khi mùa quả xanh, quả chín...

Những cây lưu đỏ (a-ca-fu) được người Pháp đưa từ các nước nhiệt đới về cho đến nay, thế hệ thứ tư, thứ năm gì đó, gốc còn tầy ôm, lá rậm mà xanh, quả tròn như trái bóng quần vợt (tennis), chi chít nấp sau các tầng lá...

Đến những phố cổ hẹp, mà vẫn phải có hai hàng cây, như Hàng Cá, Hàng Bồ... Và, phố cổ có cây xanh càng đằm trong phong vị thời gian...

Cây trong thành phố còn có những quần thể lưu giữ những kỷ niệm khó quên... Cây hồ Gươm. Cây vườn Bách Thảo. Cây hồ Tây và hồ Trúc Bạch mà gợi cảm nhất là cây đường Cổ Ngư xưa và đường Thanh Niên hiện nay.

Nhắc đến cây bên hồ Gươm, làm sao quên được gốc lộc vừng chín ngọn, có thể coi là loại lộc vừng hiếm có hiện nay đã soi bóng bên hồ Gươm gần trăm năm nay... Mùa hoa, buông những tua hoa đính ngọc như những dải mũ thiên tử thời Xuân Thu - Chiến Quốc; đã tốn không biết bao nhiêu phim của những nhà nhiếp ảnh hàng thế kỷ nay...

Rồi những cây bình dân thân thuộc bên hồ như si, gạo, sung, đa, trôi, nhội, lại có những cây lạ như cây vông hoa đã hé nở về mùa thu, khiến cho ai đó ngỡ ngàng cứ tưởng là mấy chùm hoa phượng cuối mùa còn rớt lại. Nhìn kỹ lại, cái vồng hoa, cái màu đỏ sậm như tiết, mới à... ra là, vông đỏ... và hiểu rằng, gió đã se lạnh và mùa thu đã tọa lạc bên hồ...

Cây Bách Thảo xưa là đám cây thử nghiệm của Sở Canh nông Hà Nội xưa, mỗi loại cây còn đeo một mảnh tôn ghi tên gọi, trên khoa học bằng chữ Latinh, kể cả cây nội địa và cây ngoại nhập... Cả một rừng cây nhân tạo, đã khiến cho những chúa sơn lâm, những chuồng gấu, chuồng trăn, chuồng khỉ... tưởng như chúng đang được ở trong một trảng rừng thực sự. Để con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, phải thốt lên:

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua

Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ,

Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm..

Và liễu hồ Tây, liễu hồ Trúc Bạch... Xa xưa nữa còn rừng bàng Yên Thái một trong bát cảnh nổi tiếng của Tây Hồ...

Rồi cây ở vườn hoa: Vườn Chi Lăng với cây sưa, mùa hoa trắng xóa, bay bay như bướm đàn... Cây ở trong Công viên Thống Nhất và gần đây ở những vườn hoa khác...

Phố hiện đại nở ra cũng không thể thiếu cây được. Hà Nội, nếu đường Nguyễn Chí Thanh không có những hàng cọ ở dải đường phân cách thì những cái nắng giữa mùa hè vừa qua 36-370, cái thời bầu trời thủng tầng ozon, không hiểu trưa hè qua đây sẽ ngộp như thế nào?

Hà Nội đã có mùa đông trong dáng “bàng mồ côi” của thơ Phan Võ, có thời hoa đỏ trong thơ Thanh Tùng: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh muốn nắm tay em dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng chịu cho lòng ta yên”... Giờ lại có dãy hoa ban màu tím ở đầu đường Thanh Niên, xế cổng đền Trấn Vũ, và có những dãy phố rợp hoa bằng lăng tím mỗi khi Hà Nội vào hè...

Cây là hồn của phố. Phố Hà Nội làm sao có thể vắng bóng cây.

Ngô Văn Phú