"Cậu giời" Đặng Mậu Lân lại gây nhức nhối trong "Sóng dậy chốn mê cung"

ANTD.VN - “Cậu giời” Đặng Mậu Lân, một nhân vật lịch sử từng gây ra nỗi khiếp đảm đối với người dân thành Thăng Long cuối thế kỷ 18 một lần nữa lại gây nhức nhối cho khán giả qua vở cải lương “Sóng dậy chốn mê cung”. 

Từng được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng thành vở kịch “Công lý không gục ngã”, kịch bản của tác giả Lê Chí Trung thể hiện một thời kỳ đất nước rối ren cuối thế kỷ 18 đã được tái hiện qua nghệ thuật cải lương. Vở diễn “Sóng dậy chốn mê cung” do các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng vừa ra mắt khán giả Thủ đô. 

"Cậu giời" Đặng Mậu Lân lại gây nhức nhối trong "Sóng dậy chốn mê cung" ảnh 1“Cậu giời” Đặng Mậu Lân gây nên nỗi kinh hoàng với người dân thành Thăng Long

Làm mới bằng hiệu ứng

Là đơn vị nghệ thuật “đi sau” trong dàn dựng kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, do vậy, khi bắt tay vào thực hiện, đạo diễn Trần Quang Hùng đã làm mới những trang viết bằng tư duy và các thủ pháp nghệ thuật. Trong đó có thể kể đến việc cô đọng kịch bản để vở diễn “Sóng dậy chốn mê cung” không kể lể lê thê nhưng lại nhấn nhá đến nỗi sợ hãi của người dân thành Thăng Long mỗi khi “Cậu giời” Đặng Mậu Lân xuất hiện trên phố phường. 

“Cậu giời” đã ỷ thế của tuyên phi Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm yêu chiều nên coi trời bằng vung, cưỡng bức dân lành, cướp đất đai của người nghèo… Chính vì thế, vở cải lương đã mở đầu bằng những tiếng la hét, tiếng kêu thất thanh của người dân thành Thăng Long khi “Cậu giời” cùng toán lính đi khắp phố phường bắt các cô gái trẻ để cưỡng hiếp mua vui. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn ngay tại chỗ rồi lôi người ấy vào hãm hiếp. Bao người đã phải sống trong tủi nhục, căm hờn nhưng không dám đứng ra tố cáo vì sợ công lý sẽ bị khuất phục trước cường quyền. 

 Ðạo diễn đã xử lý sân khấu với những lớp diễn ước lệ đạt tính biểu cảm cao như phủ chúa được bao phủ bởi ánh sáng yếu ớt và những cánh cửa to nặng lúc nào cũng đóng kín như thể mọi tội ác của Mậu Lân chẳng hề lọt đến tai chúa; sự xuất hiện của công chúa Ngọc Lan trước công đường tố cáo tội ác của “Cậu giời” vừa hư vừa thực để chứng minh cho sự dũng cảm của nàng và là việc làm chưa từng có tiền lệ…

Thành công nhờ thông điệp rõ ràng

Đạo diễn Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ, khi dàn dựng vở diễn này, ê kíp đứng trước thách thức là phải thổi làn gió mới cho  những chi tiết trong chính sử mà nhiều người đã thuộc lòng. Hơn thế, nếu không biết cân đối giữa hư cấu và tuân thủ kịch bản sẽ làm mất đi  thông điệp của vở diễn là đề cao chính nghĩa, công lý phải được thực thi, tội ác phải bị trừng phạt. 

Quả thực, nếu theo kịch bản, vụ án Đặng Mậu Lân đã không được xét xử trước sức ép của cường quyền. Và Lân chết trong ngục tù. Nhưng khi dàn dựng, đạo diễn Trần Quang Hùng đã thay đổi diễn biến cùng cái kết của vở kịch. Theo đó, dù phủ chúa lúc nào cũng kín cổng cao tường nhưng chúa Trịnh Sâm đã ra lệnh cho danh sỹ Ngô Thì Nhậm xét xử tội ác của Đặng Mậu Lân. Và dù là chị gái nhưng tuyên phi đã cho em trai uống thuốc độc tự tử trong tù, bởi tội của hắn không thể dung thứ. Do vậy, vở diễn mới có tên gọi “Sóng dậy chốn mê cung” thay vì tên gọi ban đầu là “Vùng đất chúa”. 

Các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Hà Nội đã làm tròn vai diễn, dù vẫn còn đó những “hạt sạn” như vấp lời thoại và tiếng gió quạt ở cảnh diễn công chúa Ngọc Lan xuất hiện trên công đường quá lớn, khiến cho khán giả khó nghe được các câu cải lương mùi mẫn… Tuy nhiên, đây là vở diễn thành công bởi thông điệp của tác phẩm rất rõ ràng, công lý không gục ngã trước cường quyền. 

Đặc biệt, những chi tiết gay cấn, xung đột đã được chuyển tải thành công bằng nghệ thuật cải lương. Qua đó, khẳng định những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này cùng sự vượt qua những giới hạn trong dàn dựng. 

Dự kiến, vở diễn sẽ có mặt trên lịch biểu diễn thường xuyên của Nhà hát vào tháng 6-2018.