Cảm xúc khi nghe những ca khúc trong lễ duyệt binh kỷ niệm "Cuộc chiến tranh thần thánh"

ANTD.VN -Có thể nói Liên bang Xô Viết đã giành chiến thắng trong một Cuộc chiến tranh thần thánh, nhưng Liên bang Xô Viết cũng đã giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh văn hóa - tinh thần mà tiêu biểu là những ca khúc đã đi vào huyền thoại.

“Hãy đứng lên, hỡi đất nước mênh mông,

Đứng lên để lao vào trận quyết tử

Với thế lực phát-xít đen tối,

Chúng ta chiến đấu cho ánh sáng và hoà bình,

Còn chúng nó - cho đế chế của bóng tối.

Hãy để cho cơn giận dữ cao thượng

Sôi lên như sóng.

Chiến tranh nhân dân đang diễn ra,

Một cuộc chiến tranh thiêng liêng”

Ngày hôm nay khi những giai điệu trầm hùng, bi tráng nhưng đầy da diết của bài ca này vang lên hàng năm, như nhiều người Việt Nam khác, chúng tôi đang mở tivi tìm đến các kênh truyền hình của Nga để xem tường thuật trực tiếp Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa phát xít. Ngày kỷ niệm chiến thắng năm nay cũng không ngoại lệ. Ấn tượng nhất của buổi lễ duyệt binh đối với tôi có lẽ là màn rước cờ chiến thắng trên nền ca khúc “Cuộc chiến tranh thần thánh” và những ca khúc, hành khúc do Đoàn Ca múa nhạc Quân đội Liên bang Nga Alexandrov trình diễn: Tạm biệt người em gái Slavơ, Kachiusa...

Có thể nói Liên bang Xô Viết đã giành chiến thắng trong một Cuộc chiến tranh thần thánh, nhưng Liên bang Xô Viết cũng đã giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh văn hóa - tinh thần mà tiêu biểu là những ca khúc đã đi vào huyền thoại.

Cuộc chiến tranh thần thánh - Bài ca Vệ quốc vĩ đại

Trên khắp nước Nga và nhiều nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây, bên cạnh bản quốc ca Liên bang Nga, “Cuộc chiến tranh thần thánh” là bài hát mang tinh thần và ý chí như một bản quốc ca Liên bang Nga thứ hai. 

Ca khúc mà giai điệu của nó đã trở thành máu thịt với mỗi người dân Nga. Ca khúc duy nhất mà khi được cất lên ở bất kỳ sân khấu nào, bất kỳ hội trường nào, mọi khán giả là người Nga đều đứng dậy, nghiêm trang, nhiều người hát theo, nhiều người lấy tay lau nước mắt khóc...

Ca khúc này luôn luôn được sử dụng để mở đầu cho Lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít. Khi lá cờ đỏ chiến thắng được rước đi trang trọng bởi các chiến sỹ danh dự qua Lễ đài để tới vị trí xuất phát, mọi người dân Nga, các nguyên thủ, khách quốc tế đều đứng dậy nghiêm trang dõi theo bước chân của những người lính chiến thắng.

Ra đời hai ngày sau khi phát xít tấn công Liên Xô và trở thành Bài ca Vệ quốc vĩ đại

Ngay sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, nhạc sỹ Alexandrov là Trưởng đoàn ca múa nhạc Cờ đỏ của Hồng Quân Liên Xô đã lập tức phổ nhạc bài thơ có tựa đề “Cuộc chiến tranh thần thánh” của nhà thơ Vasily Ivanovich Lebedev-Kumach để các nghệ sỹ trong đoàn tập dượt. Bài hát được phổ biến rất nhanh và mạnh mẽ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, được phát hàng ngày trên đài phát thanh Liên Xô, mỗi sáng sau tiếng chuông của Điện Kremlin.

Cùng với giọng đọc huyền thoại của phát thanh viên Levitan, bản Quốc ca Liên Xô, bài hát “Tạm biệt người em gái Slavơ”, bài hát “Kachiusa”, “Cuộc chiến tranh thần thánh” đã trở thành một trong những “Quốc bảo” về tinh thần của nhân dân Liên Xô trong cuộc kháng chiến vĩ đại, giúp cho các chiến sỹ Hồng Quân vượt qua bao gian khổ, khó khăn, hy sinh để chiến thắng kẻ thù, đặc biệt trong những trận đánh hết sức ác liệt đã đi vào huyền thoại như Stalingrad, Leningrad, Kursk...

Sau khi Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, kể từ đó cho tới nay, Cuộc chiến tranh thần thánh luôn trở thành ca khúc được phát trang trọng nhất trong tất cả các hoạt động kỷ niệm trên khắp lãnh thổ Liên bang Xô Viết và trở thành nhạc nền trong Lễ rước cờ Chiến thắng ngày 9/5 hàng năm.

“Cuộc chiến tranh thiêng liêng” hay “Cuộc chiến tranh thần thánh” ?

Trong lịch sử nhân loại thì cụm từ Cuộc chiến tranh thần thánh hay được sử dụng để chỉ những cuộc chiến tranh tôn giáo, như các cuộc thập tự chinh được kêu gọi bởi Giáo hoàng và tiến hành bởi các vị vua và quý tộc là những người tình nguyện cầm lấy cây thập giá với mục tiêu chính là phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo với vùng Đất Thánh từ năm 1095 đến 1291. Chiến tranh thần thánh cũng được sử dụng để chỉ những cuộc chiến tranh bảo vệ tín ngưỡng của mình hay chúng ta thường gọi bằng một cái tên khác là “Thánh chiến”.

Tên bài hát "Священная война" dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt có thể dịch là "cuộc chiến tranh thiêng liêng" để phân biệt với "Thánh chiến". Còn "святая война" tiếng Nga dịch ra tiếng Việt mới sát nghĩa là "cuộc chiến tranh thần thánh". Tuy nhiên trong tiếng Nga "cвященная война" cũng được dùng để định nghĩa về Jihad (джихад, священная война ислама против неверующих: Jihad có nghĩa là cuộc chiến tranh thiêng liêng của Hồi giáo chống lại những người không tin (Hồi giáo), mà tiếng Việt gọi là "Thánh chiến".

Do vậy thực tế khi dịch sang tiếng Việt, chúng ta có thể dịch là “Cuộc chiến tranh thiêng liêng” hoặc “Cuộc chiến tranh thần thánh”.

Vì sao Ban Tổ chức sử dụng Hành khúc Preobrazhensky thay cho Cuộc chiến tranh Thần thánh trong Lễ rước cờ Chiến thắng ngày 9-5-2005?

Ngày 9-5-2005, trong Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát xít, Cuộc chiến tranh thần thành không được sử dụng để làm nhạc nền cho Lễ rước cờ, thay vào đó là Hành khúc Preobrazhensky. Thì ra Ban Tổ chức đã quyết định sử dụng bản nhạc Cuộc chiến tranh thần thánh để phát trong phần diễu hành của các Cựu chiến binh trong buổi Lễ. Các cựu chiến binh với độ tuổi ngoài 90, trong buổi Lễ trọng thể hôm đó đã không thể đủ sức để đi duyệt binh như những năm trước đây.

Ban Tổ chức đã quyết định chở các cựu chiến binh duyệt qua lễ đài trên hàng trăm cỗ xe tải Zis5V huyền thoại trong chiến tranh Vệ quốc. Không có bản nhạc nào có thể tôn vinh xứng đáng hơn đối với các cựu chiến binh hơn là bản Cuộc chiến tranh thần thánh khi họ diễu hành qua Lễ đài. Toàn bộ Lễ đài đã đứng dậy vỗ tay hoan hô theo nhạc khi các cỗ xe chở các cựu chiến binh đi qua, trong đó có toàn thể nguyên thủ quốc gia của các cường quốc G7, Ấn Độ, Trung Quốc...

Từ Lời tạm biệt của cô gái Slavơ

Đã đến lúc chia tay nhau rồi em hỡi

Em nhìn với ánh mắt đầy lo lắng tiễn đưa tôi

Tôi cảm thấy hơi em thở bao thân thuộc

Tôi cũng thấy miền xa ấy giông tố đầy

Không khí rét buốt đang xanh màu u ám

Gió gào mỗi bước đi và lo lắng buốt thái dương

Khi Tổ quốc đang kêu gọi ta thắng trận

Gió rét cũng cản sao bước chân

Ngày hôm nay chúng ta lại được nghe Lời tạm biệt của cô gái Slavơ trên Hồng trường. Có thể nói không cuộc diễu binh nào ở nước Nga và nhiều quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết trước đây không vang lên bài hát Lời tạm biệt của cô gái Slavơ. Giai điệu của bài hát gắn liền với hình ảnh chia tay của những người vợ, người mẹ, người yêu, người em gái... của các chiến sỹ Hồng Quân Liên Xô ở sân ga.

Được viết vào mùa thu năm 1912 bởi nhạc trưởng dàn nhạc quân đội Liên Xô Vasily Ivanovich Agapkin (1884-1964) nơi những người anh em mang dòng máu Slavơ chiến đấu chống lại ách thống trị của đế chế Ottoman. Bài hát này đã thực sự đạt đến đỉnh cao của mình trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại với thời khắc vẻ vang nhất chính là cuộc diễu binh lịch sử ngày 7/11/1941 trên Quảng trường Đỏ nơi những người lính sẽ từ đây đi thẳng ra mặt trận để chiến đấu với quân thù.

Có lẽ đối với riêng tôi và nhiều người thân trong những gia đình người lính khác ở Việt Nam hay nước Nga, những cuộc chia tay cha anh mình ra trận, đi làm nhiệm vụ... là điều không xa lạ. Cái hay ở đây là, nhạc sỹ đã sử dụng từ “Lời tạm biệt”.

Người chiến sỹ ra đi, chiến trường ác liệt, có thể hy sinh hoặc không trở về. Nhưng khi dùng từ “tạm biệt” thì chúng ta thấy rõ rằng đó chỉ là tạm thời chia tay, ở nhà, có hậu phương có mẹ, có vợ, có người thương, có những người em gái, và cả những người con đang chờ chồng, cha, người yêu của họ trở về. Và lời tạm biệt cũng được dùng để hẹn ngày trở lại, để vững tin niềm tin chiến thắng...

Tới một bài ca được dựng tượng và có bảo tàng riêng...

Kìa bến sông thoáng bóng ai in trên làn sương mờ,

Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ.

Lời hát trong phút giây bay qua làn sương mờ,

Biết không chàng ơi tình Kachiusa đang chờ.

Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, đã có hàng vạn cô gái ở lại hậu phương, chung thủy chờ đợi chồng, người yêu trở về. Kachiusa chỉ là một cái tên, nhưng nó mang ý nghĩa tượng trưng cho cả một thế hệ phụ nữ Xô Viết ngày ấy và cũng có hàng vạn cô gái khác đã ra trận, họ trực tiếp chiến đấu, là trinh sát, du kích, tải thương. Nhiều người đã hy sinh anh dũng và mãi mãi không trở về.

Bài thơ  phổ nhạc vào năm 1938, và đã trở thành một huyền thoại âm nhạc của nước Nga, là nguồn động viên tinh thần to lớn cho các chiến sỹ Hồng Quân Liên Xô. Trái với giai điệu hành khúc, hào hùng của Cuộc chiến tranh thần thánh hay Lời tạm biệt của người em gái Slavơ, Kachiusa dịu dàng, du dương và da diết như hình ảnh người con gái Nga e ấp bên hàng cây bạch dương vẫy khăn tay chào tạm biệt người thương ra mặt trận.

Bài hát đã biến cái tên Kachiusa thành huyền thoại và cũng gây bất ngờ cho chính Matvei Isaakovich Blanter tác giả phần nhạc và Mikhail Vasilyevich Isakovsky tác giả phần lời của bài hát vì sự nổi tiếng của mình.

Tại Smolensk, nơi chôn rau cắt rốn của Isakovsky, người ta đã dựng một bức tượng Kachiusa và xây dựng một bảo tàng về Kachiusa. Tại đây có trưng bày tất cả những gì có liên quan đến lai lịch của Kachiusa như đĩa hát, sách vở, những bài báo, tạp chí tranh ảnh, hồi ức, thư từ của các chiến sĩ... Có lẽ không có ở nơi nào trên thế giới, một bài hát lại được dựng tượng và có một bảo tàng riêng như vậy.

Ở Việt Nam, có lẽ Kachisa đã vượt qua tầm vóc của một ca khúc ngoại quốc. Nó đã trở thành một ca khúc vô cùng thân thuộc của chúng ta, được hát từ quán bia hơi vỉa hè tới các buổi lễ tiếp khác, các hội nghị sang trọng. Khi nói đến nước Nga, là phải nhắc tới Kachiusa.

Chiến thắng vĩ đại từ văn hóa nghệ thuật

Khi nhắc tới chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Xô Viết trước kẻ thù phát xít, người ta sẽ nhắc nhiều tới những chiến thắng hào hùng, những tập đoàn quân huyền thoại, những vũ khí hạng nặng vượt trội... Thế nhưng đối với bản thân tôi, chiến thắng đó là một chiến thắng về văn hóa nghệ thuật.

Một binh chủng không hiện hữu nhưng có những tác động to lớn, tạo nên sức mạnh về tinh thần cho người chiến sỹ Hồng quân trước kẻ thù. Hãy tưởng tượng nếu không có những ca khúc huyền thoại kia, cuộc chiến tranh Vệ quốc sẽ diễn ra như thế nào. Chúng ta không biết được. Nhưng có một điều chắc chắn, người Nga đã chiến thắng bởi nền văn hóa Nga vĩ đại và đậm đà bản sắc, một chiến thắng bởi những tác phẩm nghệ thuật, trong đó có những bài hát hào hùng nhưng rất nhân văn.

Và ngày hôm nay, ngày Chiến thắng phát xít, khi nghe lại các bản nhạc này trên sóng truyền hình, chúng ta lại tiếp tục nhận ra rằng, nền văn hóa Nga, con người Nga nhân hậu và thủy chung ấy, rất giống và hòa hợp với nền văn hóa và con người Việt Nam.

Và người Việt Nam và người Nga đã cùng chiến thắng kẻ thù của mình như vậy, chiến thắng bởi nền văn hóa đầy bản sắc và nhân văn...

Matvei Isaakovich Blanter (Tác giả phần nhạc bài Kachiusa)

                                    

Mikhail Vasilyevich Isakovsky (Tác giả phần lời của Kachiusa)

Lá cờ đỏ chiến thắng được rước qua lễ đài ngày 9/5/2005 trên nền nhạc của Hành khúc Preobrazhensky

Các cựu chiến binh được chở bằng hàng trăm xe tải diễu hành qua Quảng trường đỏ ngày 9/5/2005 trong giai điệu của Cuộc chiến tranh thần thánh

Tổng thống Nga Putin cùng các nguyên thủ G7, Trung Quốc đứng dậy hoan nghênh các cựu chiến binh trong tiếng nhạc của Cuộc chiến tranh thần thánh

Khán giả Nga đứng dậy trong Hội trường khi nghe Cuộc chiến tranh thần thánh do Đoàn quân nhạc Alexandrov trình diễn

Xúc động khi nghe Cuộc chiến tranh thần thánh

Lãnh tụ Stalin phát biểu trong Cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941

Cảm xúc khi nghe những ca khúc trong lễ duyệt binh kỷ niệm "Cuộc chiến tranh thần thánh" ảnh 11

Hồng quân Liên Xô ra trận trong Lễ duyệt binh ngày 7/11/1941 trên nền nhạc của Lời tạm biệt của người em gái Slavơ.

Cảm xúc khi nghe những ca khúc trong lễ duyệt binh kỷ niệm "Cuộc chiến tranh thần thánh" ảnh 12

Dàn quân nhạc dẫn đầu Lễ duyệt binh năm 2017 trên nền nhạc của Lời tạm biệt người em gái Slavơ.