Cám dỗ
(ANTĐ) - Trong số những bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa kia có một thanh niên còn rất trẻ với cái tên nghe thật ấn tượng: Trần Thành Đạt. Có lẽ khi chọn cái tên này, bố mẹ Đạt đã đặt cả tình yêu, niềm tin và kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất của họ. Cả cuộc đời vất vả nuôi con ăn học, những mong có chỗ nhờ cậy lúc tuổi già.
Ai ngờ giờ đây nó đã trở thành một kẻ tội lỗi và sắp phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Dưới hàng ghế cuối cùng, mẹ Đạt lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt xót xa lăn dài trên khuôn mặt sạm đen bởi những tháng ngày vất vả trên đồng ruộng. Bố Đạt ngồi bần thần với một bên ống tay buộc túm đến vai do cánh tay đã mất trong chiến tranh. Dường như cả hai vẫn chưa thể tin nổi rằng đứa con vốn ngoan ngoãn, học hành giỏi giang của mình lại sã ngã, hư hỏng đến như vậy.
Nhìn gương mặt khá điển trai và thông minh của Đạt nhiều người không khỏi chạnh lòng. Nó từng làm say lòng biết bao cô gái trong làng ngoài phố. Khuôn mặt trông khá non nớt ấy giờ đây không giấu được nét thảng thốt, run sợ trước khi phải đón nhận sự trừng phạt của pháp luật. Người ta tiếc cho Đạt - một sinh viên khá triển vọng của một trường đại học, tương lai còn rạng rỡ phía trước. Người ta càng thương cho bố mẹ Đạt, những con người suốt đời lam lũ nhưng đến khi tuổi đã xế chiều lại phải chịu đựng nỗi buồn đau, tủi cực quá lớn thế này. Và giờ đây, tiếng khóc nấc của mẹ Đạt sau khi nghe đứa con nói những lời ăn năn, hối lỗi trước tòa càng khiến lòng người xót xa hơn.
Việc Đạt đỗ đại học như là niềm vui mừng của cả xóm làng. Bởi cái miền quê nghèo xơ nghèo xác của Đạt đã bao giờ có người đỗ đại học đâu, mà lại còn là trường danh tiếng nữa chứ. Người ta hết lời ngợi khen, răn dạy các con mình hãy noi theo gương của Đạt. Và chàng trai ưu tú của làng quê ấy ra thành phố trọ học mạng theo niềm mơ ước và khát vọng đổi đời của cả gia đình, làng xóm.
Những ngày đầu nơi phố thị, Đạt cũng bỡ ngỡ lắm. Đạt choáng ngợp trước cuộc sống sôi động, những cuốn hút của các trò giải trí chốn đô thành. Hơn một lần, Đạt nghĩ về tương lai của mình và thấy mình thật may mắn. Không những thế, cậu đã bỏ bao nhiêu công sức để mang lại niềm tự hào cho gia đình, dòng họ thì mình cũng xứng đáng được hưởng những thứ xa xỉ nơi phồn hoa ấy. Ngay lập tức Đạt trút bỏ vẻ ngoài quê mùa và nhanh chóng hòa nhập vào lối sống thời thượng, tiêu xài hưởng thụ hết mức. Đạt luôn chứng tỏ mình là con người sành điệu, một “thị dân chính hiệu”. Đạt kết thân với một số cậu bạn con nhà khá giả và thường hay lui tới, tụ tập ăn chơi ở những tụ điểm hào nhoáng và đắt đỏ trong thành phố.
Trong khi ấy, bố mẹ Đạt ở quê vẫn vất vả, ngày ngày quần quật trên những thửa ruộng để tích cóp tiền bạc hàng tháng gửi ra cho con trai ăn học. Nỗi vui mừng khôn xiết khi đứa con đỗ đạt đã khiên ông bà không hề mảy may thắc mắc khi phải gửi tiền ra cho con, không hề phàn nàn khi đứa con trai mỗi khi về quê đều ăn diện rất màu mè, sang trọng.
Thậm chí khi nghe một số bà con ra thành phố về góp ý chuyện Đạt ăn chơi lêu lổng thì ông bà gạt ra, cho đó là chuyện ngồi lê đôi mách của những kẻ hay đố kỵ. Và ông bà luôn tin rằng Đạt vẫn đang miệt mài học tập trên thành phố và vẫn tìm mọi cách chu cấp tiền cho con mỗi khi nó yêu cầu. Mãi đến khi được nhà trường thông báo Đạt bị đuổi học và đang bị tạm giam vì bị bắt quả tang vận chuyển ma túy trái phép thì ông bà mới ngã ngửa, đầu óc choáng váng quay cuồng như bị đá nện vào đầu.
Thì ra bấy lâu nay lời đồn đại là có thật. Thằng Đạt theo đám bạn bè ăn chơi đã sa vào nghiện ngập. Tiền xoay sở, vay mượn bao nhiêu cũng nướng tất vào ma túy, nợ nần ngày một nhiều. Đạt tìm mọi cách để thỏa mãn cơn khát ma túy. Và không biết từ khi nào Đạt trở thành một chân rết trong đường dây buôn bán cái chết ấy. Đạt bị bắt quả tang trong một lần đem ma túy đi tiêu thụ. Đó là kết cục tất yếu cho những kẻ đang ngày ngày reo rắc tội ác và nỗi thống khổ cho đồng loại.
Mẹ Đạt khóc ngất mỗi khi nghĩ đến đứa con tội lỗi của mình. Mấy ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử Đạt và đồng bọn diễn ra, bố mẹ Đạt đã có mặt ở thành phố với bao nỗi thấp thỏm, lo âu và chờ đợi. Trời mưa phùn rả rích, cái lạnh tràn ngập từng ngóc ngách của phố phường. Và rồi cái gì đến cũng phải đến, Đạt bị tuyên phạt 14 năm tù giam.
Không một lời thắc mắc hay van xin, Đạt đứng lặng trước vành móng ngựa, khuôn mặt thoáng những nét ngơ ngác đến tội nghiệp. Mái tóc nhuộm vàng rủ xuống che một nửa khuôn mặt phảng phất những ánh nhìn u ám. Dười hàng ghế cuối cùng, mẹ Đạt đã ngất lịm từ khi nào. Còn người cha thương tật chỉ biết đưa bàn tay còn lại áp lên ngực. Nếu có thể khóc được, ông đã gào thật to để vơi bớt nỗi đau và sự nhục nhã đang ngập tràn trong lòng. Nhưng ông đã không thể khóc. Có lẽ, ông đã nuốt những giọt nước mắt mặn chát vào trong.
Bản án dành cho Đạt cũng chính là lời cảnh tỉnh cho những thanh thiếu niên thiếu lý tưởng sống, chỉ mong hưởng thụ và muốn làm giàu bằng những con đường không chân chính. Từ một thanh niên quê mùa, học giỏi nhưng lại hiếu kỳ và yếu mềm trước sự cám dỗ vật chất, Đạt đã bị cuốn vào vòng xoáy đó.
Một chút tự ti, sĩ diện của chàng trai quê cộng với một chút nông nổi, bốc đồng của tuổi trẻ, thói a dua và tự mãn thái quá cùng với sự thiếu hiểu biết đã khiến Đạt ngã gục trước cạm bẫy cuộc đời. Và cũng chính sự vô tâm, nuông chiều của gia đình đã vô tình đẩy Đạt lấn sâu hơn vào con đường tội lỗi. Bi kịch của Đạt cũng chính là bi kịch chung của những thanh niên thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm sống trước những cám dỗ của cuộc đời.
14 năm có lẽ là khoảng thời gian khá dài cho sự chờ đợi của cha mẹ Đạt khi đã sắp bước vào tuổi xế chiều. Và không biết bao nhiêu giọt nước mắt nữa sẽ rơi trong những tháng ngày mòn mỏi ấy. Nhưng 14 năm tù giam là một hình phạt đích đáng dành cho Đạt bởi lỗi lầm không thể tha thứ được ấy. Đó sẽ là khoảng thời gian để Đạt gặm nhấm lương tâm mình, để có thể ăn năn hối lỗi bởi những tội ác mà mình đã gây ra. Đõ cũng là khoảng thời gian đủ dài để Đạt tu tâm dưỡng tính, rèn luyện bản thân trước khi về với người thân.
Đình Quang