Cái tình của những người chơi tranh Hà Nội cũ

ANTĐ - Các nhà sưu tập tranh của Hà Nội thời kháng chiến và bao cấp chỉ vẹn vẻn có 5-6 người. Nhưng mỗi khi nhắc về họ, người Hà Nội sẽ cảm thấy tự hào về mỹ thuật Việt Nam, đã từng có những con người yêu tranh và yêu nghệ thuật một cách vô tư và nhiệt thành. 

Ông Bổng “Hàng Buồm” qua nét vẽ của danh họa Bùi Xuân Phái

Sưu tập tranh theo lối bất đắc dĩ

Thời kháng chiến và bao cấp, cả họa sỹ và người chơi tranh đều nghèo. Với họa sỹ, vẽ được tranh đã khó vì vật liệu và chất liệu tốt rất hiếm, nếu không muốn nói là không có. Thế nhưng, ngay cả khi tranh được vẽ ra cũng không có người mua và thường được các họa sỹ vẽ để tặng.

Cứ với đà ấy, hội họa đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nhưng thật may, những người chơi tranh của Hà Nội xưa như ông Đức Minh, ông Lâm “cà phê”, ông Tô Ninh, ông Bổng “Hàng Buồm” chính là những “bà đỡ” cho các họa sỹ Hà Nội. Dù giá tranh rẻ, tính ra chỉ đáng vài ly cà phê, hoặc bát phở, thậm chí có những bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái đã được mua với số tiền không đủ phích nước đổi ngang một phích đựng nước. Nhưng thời đó, dường như vật chất không phải là số một mà điều quan trọng với mỗi họa sỹ là tranh được đón nhận, có bà đỡ ngay khi mới lọt lòng. 

Hà Nội vào khoảng thập niên 60 và 70, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nên chuyện chơi tranh trở nên quá xa xỉ với cuộc sống của người dân Thủ đô. Dù vậy, ở nơi kinh kỳ hội tụ nhân tài đã xuất hiện các nhà sưu tập tranh nổi tiếng. Phần nhiều trong số họ trở thành nhà sưu tập tranh một cách bất đắc dĩ. Tức là, dù muốn hay không muốn, hoàn cảnh xô đẩy đã đưa những người dân bình thường của Hà Nội trở thành các nhà chơi tranh chuyên nghiệp.

Chuyện là, sinh thời, ông Lâm “cà phê” không hẳn là người yêu nghệ thuật. Gia đình ông có quán cà phê nhỏ ở phố Nguyễn Hữu Huân để sinh sống. Nhưng cơ duyên đã đưa ông đến với vai trò người trợ sức cho các họa sỹ, lại bắt nguồn từ các cốc cà phê ký nợ. Do không có tiền, các họa sỹ đã trả tiền uống cà phê cho ông bằng tác phẩm của mình. Và cũng vô tình, quán của ông Lâm đã trở thành địa điểm triển lãm.

Tác phẩm hội họa là của để dành

Hay ông Bổng “Hàng Buồm”, người chuyên sưu tập bản thảo của các họa sỹ lại bắt đầu công việc này bằng mối thân tình với các tài năng hội họa. Trước hết, ông Bổng và các họa sỹ là những người bạn tâm giao, yêu quý nhau bằng tấm lòng chân thật và sự cảm phục tài năng. Bút tích của họ được gửi gắm vào tay ông như một lẽ tự nhiên để rồi dưới sự chỉnh lý, sắp xếp của nhà sưu tập, cuộc đời và sự nghiệp của họ dần hiện ra chân thực và sống động.

Dù khác nhau về hoàn cảnh trở thành nhà sưu tầm nghệ thuật thì ở ông Lâm “cà phê”, ông Bổng “Hàng Buồm” hay ông Tô Ninh… đều đọng lại cái tình với các họa sỹ và điều quý nhất chính là sự chia sẻ, đồng cảm trong nghệ thuật với mỗi người bạn, người nghệ sỹ tài năng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung, Trưởng ban Mỹ thuật hiện đại (Viện Mỹ thuật Việt Nam) đánh giá, “các nhà chơi tranh của Hà Nội xưa đã sưu tầm tranh theo lối lưu giữ tình cảm với nghệ sỹ nhiều hơn việc xác định một ý thức lưu giữ các sản phẩm văn hóa”. 

Nhà sưu tập Lâm “Cà phê” qua nét vẽ của họa sỹ, nhạc sỹ Văn Cao

Chỉ tiếc rằng, sau khi các nhà sưu tập nổi tiếng của Hà Nội lần lượt qua đời, gia sản gom góp của các ông đã được gia đình chia nhỏ cho các con hoặc bán cho các nhà sưu tập mới. Do vậy, tính nguyên vẹn của bộ sưu tập đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều kiệt tác của hội họa Việt Nam đã “vượt biên” ra nước ngoài. Ở thời đổi mới, mỹ thuật Việt Nam đã xuất hiện một nhóm các nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp, có ý thức sưu tầm và lưu giữ các tác phẩm hội họa một cách rõ ràng.

Đó là Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí, Nguyễn Minh… Nhưng khác với thế hệ đi trước, các nhà sưu tập ngày nay đều nhận thức đầy đủ về giá trị của các tác phẩm hội họa sẽ là của để dành, là khoản đầu tư sinh lời và thậm chí là cách để làm sang cho tên tuổi của họ. 

Chả thế, nhà sưu tập Nguyễn Minh đã dám bỏ ra tiền tỷ để sưu tập tranh của các họa sỹ Đông Dương hay Bùi Quốc Chí bằng cách nào đó đã đưa được “Cô gái bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân về nước. Mỗi thế hệ nhà sưu tập tranh Việt Nam đều có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển của hội họa Việt. Thế hệ các nhà chơi tranh Hà Nội xưa như ông Đức Minh, ông Lâm “cà phê” hay ông Bổng “Hàng Buồm” đã từng là những người cổ vũ chân thành, nhiệt huyết cho các họa sỹ vẽ và sáng tác.