Cải lương phá cách để mang lại tiếng cười cho khán giả

ANTD.VN - Cải lương xưa nay luôn được mặc định là những vở diễn mùi mẫn và bi ai. Thế nhưng, trong những nỗ lực kéo khán giả đến rạp, các nhà hát đã mạnh dạn phá cách. Bên cạnh việc sử dụng công nghệ và kỹ xảo điện ảnh thì mới đây, khán giả Hà Nội còn được biết đến cải lương có thể diễn cả hài…

Cải lương phá cách để mang lại tiếng cười cho khán giả ảnh 1Trên sân khấu cải lương hiện đại, tiếng cười chiếm chủ đạo, khác hẳn với vẻ bi sầu, sướt mướt của cải lương truyền thống

Cái “lạ” trên sân khấu cải lương

Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa ra mắt chùm hài: Tình yêu qua mạng, Sếp vợ và Bệnh quảng cáo. Và ở cả 3 tiểu phẩm này, người xem đã có những phút vui vẻ khi thấy lại mình trong những tất bật cuộc sống và bon chen. Và đó là cái “lạ” đã được tạo ra trên sân khấu cải lương khi tiếng cười chiếm chủ đạo, khác hẳn với vẻ bi sầu, sướt mướt của cải lương truyền thống.

Chùm hài này vốn chỉ dành cho các diễn viên kịch nói, dùng lợi thế của lời thoại và hình thể để tung hứng, nhập vai trên sân khấu nay được chuyển thể cho các nghệ sĩ kịch hát dân tộc, những người sử dụng giọng hát là phần nhiều. Đặc biệt, đề tài ở chùm hài này lại thuộc thể loại hiện đại, đề cập tới những hiện tượng, những vấn nạn của cuộc sống đương đại lại càng tạo nên cái lạ và hút khách đến với buổi biểu diễn. 

Ở Tình yêu qua mạng, tiểu phẩm đề cập tới thực trạng của xã hội văn minh, con người ngày nay sống trong thời đại cộng nghệ 4.0, mọi sinh hoạt, giao tiếp… đều sử dụng các thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh-màn hình cảm ứng. 

Mạng xã hội tràn lan, khiến chúng ta dễ dàng tìm bất cứ thứ gì phục vụ cuộc sống, kể cả việc tìm người yêu trên mạng. Đặt niềm tin vào mạng ảo, đã có rất nhiều người tìm được một nửa của mình nhưng cũng không ít người đã phải trả giá cho việc tin vào thứ ảo ảnh để rồi tiền mất tật mang. 

Ở “Sếp vợ”, tiểu phẩm là câu chuyện vui mang chủ đề tôn vinh vai trò đặc biệt của người phụ nữ hiện đại. Xã hội hiện nay phải xóa bỏ định kiến trọng nam khinh nữ. Người phụ nữ thực sự có năng lực được đề bạt làm lãnh đạo quản lý, cống hiến trí tuệ cho đất nước, cho xã hội. 

Ở “Bệnh quảng cáo”, tiểu phẩm đề cập căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi sử dụng các sản phẩm cần biết nguồn gốc, xuất xứ, để tránh tiếp tay cho những kẻ hám lợi mà bất chấp tất cả, kể cả tính mạng của những người thân theo kiểu “gậy ông đập lưng ông” như thông điệp ở tiểu phẩm này. 

Và cũng vì đề cập tới những vấn đề hiện đại có nghĩa chùm hài này đã động tới vấn đề của cải lương ngày nay khi loay hoay trong sự chuyển mình để thích nghi với thời đại. NSƯT Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Hà Nội cho rằng, dựng cải lương truyền thống với tính chất riêng biệt đã khó thì dựng cải lương hiện đại còn khó hơn gấp trăm, gấp nghìn lần. 

Cải lương hiện đại khó ngay từ khâu viết kịch bản

Theo NSƯT Thanh Trầm, cải lương hiện đại khó ngay từ khâu viết kịch bản. Vì như các cụ xưa đã từng nói, “có tích mới dịch nên trò”, nghệ sỹ cải lương muốn ca phải có tình huống, phải có kịch tính mới khiến nhân vật cất nên tiếng hát, thể hiện nội tâm nhân vật. Vì thế, cũng giống như tuồng, chèo, cải lương sẽ phù hợp khi dựng thể loại truyền thống với các điển tích đã được xác lập. Còn khi dàn dựng hiện đại lại vướng mắc ở việc điều tiết tỉ lệ ca và thoại sao cho khán giả đi xem cải lương sẽ không bị chưng hửng như vừa đi xem kịch nói về. 

Ở chùm hài này, khán giả đã có được những phút giây thư giãn lý tưởng với tiếng cười sảng khoái. Chị Hương Sen, (Phố Ngô Quyền, Hà Nội) nhận xét, chị thích xem cải lương với cách dựng hài này, vừa gần gũi với khán giả trẻ vừa nhẹ nhàng, thư thái. Dù đôi chỗ lạm dụng nhạc chế đưa vào vở nên đã làm lu mờ cải lương. 

Còn NSƯT Thanh Trầm lại cho rằng, dù ai đó đã cho rằng, vở diễn có ít yếu tố cải lương mà nhiều yếu tố kịch nói nhưng bà thấy điều đó vừa đúng vừa sai. Bởi bản chất của cải lương là bi lụy. Trong khi, chùm hài này là hiện đại nên việc điều tiết liều lượng nằm ở chỗ chấp nhận được đến đâu. 

NSND Tuấn Hải, đạo diễn của chùm hài này cho biết: “12 làn điệu cải lương đã được tôi đan cài vào mỗi tiết mục. 3 tiểu phẩm này có quá nhiều cải lương. Chúng tôi đang tính phải cắt bớt hoặc liều lượng lại”. 

Dù có độ vênh trong đánh giá của khán giả và đạo diễn nhưng điều đó không quá quan trọng. Bởi điều quan trọng, cải lương đã được nhìn ở một góc độ khác, góc độ của hài, điều không mấy người nghĩ tới và tin sẽ làm được. Nhưng các nghệ sỹ và diễn viên của Nhà hát Cải lương Hà Nội lại tự tin vào thành công của mình.