Cách tân sân khấu

ANTĐ - Là họa sỹ đầu tiên của Việt Nam được tu nghiệp tại nước ngoài về thiết kế mỹ thuật sân khấu, họa sỹ Đỗ Doãn Bằng đã đưa vào các vở tuồng, chèo, cải lương, kịch nói nhiều yếu tố hiện đại. Với tư duy mở, anh nổi tiếng là người đổi mới và cách tân sân khấu.

Cách tân sân khấu ảnh 1

Với mỗi vở diễn thành công, Doãn Bằng chỉ biết âm thầm cười một mình

Từng bị loại khỏi ê kíp dàn dựng 

250 vở diễn từng qua tay Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật, điều dễ dàng nhận ra chính là cái mới, cái lạ ở những đề tài quen thuộc với khán giả. Trong vở kịch “Chuyến tàu tốc hành cuối cùng”, vở diễn có đề tài về người lính, Doãn Bằng đã thay đổi toàn bộ cách tiếp nhận thẩm mỹ lâu nay của người xem. Thay vì lối dùng phông vẽ thông thường, anh đã sử dụng máy chiếu để thể hiện hình ảnh cây cối hai bên đường thay đổi khi chuyến tàu lao đi trong màn đêm. Hình ảnh được chiếu trực tiếp lên bục bệ, nơi hai nhân vật đang ngồi trò chuyện.

Đến khi hai tấm bệ nối lại, quay lưng về phía khán giả lại trở thành phông chiếu những ký ức đã qua của người lính… Lối thiết kế mỹ thuật này của Doãn Bằng không tách bạch giữa diễn viên và phông nền, cả hai cùng hòa quyện trên sân khấu, tạo một chỉnh thể không tách rời. Vở “Ông lão đánh cá và con cá vàng” vừa ra mắt thời gian vừa qua, Doãn Bằng một lần nữa lại cho thấy lối khai thác sân khấu rất “Tây” của anh. Chỉ sử dụng 5 cánh buồn màu trắng, lúc làm phông sân khấu, lúc lại làm màn hình để trình chiếu hình ảnh, cách thiết kế mới này của Doãn Bằng được đạo diễn người Đức, Dominic Gunther đánh giá cao. 

Doãn Bằng đang dần từng bước thay đổi lối trang trí sân khấu truyền thống và hướng tới việc tiếp cận nhịp sống đương đại. Mỗi tác phẩm được ra đời là một phát hiện và sáng tạo của riêng anh. Doãn Bằng luôn cố gắng vượt qua những khuôn mẫu đã “đóng đinh”, như một tác phẩm sân khấu bắt buộc phải có phông, trong khi thế giới đã bỏ lối dàn dựng này từ khá lâu.

Cũng vì chịu đổi mới và cách tân nên đã không ít lần, Doãn Bằng bị loại khỏi ê kíp thực hiện chỉ vì ý tưởng quá mới, trong khi những người lãnh đạo nhà hát vẫn còn “đóng” về tư duy. Ban đầu khó khăn là vậy nhưng dần dà, ý tưởng của anh trong thiết kế mỹ thuật các tác phẩm sân khấu bắt đầu được chấp nhận. Tên tuổi của anh được nhiều đạo diễn biết tới và thay vì chỉ làm việc cho một nhà hát (Nhà hát Tuổi trẻ), Doãn Bằng đã được nhiều đơn vị nghệ thuật mời tới dàn dựng vở.

Cách tân sân khấu ảnh 2

Trang trí sân khấu đầy tính hiện đại của vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”

Làm việc để được chinh phục và sáng tạo

Đặc biệt, với các đạo diễn trẻ có nhiều sáng tạo nghệ thuật lại càng trân trọng vai trò của anh trong việc tạo ra không gian nghệ thuật cho các diễn viên. Họa sỹ Doãn Bằng chia sẻ “Đối với một tác phẩm sân khấu, đạo diễn và họa sỹ thiết kế là hai người đóng vai trò chủ đạo trong sự thành công hay thất bại của vở diễn. Nhưng khác với đạo diễn được tung hô và tán dương khi tác phẩm thành công thì họa sỹ chỉ biết… cười một mình”.

Và đúng như vị trí anh đang nắm giữ trong các vở diễn, Doãn Bằng luôn đứng sau cánh gà, chứng kiến sự thăng hoa của các diễn viên trên sân khấu. Anh quan niệm: “Tôi nghĩ quan trọng nhất là được chinh phục và sáng tạo. Còn việc ghi nhận thì để cho bạn bè, đồng nghiệp, anh em trong nghề đánh giá. Tôi không thích tự ghi nhận cho mình”. Họa sĩ Doãn Bằng từng được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao tặng giải thưởng họa sỹ xuất sắc năm 2012.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, con đường đến với sân khấu của anh dường như đã được định sẵn. Ngay từ nhỏ, Doãn Bằng đã thường xuyên được tiếp xúc và làm quen với các nghệ sỹ lớn như NSND Trọng Khôi, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ… Trước thực trạng sân khấu gặp nhiều khó khăn, khi được du học nước ngoài và trở về Việt Nam làm việc, ý thức tiếp thu cái mới để cách tân nghệ thuật truyền thống càng trở nên rõ rệt trong anh. Dù còn gặp phải nhiều rào cản nhưng định hướng thay đổi cách dàn dựng không còn hợp thời của sân khấu Việt, vẫn là con đường được anh lựa chọn để tiếp bước người cha nổi tiếng, họa sỹ Doãn Châu.