Các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đón Tết nguyên đán có gì khác Việt Nam?

ANTD.VN - Bên cạnh Việt Nam, châu Á còn có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có cùng phong tục đón Tết nguyên đán như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Hong Kong (Trung Quốc).... Tuy nhiên, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ lại có những cách chào đón năm mới khác nhau.

Việt Nam

Tết Nguyên đán là một dịp lễ quan trọng đối với người dân Việt Nam. Trong những ngày Tết sẽ có rất nhiều chương trình, hoạt động hướng đến văn hóa dân tộc và lễ hội truyền thống được lưu giữ từ ngàn đời qua.

Một hoạt động không thể thiếu đối với người dân cả nước đó là việc chuẩn bị dọn dẹp trang hoàng nhà cửa và mua sắm. Mọi người tin rằng khởi đầu năm mới nhiều may mắn sẽ đem đến nhiều sức khỏe, tài lộc và hạnh phúc.

Tết Nguyên đán thường kéo dài từ ngày 20 tháng 12 tới mùng 10 tháng 1 tính theo âm lịch. Đầu xuân trên khắp mọi miền tổ quốc, người dân Việt Nam có phong tục dâng hương cúng lễ tổ tiên ông bà, thăm hỏi bà con hàng xóm và những người thân để chúc mừng một năm mới gặp nhiều may mắn, an khang thịnh vượng.

Trung Quốc

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình, quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới và những lễ hội vui Tết Nguyên đán của họ được kéo dài cho đến hết ngày 15/1 Âm lịch.

Mỗi dịp năm hết Tết đến người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Hàn Quốc

Ngày lễ lớn nhất trong năm của Hàn Quốc chính là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal - ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành. Khi năm cũ qua đi và năm mới tới, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống.

Nghi lễ đầu tiên, gọi là Charye, sẽ diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên sẽ bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Tiếp đến là nghi lễ Sebae. Lớp trẻ sẽ tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi, gọi là Sebaedon.

Đặc biệt, sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến văn hóa ẩm thực. Đồ ăn để cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có ttok-kuk - một loại phở nước được chế từ bò hay gà, và món canh bánh gạo.

Trong 3 ngày Tết, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.

Mông Cổ

Một trong hai dịp lễ lớn nhất ở Mông Cổ chính là Tết Âm lịch, còn gọi là Tết Tháng Trắng. Đây không chỉ là một ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ.

Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, tắm rửa, mặc quần áo mới, để đón năm mới "sạch sẽ". Món ăn truyền thống trong Tết Tháng Trắng, là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô…

Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.

Singapore

Cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra với Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

Trong đó, sôi động và đông đúc nhất là Lễ hội Đường phố Chingay, thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina, và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng. Hoạt động này thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố.

Tên gọi Chingay theo tiếng Hoa có nghĩa là "nghệ thuật trang phục và hóa trang". Đây là hoạt động độc đáo để người dân Singapore vừa vui chơi, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.

Nước nào đón Tết trễ nhất?

Trong số các quốc gia xem Tết là quốc lễ, Nepal là nơi đón Tết trễ nhất. Cụ thể, múi giờ của Nepal là GMT+5,45, trong khi giờ của Bhutan là GMT+6 và GMT+7. Điều này có nghĩa là trong cùng một thời điểm, nếu ở Việt Nam là 0h thì Bhutan là 23h và Nepal là 10h45, do đó Nepal sẽ đón Tết Nguyên đán trễ nhất.

Trái lại, Triều Tiên và Hàn Quốc đón Tết sớm nhất khi 2 quốc gia cùng chung một bán đảo này đều có múi giờ GMT+9.