Các nhà phát hành phim mong được nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam

ANTD.VN -Đóng cửa hoàn toàn các cụm rạp, các dự án phim mới không thể bấm máy, không dựng được hậu kỳ, hệ thống duyệt phim cũng tạm dừng… Đó là tình cảnh hiện tại của các đơn vị sản xuất phim cũng như các nhà phát hành phim trong và ngoài nước khi đối mặt với "khủng hoảng Covid-19".

Theo thống kê, tháng 3/2020 doanh thu phòng vé giảm 500 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, doanh thu phòng vé tháng 4 sẽ không có. Khi đại dịch Covid-19 lan nhanh, để phòng tránh dịch bệnh, các cụm rạp và các nhà phát hành phim đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ, tạm dừng các hoạt động giải trí, thực hiện giãn cách xã hội.

Dừng hoạt động trong một thời gian dài, các công ty trong nước và công ty có vốn nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh lâm vào tình cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian này, các nhà sản xuất Việt không thể quay phim, bấm máy, những công ty hậu kỳ ko thể làm công tác hậu kỳ cho phim, các bộ phim có hoàn tất thì cũng ko duyệt được vì Cục Điện ảnh cũng đang tạm ngừng duyệt phim.

Điều tương tự cũng đang xảy ra với các bộ phim của Hollywood nên khó khăn lớn nhất của các cụm rạp là ngay sau khi mở cửa lại trong vòng 2 tháng thì các cụm rạp cũng sẽ không có phim để thu hút khán giả trở lại rạp như trước cũng như tâm lý dè chừng và ngại đám đông của khán giả sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngày hoạt động trở lại.

Theo thông tin từ Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, hiện tại công ty này đang phải chịu các khoản chi phí cố định như: tiền lương (công ty đang cố gắng đảm bảo đầy đủ lương cho nhân viên, ko cắt giảm nhiều), tiền thuê mặt bằng (vẫn được nhận sự hỗ trợ từ các các đối tác, tuy nhiên ko nhiều). Ngoài ra, vẫn đảm bảo mọi chi phí để sẵn sàng cho ngày quay trở lại.

Khó khăn lớn nhất của các cụm rạp là ngay sau khi mở cửa lại trong vòng 2 tháng thì các cụm rạp cũng sẽ không có phim để thu hút khán giả trở lại rạp

Trước tình hình khó khăn của dịch bệnh, hiện các các rạp chiếu phim của CGV đã và đang có những biện pháp để khắc phục và hạn chế tối đa hậu quả của dịch bệnh như: Đã làm việc với các chủ đầu tư cho thuê để xin miễn giảm chi phí mặt bằng trong thời gian đóng cửa cũng như thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Dự định chiếu lại những bộ phim bom tấn trước đây và đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến chương trình thành viên để kích cầu khán giả quay trở lại rạp khi dịch bệnh đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không chỉ ảnh hưởng ở thị trường Việt Nam, CGV còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia khác ở Châu Âu. "Để trụ vững hoạt động tại thị trường Việt Nam, không chỉ riêng CGV, các nhà phát hành phim khác cũng rất mong được nhận sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam"- Đại diện CGV chia sẻ.

Cụ thể, phía doanh nghiệp này cũng như các hãng  phát hành phim khác mong muốn được hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán (ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, miễn giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp và hoãn thời gian đóng thuế, miễn giảm các khoản khác như bao hiểm xã hội, bao hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp).

Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để tránh tình trạng sa thải hàng loạt lao động nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Hỗ trợ bình ổn các hoạt động về rạp phim (đơn giản hóa thủ tục duyệt phim, hỗ trợ quảng bá phim ảnh đến công chúng….)

"Các nhà phát hành phim mong được nhận sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ Việt Nam để chúng tôi có thể tiếp tục đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà và cũng như góp phần đưa điện ảnh Việt vươn ra thế giới"- Đại diện CGV bày tỏ nguyện vọng.