PGĐ Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang:

"Các homestay trong làng nghề, phố cổ sẽ có xu hướng phát triển tốt"

ANTD.VN -Hiện nay, việc kinh doanh loại hình homestay ở Hà Nội đang ngày càng nở rộ. Việc này cũng góp phần tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khách du lịch khi đến Hà Nội cũng như chính người dân ở Thủ đô trong việc “du lịch” ngay trong thành phố.

"Các homestay trong làng nghề, phố cổ sẽ có xu hướng phát triển tốt" ảnh 1

Bà Đặng Hương Giang – PGĐ Sở Du lịch Hà Nội

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với bà Đặng Hương Giang – PGĐ Sở Du lịch Hà Nội xoay quanh vấn đề làm sao quản lý khách lưu trú cũng như các hoạt động kinh doanh homestay trên địa bàn Hà Nội.

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về sự phát triển của loại hình homestay tại Hà Nội?

PGĐ Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Hà Nội đang thu hút sự đầu tư phát triển sôi động, đa dạng các loại hình cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch, đón sự tăng trưởng nhanh số lượng du khách đến. Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2017, trên địa bàn Thành phố có 3546 cơ sở lưu trú với 60.458 phòng, chiếm 1/5 tổng số cơ sở lưu trú cả nước; trong đó 600 cơ sở lưu trú đã xếp hạng có tổng số 22.845 phòng, gồm 38 khách sạn và căn hộ cao cấp 4-5 sao, 517 khách sạn 1-3 sao, 45 nhà nghỉ du lịch và căn hộ đạt chuẩn.

Theo tôi, trong thời gian tới loại hình homestay tại Hà Nội, đặc biệt là các homestay trong các làng nghề, làng cổ, phố cổ, phố cũ sẽ có xu hướng phát triển tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường. Bởi hiện nay có những dòng khách thích ở homestay để tìm hiểu cuộc sống, văn hóa của người dân Thủ đô.

Vì vậy, sự gia tăng hệ thống các cơ sở nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê tại Hà Nội, có ưu thế phạm vi địa bàn kinh doanh rộng khắp, đã góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa loại hình lưu trú, bù đắp phần cơ sở lưu trú còn thiếu bên cạnh chủ trương Thành phố tập trung thu hút các dự án khách sạn cao cấp. Nhìn chung các cơ sở kinh doanh đã quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, cạnh tranh giá cả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch Thủ đô.

Xin bà cho biết về điều kiện, quy định để có thể kinh doanh homestay trên địa bàn Hà Nội?

Kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) phải tuân theo các quy định chung về hoạt động cơ sở lưu trú. Cụ thể phải tuân thủ quyền và nghĩa vụ, điều kiện kinh doanh dịch vụ cơ sở lưu trú đã được Luật Du lịch năm 2017 quy định, theo đó các cơ sở lưu trú phải đáp ứng điều kiện an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật đồng thời đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Thành phố Hà Nội đã phân cấp giao UBND các quận, huyện, thị xã quản lý nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (theo quyết định 41/2016/QĐ-UBND). Sở Du lịch theo thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính xếp hạng đạt tiêu chuẩn cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo bộ tiêu chuẩn số 7800:2009 của Bộ Khoa học Công nghệ và hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở thực hiện đăng ký xếp hạng theo quy định của Luật Du lịch.

Các homestay nằm trong khu phố cổ Hà Nội ngày càng được du khách "săn tìm"

PV: Trên thực tế, có rất nhiều đơn vị đóng vai trò “trung gian” đứng ra nhận “thầu” các homestay và môi giới khách thuê (ví dụ website: westay.org…), vậy hoạt động của các đơn vị trung gian này có phải xin phép từ Sở Du lịch không, thưa bà?

Để tồn tại được, các nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê phải đảm bảo có đủ khách. Hiện nay, các hình thức giao dịch hiện đại, đặt phòng trực tuyến đang phát triển khá mạnh mẽ trong lĩnh vực lưu trú, tạo thuận lợi cho du khách.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thị phần đặt phòng trực tuyến tại các cơ sở lưu trú tại Việt Nam đang tăng nhanh, chiếm 30-40% tổng lượng khách đặt phòng; thậm chí, tỷ lệ này có thể lên đến 80% ở một số khách sạn trong những mùa du lịch cao điểm.

Cùng với westay.org còn có các trang web đặt phòng như vntrip.vn, tripi.vn, booking.com, agoda.com, luxstay.com,... có tác dụng kết nối tích cực hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú, du khách tiếp cận nhanh chóng thông tin và giá cả.

Hiện nay việc kinh doanh của các trang này thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý với hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; song để đảm bảo chất lượng các thông tin đưa đến du khách là khách hàng là chính xác, Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành hướng dẫn, kiểm tra và yêu cầu các đơn vị cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng phải quảng cáo đúng hạng sao đã được xếp, nghiêm cấm mạo nhận hạng sao không đúng quy định.

PV: Không cần giấy tờ tùy thân, không phải gặp lễ tân như khách sạn, chỉ cần nhận mã số nhà và mở cửa vào homestay như nhà mình – đó là lời quảng cáo của các homestay. Điều này tạo sự thuận lợi cho khách thuê, tuy nhiên lại đặt ra băn khoăn về việc: liệu có gây ra khó khăn gì đối với Sở trong việc quản lý khách lưu trú cũng như hoạt động của các homestay không, thưa bà?

Tạo môi trường an toàn nhất, như ở nhà với du khách đến với Hà Nội là mục tiêu của toàn ngành du lịch. Sở Du lịch và cơ quan Công an Thành phố cùng các lực lượng chức năng thường xuyên có trao đổi, phối hợp công tác theo chức năng, đảm bảo môi trường an toàn cho du khách.

Công tác quản lý khách lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội được triển khai khá tốt; hiện nay ngành công an đã triển khai cho các cơ sở lưu trú đăng ký lưu trú trực tuyến cho khách tại địa chỉ website https://luutru.cahn.vn và cấp tài khoản truy cập để khai báo cho từng cơ sở kinh doanh lưu trú; các cơ sở được cơ quan công an địa bàn cấp phường hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định này.

Do vậy du khách rất thuận tiện, song đã được đảm bảo thông tin, an toàn trong thời gian sử dụng dịch vụ lưu trú tại Hà Nội.

PV: Không ít người lo ngại, việc kinh doanh homestay bên cạnh những mặt tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thì cũng dễ dẫn đến nhiều “lỗ hổng” để các chủ kinh doanh “lách luật”, ví dụ như: cải tạo nhà thành homestay và cho thuê đơn thuần mà không đăng ký hộ kinh doanh cá thể, hoặc doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú… dẫn đến không đảm bảo các điều kiện về lưu trú, hoặc xảy ra các sự cố làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Hà Nội. Xin bà cho biết, điều này có khiến Sở gặp khó khăn gì trong việc quản lý các homestay trên địa bàn Hà Nội không?

Trên cơ sở trách nhiệm theo phân cấp, chính quyền địa phương cấp quận, huyện, thị xã trên địa bàn cần tăng cường công tác quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh homestay trên địa bàn mình quản lý, từ đăng ký kinh doanh đến quá trình thực hiện các dịch vụ kinh doanh cơ sở lưu trú nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định.

Sở Du lịch đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở đăng ký xếp hạng theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 đã có hiệu lực từ 1/1/2018; thời gian tới căn cứ văn bản Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch khi Chính phủ ban hành sẽ là cơ sở để Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu UBND Thành phố xem xét phân cấp UBND cấp quận, huyện, thị xã thực hiện thẩm định xếp hạng đạt tiêu chuẩn cho các nhà có phòng cho khách du lịch thuê nhằm đảm bảo toàn diện trong thực hiện theo phân cấp quản lý.

PV: Xin cảm ơn bà!