Các đoàn nghệ thuật trăn trở trước lộ trình tự chủ

ANTĐ - Năm 2015, một loạt đơn vị nghệ thuật sẽ bị cắt giảm nguồn kinh phí Nhà nước cấp để dần tiến tới việc tự hạch toán kinh doanh vào năm 2017. Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam là 4 đơn vị được chọn thí điểm đầu tiên. Vốn dĩ dạn dày với cơ chế thị trường nhưng những “người trong cuộc” xem ra vẫn đầy lo lắng…

Các đoàn nghệ thuật trăn trở trước lộ trình tự chủ ảnh 1Khi đã tự chủ về thu chi, Nhà hát Tuổi trẻ không chỉ diễn mỗi hài kịch

Cơ chế chưa… thông

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam – bà Ngô Thanh Thủy tâm sự vềnỗi lo trước lộ trình xã hội hóa đang cận kề:  “Bao nhiêu năm Nhà hát Múa rối Việt Nam được sống trong “cái nôi” ấm áp. Bây giờ bị quẳng ra bên ngoài, tự thân vận động đương nhiên sẽ rất lo lắng”. Nỗi lo không chỉ của riêng bà Thanh Thủy mà còn là nỗi lo chung của những người “đứng mũi chịu sào” tại các đơn vị nghệ thuật. Giờ các nhà hát buộc phải rời khỏi “bầu sữa mẹ”, “tự bơi” trong  cơ chế thị trường, đối mặt cùng chuyện “cơm áo gạo tiền”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi diễn viên, kỹ thuật viên… 

Điều băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo các nhà hát trong lộ trình tự thu tự chi lại nằm ở cơ chế. Cơ chế bao cấp bấy lâu nay đã “đẻ ra” một “đứa con” dị dạng trong nghệ thuật: sự cào bằng. Các diễn viên tài năng, yêu nghề, tích cực đóng góp cho sự phát triển của nhà hát thì hưởng mức thu nhập bổ đều theo đầu người. Mỗi nhà hát từ lâu luôn tồn tại một lượng diễn viên không diễn nhưng mỗi tháng vẫn đều đặn lĩnh lương. Vì thế, khi được tự chủ, mỗi giám đốc đang loay hoay trong việc sắp xếp nhân sự sao cho ít nhân lực nhàn rỗi nhất. 

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Vũ Ngoạn Hợp cho biết: “Xiếc là nghề mang tính đặc thù, nhiều NSƯT, NSND, tuổi nghỉ hưu chưa tới nhưng tuổi nghề đã hết từ lâu. Mặt khác, phần lớn họ đều thuộc biên chế Nhà nước, việc cho nghỉ hưu sớm hay chuyển sang làm các công việc khác luôn rất “nhạy cảm”. Tuy vậy, khi đã chuyển sang tự hoạch toán để nuôi nhau, các nhà hát rất cần cơ chế để vận hành bộ máy nhân sự bớt cồng kềnh”. 

Hơn thế, khi đã “tự bơi”, một trong những điều luôn được các nhà hát quan tâm hàng đầu là việc thu hút người tài. Nhưng để có điều này, đương nhiên việc chăm sóc và bồi dưỡng những “ngôi sao” không thể thực hiện theo kiểu cào bằng trước kia mà cần một chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Tuy vậy, cơ chế hiện nay chưa cho phép các nhà hát được làm điều mình muốn và cần chờ thêm thời gian để Bộ VH-TT&DL có những điều chỉnh hợp lý giúp quá trình xã hội hóa các nhà hát diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Từ nay đến năm 2017, mỗi năm, Nhà nước sẽ cắt 30% kinh phí và dần tiến tới việc cắt giảm hoàn toàn nguồn đầu tư.

Có chạy theo thị hiếu của khán giả?

Một vấn đề khác được đặt ra trong lộ trình tự chủ của các nhà hát là chất lượng các chương trình nghệ thuật. Khi đã tự nuôi nhau, tự hạch toán thu chi sẽ dẫn tới việc các nhà hát phải xây dựng các chương trình đảm bảo doanh thu và thậm chí, chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả. Đây cũng là trăn trở của Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi xây dựng danh mục biểu diễn của Liên đoàn khi lộ trình xã hội hóa bắt đầu được triển khai từ năm 2015. Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết thêm: “Để lo được đời sống cho anh em nghệ sỹ đã rất khó khăn nhưng việc chạy thị hiếu của khán giả chúng tôi sẽ không bao giờ làm. Múa rối gắn liền với trẻ em, ngoài yếu tố biểu diễn còn mang tính định hướng và giáo dục thẩm mỹ cho các em nhỏ”. 

Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đã làm quen với việc xã hội hóa nghệ thuật từ khá lâu cũng khẳng định, ngoài hài kịch thì nhà hát còn xây dựng  nhiều tác phẩm kịch kinh điển của Việt Nam và thế giới. Để giảm chi phí đầu tư, nhà hát thường liên kết với các đơn vị để có được nguồn kinh phí hỗ trợ. Vì thế, trước câu hỏi liệu Nhà hát Tuổi trẻ sẽ chỉ diễn hài kịch từ sau năm 2017, Giám đốc Trương Nhuận đã thẳng thừng bác bỏ: “Ngoài hài kịch, chúng tôi còn có nhiều món ăn ngon khác dành tặng khán giả”. 

Vậy là, lộ trình tiến tới tự chủ của các nhà hát đầy rẫy khó khăn nhưng cũng mở ra cơ hội lớn, trở thành đòn bẩy để thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo nghệ thuật. Một khi không còn đường lùi, các nhà hát sẽ tìm ra cách vượt lên.