Các "cây đa, cây đề" văn nghệ than khổ cho con trẻ thời @

ANTD.VN - Có quá ít sự lựa chọn cho thiếu nhi và không có nhiều “sân chơi” phù hợp tạo được sự hứng thú cho các em là nỗi niềm chung của nhiều nghệ sĩ gạo cội khi nhìn vào con trẻ thời @.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể một thực tế rất thật ngay trong nhà mình khiến ông “dở khóc, dở cười”, đó là trong khi ông viết sách, đi đâu cũng kêu gọi mọi người đọc sách thì con ông lại không chịu đọc sách. Cây viết được mệnh danh “thần đồng thơ trẻ” cũng không quên “mổ xẻ” lý do mà ông cho rằng khiến con trẻ không hào hứng gì với việc cầm sách đọc, trong đó điển hình nhất là tư duy ngô nghê của người viết.

“Thưa thật là ngay thời chúng tôi còn là trẻ con, chúng tôi cũng không ngô nghê, huống hồ trẻ con bây giờ, các cháu khôn hơn nhiều nên chán là điều dĩ nhiên.” – nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Theo lời kể của nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông từng làm giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU và nhiều cuộc thi khác dành cho thiếu nhi và nhận thấy tư duy của các em không hề dừng lại ở việc “tả con chó, con mèo, con gà” như nhiều người vẫn nghĩ, mà trí tưởng tượng của các em hoàn toàn bay bổng, sức sáng tạo cũng không tưởng chứ không hề ngô nghê một chút nào. Thế nên toàn học sinh tiểu học với THCS nhưng đứng trước đề bài mà cuộc thi UPU ra về việc “hãy tưởng tượng mình là trợ lý của tổng thư ký Liên hiệp quốc”, các em toàn tả vấn đề lớn, có tính toàn cầu và tả rất hay. Vì vậy, ông cho rằng “giáo dục là quan trọng, nhưng giáo dục làm sao để không thấy giáo dục đâu thì trẻ con mới nghe”.

Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong lần nghe chia sẻ của các em học sinh ở trường đội Lê Duẩn, ông và nhiều người lớn rất tâm đắc với suy nghĩ của các em rằng, người lớn vẫn hay bảo “vì tương lai con em chúng ta, nhưng tương lai có thể đến hoặc không bao giờ đến, mà nếu có đến thì chúng cháu cũng thành người lớn, cũng già rồi, làm sao có niềm vui được nữa. Cái cần là hiện tại chứ không phải tương lai, vì bây giờ chứ không phải ngày mai”. Cây viết gạo cội của làng văn Việt dẫn chứng thêm một ví dụ để thấy trẻ con không hề ngô nghê, ấy là con một người bạn của mình khi mới học lớp 3 đã viết được cuốn tiểu thuyết dài 8 tập.

Đồng quan điểm với suy nghĩ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự đau đáu trước thực trạng sách văn học cho thiếu nhi hiện giờ đúng là trong tình cảnh “rất mong manh”. Sự mong manh đó thể hiện ngay từ việc cách đây hai ba chục năm, có thể dễ dàng kể ra rất nhiều cái tên nhà văn viết cho trẻ em, nhưng bây giờ thì cực ít và khó. Bản thân ông từng có dịp đặt chân đến rất nhiều nước trên thế giới, tham quan nhiều hội chợ sách quốc tế mà Việt Nam cũng tham dự với tư cách khách mời, song đáng tiếc là các tác phẩm văn học Việt dành cho thiếu nhi lại quá ít ỏi.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông quan ngại về việc có rất nhiều sách thiếu nhi nước ngoài được dịch sang tiếng Việt nhưng nếu không cẩn thận, để những đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì dù vẻ đẹp tâm hồn của các em có được bồi đắp nhưng vẻ đẹp ấy lại xa rời với nơi chúng sinh ra và lớn lên, đó là văn hóa, con người, thiên nhiên Việt Nam và giấc mơ của người Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Vì vậy, ông cho rằng sự khan hiếm của văn học thiếu nhi “thuần Việt” hiện nay thực sự là một lời cảnh báo. Ngay cả giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay cũng hầu như không có giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi. Mà lý do không phải bởi Hội không quan tâm đến chuyện đọc của thiếu nhi, mà bởi sách viết cho các em quá mong manh và hạn chế về chất lượng. Trong đó, dễ nhận thấy sách thiếu nhi nhiều cuốn đầy tính đạo đức và khô cứng, trong khi đáng lẽ ra cần phải tạo ra thế giới của trí tưởng tượng đầy màu sắc. Từ thực tế này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định đã đến lúc phải khác đi.

Nói thêm về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm sự, không chỉ có sách văn học mà nhiều “sân chơi” khác dành cho thiếu nhi cũng quá ít ỏi. Đơn cử ngay như cái sân đúng nghĩa đen để các em chơi vào ngày nghỉ cũng chỉ loanh quanh ở một công viên nhỏ bé như lòng bàn tay, sơ sài với vài món đồ chơi. Đó là lý do ông từng viết trong một bài thơ rằng, ông từng dẫn con đến công viên nhỏ bé, nơi có các con vật: khỉ, báo, hổ, ngựa….gãy chân, gãy tay và gãy cổ. Và ông cũng từng viết vui về thực tế này rằng “siêu thị cho trẻ em” vì có rất nhiều bậc phụ huynh động viên con học tốt thì cuối tuần cho đi… siêu thị.

Về điều này, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ví von sân chơi văn học nghệ thuật dành cho các em thiếu nhi hiện nay giống như “cánh đồng hạn hán”. Đó là bởi các chương trình được gọi là dành cho thiếu nhi thì vẫn bắt các em phải “kiễng chân” lên như thi giọng hát “nhí”, hoa hậu “nhí”…mà không hề để tâm đến tâm lý của các em – tâm lý của những đứa trẻ chưa ổn định, đang cần phải rèn giũa nhưng lại làm những danh hiệu như người lớn.

Điều đó khiến ông có cảm giác việc giáo dục thiếu nhi ở thời buổi bây giờ có vấn đề, không được như ngày xưa dù trước đây tuổi thơ ở thế hệ ông thiếu thốn đủ thứ nhưng tâm hồn vẫn rất trong sáng và đẹp đẽ, trong khi ngày nay trẻ con có thể sung sướng hơn về vật chất nhưng không cẩn thận dễ bị “bào mòn” nhiều thứ khác, trong đó có yếu tố rất quan trọng là nhân cách.

Xuất phát từ thực tế này, một giải thưởng dành cho thiếu nhi vừa lần đầu tiên chính thức được phát động với tên gọi “Dế Mèn”. Sân chơi dự kiến sẽ trao giải hàng năm cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Cụ thể giải thưởng bao gồm 1 giải thưởng lớn mang tên “Hiệp sĩ Dế Mèn” (Cricket Knight) và một số tặng thưởng mang tên “Khát vọng Dế Mèn” (Cricket Desire).

Hội đồng giám khảo của Giải thưởng có 7 người, gồm các văn nghệ sĩ, nhà báo uy tín, gắn bó với nghệ thuật thiếu nhi trên các lĩnh vực, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; họa sĩ Thành Chương.

Theo thông tin từ ban tổ chức, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nên lễ trao giải năm nay dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 10-2020, nhân dịp tết Trung thu. Từ mùa giải sau, lễ trao giả sẽ được tổ chức định kỳ vào dịp tết Thiếu nhi 1-6.

Để tạo nguồn kinh phí cho Giải, Ban tổ chức kêu gọi các nghệ sĩ sáng tác mỹ thuật (tranh, tượng) để tiến hành đấu giá vào dịp lễ trao giải, cùng các hoạt động xã hội hóa khác, nhằm duy trì và phát triển giải thưởng; hỗ trợ, thúc đẩy các sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi, tổ chức các hoạt động mang tính xã hội và nhân văn vì thiếu nhi như trao quà, trao học bổng, xây trường cho thiếu nhi ở các vùng khó khăn.