Ca sĩ Thành Lê: "Tôi có tận ba… người đàn ông đặc biệt" 

(ANTĐ) - Thành công trên sân khấu Sao mai điểm hẹn năm 2007 với dòng nhạc dân gian, sau một thời gian dài vắng bóng, lần trở lại này, cùng với việc ra CD “Quê” ở dòng nhạc dân gian, Thành Lê còn ra mắt một CD của thể loại trữ tình quê hương, “Lặng” như món quà gửi đến công chúng nhân dịp Xuân Tân Mão.

Ca sĩ Thành Lê: "Tôi có tận ba… người đàn ông đặc biệt" 

(ANTĐ) - Thành công trên sân khấu Sao mai điểm hẹn năm 2007 với dòng nhạc dân gian, sau một thời gian dài vắng bóng, lần trở lại này, cùng với việc ra CD “Quê” ở dòng nhạc dân gian, Thành Lê còn ra mắt một CD của thể loại trữ tình quê hương, “Lặng” như món quà gửi đến công chúng nhân dịp Xuân Tân Mão.

PV: Xin chào ca sỹ Thành Lê. Được đào tạo ở thể loại nhạc thính phòng nhưng lại thành công ở dòng nhạc dân gian và bây giờ lại ra đĩa “nhạc vàng”. Thành Lê có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Quan niệm của Thành Lê là bất kỳ việc gì mình cảm thấy hứng thú thì sẽ quyết tâm làm. Trước nay mọi người quan niệm khi đã hát dân gian thì chỉ hát dân gian thôi, chứ khó có thể chuyển sang hát thính phòng hoặc hát nhạc nhẹ. Nhưng Thành Lê không cho như vậy và Thành Lê cũng muốn mọi người sẽ có cách nhìn nhận khác về vấn đề này.

Thêm nữa, Thành Lê cũng yêu thích dòng nhạc này từ nhỏ, ngày đó thường nghe các ca sỹ như Tuấn Vũ, Chế Linh… hát thì hát theo và thích từ lúc nào không biết. Đó cũng là lý do khiến Thành Lê cảm thấy tâm huyết và quyết tâm ra đĩa “Lặng”. Và đây cũng có thể coi là một sự sáng tạo, tìm tòi, khám phá của Thành Lê về dòng nhạc này.

PV: Thành Lê có thể chia sẻ với độc giả về hai Album “Quê” và “Lặng”?

Xâu chuỗi trong đĩa “Lặng” là 9 tình khúc rất buồn của các nhạc sỹ nổi tiếng thuộc dòng nhạc trữ tình quê hương mà nhiều người quen gọi là “nhạc vàng”. “Lặng” không phải tiêu đề của một bài hát mà là cảm xúc chủ đạo của cả Album. Đây là một ý tưởng bất chợt, nhưng Thành Lê rất tâm đắc vì thế mới có CD “Lặng”.

Thành Lê quan niệm trong cuộc sống không phải nỗi buồn nào cũng có thể thổ lộ, mà đôi khi phải tĩnh lặng, lắng lòng mình lại để chiêm nghiệm và suy tư. “Lặng” cũng là để tìm cho mình một chốn bình yên, dù là trong suy nghĩ, giữa cuộc sống hối hả và gấp gáp này.

“Lặng” không có nghĩa là mất đi, mà đó như là bản năng của mình vẫn đang cố gắng, đang vươn lên nhưng đôi khi cũng cần lắng lại, lặng để làm việc, để sống và để yêu. Cũng chính vì thế mà Lê chọn thời điểm thu thanh là từ 12 giờ đêm, vì khi đó mọi người ngủ hết rồi, đó là thời điểm yên tĩnh nhất và thể hiện ca khúc hay nhất.

“Quê” thì khác, vẫn là một hình ảnh Thành Lê của nhà quê. Thành Lê không bao giờ phủ nhận nguồn gốc quê của mình. Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh và chính quê hương Hà Tĩnh đã cho Thành Lê nhiều thứ, đặc biệt là thành công trong Sao mai điểm hẹn năm 2007. Thành Lê rất biết ơn quê hương, không muốn mất đi cái gì cả và “Quê” chính là cái Thành Lê muốn giữ lại để mọi người cùng cảm nhận về một hình ảnh quê hương không phải lúc nào cũng là đồng ruộng, con cò bến nước, luỹ tre làng mà có khi chỉ là hình bóng người yêu nơi quê nhà.

PV: Cùng một thời điểm tung ra hai CD, đó có phải lý do khiến Thành Lê “chậm chân” trong việc đến với công chúng?

Đúng là so mặt bằng với những ca sĩ ở dòng nhạc dân gian, Thành Lê là người đến với công chúng khá chậm, kể cả việc ra đĩa. Thành Lê quan niệm làm việc là một quá trình cố gắng không biết mệt mỏi, có thể chậm nhưng Thành Lê muốn được công chúng đón nhận nhiều hơn và sâu sắc hơn chứ Thành Lê không thích sự hời hợt.

PV: Cùng một lúc “tung ra” hai Album, Thành Lê có gặp phải khó khăn gì không?

Với Thành Lê, để làm CD thực sự rất khó khăn, từ việc chọn bài hát đến hoà âm phối khí, bởi lẽ dòng nhạc dân gian không có nhiều sáng tác mới; sáng tác cũ thì đã có nhiều ca sỹ thế hệ trước hát rồi, vì thế để làm mới quả thực là điều không dễ. Có lẽ vì thế mà Thành Lê là một trong những ca sỹ ra đĩa chậm nhất trong dòng nhạc dân gian (cười).

Thực hiện hai Album này, phần hoà âm phối khí và chụp hình và thiết kế bìa đĩa đều do các ê-kíp chuyên nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, nên Thành Lê phải “bay đi bay lại” từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, do vậy khá là vất vả và tốn kém. Đó cũng là khó khăn mà Thành Lê phải vượt qua bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình. Nhưng có thể nói, đến thời điểm này, Thành Lê rất hài lòng với thành quả của mình.

PV: Ấn tượng đặc biệt đối với Thành Lê sau khi thực hiện hai Album này?

Khi thực hiện ca khúc “Đám cưới trên đồng quê” trong CD “Lặng”, Thành Lê song ca cùng ca sỹ Lê Anh Dũng; đây là lần đầu tiên cùng song ca một ca khúc trữ tình vui vẻ, sôi nổi nên Thành Lê và Lê Anh Dũng phải nghĩ ra trò vui đùa hàng tiếng đồng hồ mới tìm được cảm xúc để thu thanh ca khúc này.

PV: Thành Lê có đề cập đến “hình bóng người yêu nơi quê nhà”, vậy bạn có thể bật mí về “người đàn ông” của mình?

Thành Lê có tận ba… người đàn ông đặc biệt! Họ đã luôn song hành để ủng hộ, động viên và giúp đỡ Thành Lê trên con đường nghệ thuật.

Người đàn ông đầu tiên là nhạc sỹ Ngọc Thịnh (Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Hà Tĩnh), tác giả của hai ca khúc trong Album “Quê” (Lời quê, Hà Tĩnh quê mình). Anh cũng là người có rất nhiều sáng tác hay về Hà Tĩnh, được nhiều ca sỹ nổi tiếng thể hiện.

Người đàn ông thứ hai là đồng hương của Thành Lê, nam ca sỹ Đăng Thuật, song ca cùng Thành Lê hai ca khúc trong Album “Quê” (Vàm cỏ đông, Tình thắm duyên quê). Đăng Thuật cũng là một giọng ca tình cảm, ấm áp.

Người đàn ông thứ ba là ca sỹ Lê Anh Dũng, giải nhất Sao mai năm 2007, dòng nhạc thính phòng. Lê Anh Dũng là người đã có rất nhiều kỷ niệm với Thành Lê từ ngày chập chững bước chân vào Nhạc viện Hà Nội, cùng nhau đi thi và cùng nhau toả sáng tại cuộc thi Sao mai điểm hẹn. Ca sỹ Lê Anh Dũng cũng song ca với Thành Lê hai tình khúc Gõ cửa trái tim và Đám cưới trên đồng quê.

PV: Xin cám ơn ca sỹ Thành Lê!

Song Nguyên (thực hiện)