Ca sĩ Khánh Ly: Từng làm mẹ buồn nhiều với quyết định của mình

ANTD.VN - Trở về miền đất quê hương Thái Nguyên, Khánh Ly đã có những giây phút thực sự xúc động và thăng hoa khi hát những ca khúc khiến cô nhớ về tuổi thơ êm đềm và người mẹ tần tảo của mình.

Xuất hiện trong đêm chung kết "Người đẹp xứ Trà 2017" vừa khép lại tại thành phố Thái Nguyên, Khánh Ly chia sẻ, mẹ cô cẩn thận dặn dò con gái "hát hay, mặc đẹp" để bà thêm tự hào khi thấy cô trở về đứng hát trên mảnh đất quê hương.

Vượt qua nỗi lo của mẹ...

Nữ ca sĩ thổ lộ, cô không thể có được ngày hôm nay nếu không có mẹ - người phụ nữ đã vất vả hy sinh cả cuộc đời mình cho gia đình và con cái. Thời trẻ, mẹ của Khánh Ly là một người con gái đẹp có tiếng ở Thái Nguyên. Sau khi lập gia đình, đến năm Khánh Ly học lớp 8 thì bà lặn lội đưa các con từ quê chồng Nghệ An về Thái Nguyên sinh sống, từ đó một mình nuôi 3 chị em cô khôn lớn. Khánh Ly xúc động tâm sự, rất khó mà đo đếm được những vất vả và cả đắng cay mà người mẹ của mình đã phải nếm trải trong ngần ấy thời gian và những gì mà ba chị em cô có được ngày hôm nay đều được vun vén từ mồ hôi, nước mắt và tình yêu vô bờ bến của mẹ.

Chia sẻ thêm về người mẹ của mình, Khánh Ly bảo, cô từng làm mẹ buồn nhiều khi quyết theo con đường ca hát. Lý do chỉ vì mẹ không muốn cô trở thành ca sĩ với nỗi lo cuộc sống của người nghệ sĩ, nhất lại là phận con gái sẽ lận đận, long đong.

“Vào một ngày đẹp trời, tôi thông báo với mẹ là thi đỗ vào trường Nghệ thuật Việt Bắc và đã bỏ luôn học phổ thông hệ chính quy để theo học nghệ thuật. Tính tôi là thế, cứng đầu lắm, thích gì là làm cho bằng được, và tôi nghĩ việc mình làm không có gì sai. Mẹ choáng váng lắm, nhưng mọi sự đã rồi”, Khánh Ly nhớ lại.

Có điều, cùng với thời gian, dần dần Nguyễn Khánh Ly đã chứng minh cho mẹ thấy lựa chọn của mình là đúng. Tốt nghiệp trường Nghệ thuật Việt Bắc, làm việc tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc được 2 năm, cô xuống Hà Nội thi vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, rồi Học viện Âm nhạc Quốc gia. Hiện tại, cô là giảng viên thanh nhạc của Đại học Nghệ thuật Quân đội, đồng thời đang theo học Tiến sĩ âm nhạc.

Bên cạnh con đường học vấn nghiêm túc, cô cũng gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực biểu diễn. Đặc biệt là từ sau giải Ba cuộc thi "Sao Mai 2011" dòng thính phòng, Khánh Ly càng được khán giả yêu mến nhiều hơn. Cũng từ “bệ phóng" này, cô đều đặn ra sản phẩm mới và được công chúng đón nhận, trong đó có thể kể đến album: Miền xa thẳm, Mùa lá đi qua, MV Mùa đông không lạnh… Ngoài đi diễn và giảng dạy, Khánh Ly còn phụ trách Trung tâm đào tạo âm nhạc Serenade.art.

Và trong đêm chung kết "Người đẹp xứ Trà 2017", Khánh Ly đã hoàn toàn chinh phục được khán giả khi xuất hiện trong tà áo dài duyên dáng và cất lên những lời ca bay bổng, cao vút mà vẫn tình cảm, thiết tha. Khánh Ly tâm sự, cô tin người mẹ của mình rất hạnh phúc và hài lòng khi thấy con gái trở về hát trên mảnh đất quê hương. Chính niềm vui của mẹ khiến cô thêm cảm xúc để tiếp tục bước xa hơn trên con đường âm nhạc.

Từng làm hướng dẫn viên du lịch...

Hơn 10 năm gắn với con đường ca hát, đã đứng trên rất nhiều sân khấu lớn nhỏ, Khánh Ly bảo, cô chưa bao giờ có cảm xúc đặc biệt như khi hát trong lần trở lại quê hương này. Cùng với "Huyền thoại hồ núi Cốc", Khánh Ly chọn thể hiện ca khúc "Cô gái hái chè". Đây cũng là 2 bài hát mang nhiều kỷ niệm của Khánh Ly với âm nhạc và với Thái Nguyên.

Theo chia sẻ của Khánh Ly, "Huyền thoại hồ núi Cốc" là ca khúc “tủ” của cô. Từ khi còn rất nhỏ, biết yêu âm nhạc, yêu ca hát, Khánh Ly đã hát bài này và chính nó mang lại cho cô rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ. Hơn thế nữa, sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Việt Bắc, Khánh Ly đã có 2 năm làm hướng dẫn viên ở khu du lịch Hồ Núi Cốc. Những ngày tháng ở nơi non nước hữu tình, nơi khởi nguồn câu chuyện tình yêu huyền thoại này càng khiến từng giai điệu, lời ca của bài hát này thấm sâu vào tâm hồn Khánh Ly, để cô hát “phiêu” hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, "Cô gái hái chè" vui tươi, nhí nhảnh cũng mang đến cho Khánh Ly thật nhiều hứng khởi. Dù nhà không trồng chè, nhưng cô vẫn thường cùng bạn bè đi chơi ở những vùng chè, chứng kiến người dân hái chè cũng như sao, ủ, tẩm ướp chè… Khánh Ly nói, cô rất thích đứng giữa những đồi chè chập trùng, hít hà hương chè tươi thoảng trong gió, tận hưởng cám giác thư thái, bình yên…

Mặt khác, giai điệu rộn rã, tươi sáng của ca khúc Cô gái hái chè như gợi dậy trong Khánh Ly cả một thời học trò tinh nghịch. Khánh Ly kể, hồi học phổ thông, cô chẳng khác gì một cậu con trai, cá tính và nghịch ngợm. Cô chơi thân với mấy cậu bạn cũng khá… ngổ ngáo, rất vô tư và hồn nhiên. Bao nhiêu trò tinh quái của thuở “nhất quỷ nhì ma” ấy khiến cô mỗi khi nhớ lại đều tự mỉm cười…

Là một người con của Thái Nguyên, Nguyễn Khánh Ly nói, khi hát trên quê hương mình, nhất là với những ca khúc cũng đã nhiều người thể hiện thành công, cô càng phải đầu tư kỹ lưỡng hơn và khác biệt hơn. Ở những quãng cần độ lắng lại, cô xử lý theo cách riêng của mình - bằng tình cảm đặc biệt của một người con dù xa quê nhưng tình yêu với quê vẫn luôn vẹn nguyên, nồng nàn…