Cả đời vui buồn với rối

(ANTĐ) - Trong khoảnh hiên nhỏ nhà ông Phạm Văn Bể - một người cả đời gắn bó với những con rối lúc nào cũng ngổn ngang, mẩu gỗ và đồ nghề. Đã ở cái tuổi 85 - cái tuổi xưa nay hiếm rồi mà ông Bể vẫn còn bao nhiêu dự định với những con rối.

Cả đời vui buồn với rối

(ANTĐ) - Trong khoảnh hiên nhỏ nhà ông Phạm Văn Bể - một người cả đời gắn bó với những con rối lúc nào cũng ngổn ngang, mẩu gỗ và đồ nghề. Đã ở cái tuổi 85 - cái tuổi xưa nay hiếm rồi mà ông Bể vẫn còn bao nhiêu dự định với những con rối.

Cả một đời vui buồn với những con rối
Cả một đời vui buồn với những con rối

Tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Bể ở Tế Tiêu, Mỹ Đức, Hà Nội, căn nhà chỉ rộng chừng 20m2 nằm bên hông đình làng nhưng đầy ắp những con rối, ngộ nghĩnh, rối nước rối cạn đủ cả. Có những con đã bong sơn, tróc màu mà ông lưu giữ từ rất lâu, nhưng có những con còn thơm mùi gỗ mới.

Mỗi con rối một tính cách, một nhân vật khác nhau và trong cuộc đời ông đã có hàng nghìn tính cách, hàng nghìn nhân vật rối qua tay ông làm, đến bây giờ Nhà hát Múa rối Trung ương cũng đang đặt hàng ông. Trong căn nhà ấy trên tường cũng chật kín những tấm Bằng khen.

ở cái tuổi 85, nhưng ông Bể vẫn còn minh mẫn lắm, đặc biệt mỗi khi người ta hỏi ông về những con rối thì ông hào hứng vô cùng. Ông có thể ngồi cả buổi chỉ để nói về những con rối và những tiết mục rối mà bao năm nay ông đã đi khắp nơi biểu diễn mua vui cho thiên hạ.

Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ cái ngày ông mới lên 8 tuổi, lần đầu tiên ông được đi xem múa rối nước trong ngày hội làng, những con rối đã thực sự cuốn hút mạnh mẽ đối với ông. Rồi ông  bén duyên múa rối từ đó, lại được những người thầy tận tâm truyền dạy cho nghề rối, càng hiểu lại càng thấy thích cái nghề này.

Trong những năm còn khó khăn, đồ nghề, chất liệu để làm con rối không dễ kiếm như bây giờ, ông đã từng phá cả chiếc xe đạp để làm xe tăng, đại bác cho vở rối, từng phá cả giường tủ để lấy gỗ làm rối.

Từ đó những con rối được ra đời, những tích rối của phường rối Tế Tiêu bắt đầu được mang đi lưu diễn, chả thiếu vở gì từ tuồng Sơn Hậu, An Tư công chúa, Tam Quốc, Thánh Gióng, Thạch Sanh chém mãng xà vương, Lê Phụng Hiểu bắt sống hổ… các tích cổ ông đều diễn cả. Không chỉ có vậy, ông còn sáng tạo ra các vở rối mới hiện đại như Bác Hồ và các em thiếu nhi, Kim Đồng, Mỹ Đức 35 ngày đêm khói lửa.

Ông Bể cho biết phường rối Tế Tiêu của ông đã có “tài sản” là 34 tích trò rối cạn, 25 tích trò rối nước. Cả gia đình ông đều tham gia diễn rối nước, con cháu dâu rể nhà ông lập thành một “phường rối gia đình”.

Thoáng chút buồn ông nói cái nghề rối này cũng nhiều công phu lắm, làm ra một con rối đã là cả một công đoạn cầu kỳ rồi, để con rối có thể “diễn” được, lại thêm cả một công đoạn nữa, nếu không căn chỉnh cho chuẩn thì tất cả công sức bỏ đi hết.

Song điều quan trọng là người làm nghề rối phải biết thổi hồn vào những con rối mình làm ra, thì khi biểu diễn mới có được cái thần của nhân vật.

Làm chú Tễu phải ra chú Tễu, Quan Công rõ là Quan Công, Lưu Bị nhìn vào phải biết ngay, chứ nếu không khi diễn ai người ta xem. Ông nói “nghề rối bỏ thì phí, làm thì khổ”, nhưng bây giờ ông cũng thấy tiếc lắm, đau lắm khi mà có những phường rối đã tan tác, mất hết nghề.

Càng ngày, những người đi theo cái nghề diễn rối, cái nghề  ngâm mình trong nước càng ít đi. Những người còn tâm huyết với nghề thì cứ mai một dần. Cả đời đi theo những con rối, vậy mà có một điều bấy lâu nay ông vẫn giữ trong lòng đó là ông  vẫn chưa được phong nghệ nhân.

Giọng trầm xuống, ông tâm sự: “Cả cuộc đời tôi theo nghề múa rối, bây giờ già rồi, cũng muốn có một cái danh hiệu, gửi hồ sơ lâu rồi, không biết bao giờ người ta mới xét duyệt xong, nhiều người chết rồi mới được phong danh hiệu nghệ nhân, khéo tôi cũng thế mất thôi”.

Nhưng điều ông lo nhất bây giờ không phải là chuyện danh hiệu mà quan trọng là làm sao để giữ lấy nghề. Người già lại hay cả nghĩ lo xa, ông cứ sợ rằng đếu lúc nào đấy ông về với tổ tiên thì không ai tiếp nối những dự định mà ông còn ấp ủ.

Ông Bể đang tập hợp những tài liệu về phường rối của mình, hệ thống lại, ông mong muốn sẽ in thành sách, để sau này, con cháu có ai muốn làm nghề thì có cái mà đọc.

Ý định của ông với những con rối  thì nhiều lắm, ông còn muốn tập hợp con rối lại rồi xây cái bảo tàng nho nhỏ, âu cũng là cái nghề của làng, để mất đi thì tiếc lắm.

Ông nói rằng Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển đã tài trợ để xây một thủy đình, cái nhà thủy đình được hoàn thành năm 2003, đó thực sự là một niềm vui lớn đối với ông.

Rồi cũng một vài lần được ra đấy biểu diễn rối cho bà con xem cũng có người thích, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng thích xem, bây giờ có khối trò chơi games, phim ảnh bắt mắt chúng thích hơn nhiều.

Thế rồi, những buổi biểu diễn cứ thưa vắng dần, và cái nhà thủy đình ấy lại bị bỏ bê, nước bẩn đục ngầu, ông Bể  muốn làm cái bơm lọc nước mà vẫn chưa làm được....

Bây giờ Hà Tây về với Hà Nội rồi, ông còn có một mong ước lớn nữa là đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ông sẽ có được một triển lãm trưng bày 1.000 con rối do chính ông tạo ra để mừng Thủ đô nghìn tuổi.

Nói vậy đấy nhưng mà ông lại lo: “Tôi già rồi, chẳng biết có sống đến ngày đại lễ nữa hay không, nhưng mà còn khỏe ngày nào, tôi còn làm và diễn rối ngày ấy”. Ông Bể nói với tôi mà tôi thấy như ông tâm sự với chính những con rối yêu quý của mình.

Quang Thái