Buôn bán di vật, cổ vật phải có bằng cấp: Liệu có khả thi?

ANTD.VN - Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 9-10 “Sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa chính thức được ban hành. Với quy định “Có bằng đại học chuyên ngành trở lên mới được hành nghề mua bán di vật, cổ vật”, nhiều người cho rằng, điều khoản này không khả thi và khó thực hiện.    

Buôn bán di vật, cổ vật phải có bằng cấp: Liệu có khả thi? ảnh 1Nhiều ý kiến cho rằng giám định cổ vật cần bằng cấp còn mua-bán-trao-đổi thì không

Bằng cấp được đặt lên đầu

Nghị định 142/2018/NĐ-CP được ban hành nhằm sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định 61/2016 quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử -văn hóa, danh lam thắng cảnh; Nghị định 54/2010 trong lĩnh vực điện ảnh và Nghị định 106/2016 quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

Tại khoản 1, Điều 25, Nghị định 98 nêu: Chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau: Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam. Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tại Nghị định số 142 tiêu chí này được sửa đổi: “Có cửa hàng để trưng bày”, đồng thời bãi bỏ điều kiện “Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”.

Đặc biệt, Nghị định 142 quy định chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được cấp cho người có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học, địa chất, hoặc là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật. Trong khi đó, tại Nghị định cũ chỉ yêu cầu chung chung: “Có trình độ chuyên môn am hiểu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”.

Điều kiện kinh doanh giám định cổ vật tại Nghị định cũ bao gồm 4 Điều, tuy nhiên qua quá trình sửa đổi thì giảm xuống còn 2 Điều. Cụ thể, cơ sở kinh doanh giám định cổ vật chỉ cần đảm bảo: “Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký. Có ít nhất ba chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch”. Nghị định mới cũng bãi bỏ một điều kiện trong Điều 6, Nghị định 61 về Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hồ sơ đăng ký không cần danh mục các nguồn tài liệu về cổ vật để phục vụ hoạt động giám định. 

Siết chặt để quản lý tốt?

Trao đổi cùng phóng viên, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, việc mua bán cổ vật lẽ ra cần phải được quy định trong các văn bản pháp quy thiên về kinh tế hơn là văn hóa. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu giám định cổ vật cũng là một chuyên ngành đặc biệt, để xác định được một cách chính xác niên đại của một hiện vật nào đó bằng cấp vốn quan trọng nhưng kinh nghiệm mới là thứ quan trọng hơn.

Thực tế trong giới trao đổi, mua bán và sưu tầm cổ vật từng chứng kiến nhiều chuyện vừa khóc vừa cười vì mua nhầm phải cổ vật… mới. Thậm chí có người khuynh gia bại sản vì bỏ hàng tỷ đồng ra để rước về những thứ mà giá trị chỉ đáng vài triệu đồng. Và cũng trong thực tế, cứ dăm lần ngậm đắng nuốt cay vì mua phải đồ giả, chủ nhân của chúng ắt trở nên cẩn trọng và có kinh nghiệm. Nói theo ngôn ngữ của giới sưu tầm cổ vật thì cứ “va đồ” nhiều là ắt thành… chuyên gia.

PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học chia sẻ quan điểm, xưa nay người sưu tầm cổ vật gồm đủ thành phần, đối tượng. Nhiều người kiến thức được học từ thực tế chứ không nhất thiết phải có bằng đại học. PGS.TS. Tống Trung Tín nhấn mạnh, điều kiện bằng cấp là rất cần thiết trong khâu giám định chứ không phải chuyện buôn bán cổ vật. 

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa giải thích thêm, đối với cá nhân muốn kinh doanh buôn bán cổ vật hay kinh doanh giám định cổ vật đều cần phải có bằng cấp chuyên ngành, là quy định từng được đưa vào Thông tư 02, ngày 5-7-2012 về “Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật”.

Thông tư 02 nhằm hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 61/2016 - “Quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Theo ông Trần Đình Thành, trước đây công tác giám định cổ vật, bảo vật rất khắt khe, bởi lẽ, đây là một nghề đặc thù cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên thời gian trở lại đây, vấn đề này được “nới” - nếu như không có bằng cấp chuyên ngành thì buộc hộ kinh doanh cổ vật phải là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo (chuyên ngành đào tạo gồm di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học, địa chất…

Nghị định 142 chính thức có hiệu lực vào trung tuần tháng 10-2018. Tuy nhiên các hộ kinh doanh đã được cấp phép và hoạt động ổn định trước thời điểm Nghị định 142 ra đời vẫn sẽ không ảnh hưởng gì tuy nhiên phải tuân thủ theo các điều khoản của Nghị định 98.

“Việc nghiên cứu giám định cổ vật cũng là một chuyên ngành đặc biệt, để xác định được một cách chính xác niên đại của một hiện vật nào đó bằng cấp vốn quan trọng nhưng kinh nghiệm mới là thứ quan trọng hơn”.

PGS.TS Phạm Mai Hùng (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia)

“Xưa nay người sưu tầm cổ vật gồm đủ thành phần, đối tượng. Nhiều người kiến thức được học từ thực tế chứ không nhất thiết phải có bằng đại học. Điều kiện bằng cấp là rất cần thiết trong khâu giám định chứ không phải chuyện buôn bán cổ vật”.

PGS.TS Tống Trung Tín (Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học)