Bụi cay mắt người

ANTĐ - Chọn tên một trong 18 truyện ngắn - là những truyện ngắn tâm huyết nhất trong gần 10 năm sáng tác - nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học trình làng cuốn sách mới: “Bụi cay mắt người” (NXB Văn học, 6-2012). Đề tài chủ yếu xoay quanh vấn đề xã hội, với giọng văn đôi khi riết róng, có truyện gấp gáp để theo kịp nhịp sống của nhân vật trong một số truyện.

Nhiều người biết Nguyễn Văn Học qua những bài viết trên báo, với những đề tài xã hội cập thời. Tuy nhiên, văn chương dường như đã trở thành con đường “duyên nghiệp”, đã gắn với anh trước cả khi dấn thân vào nghề báo. Vì thế, Nguyễn Văn Học vẫn luôn dành thời gian cho sáng tác. Đều đặn, năm nào anh cũng ra mắt tác phẩm mới, có thể là tiểu thuyết “Hỗn danh”, “Hoa giang hồ” (2011), hay là những tập truyện ngắn. “Bụi cay mắt người” là nỗ lực duy trì một hành trình văn chương của Nguyễn Văn Học.

18 truyện ngắn trong tập sách, là những góc nhìn, những lát cắt cuộc sống tinh tế của người viết. Truyện “Nhậu thuê” và “Mùa nhan sắc” có giọng nhiễu nhại, sâu cay viết về những cô gái nhậu thuê và những bi kịch trong đời sống, sự dằn vặt, giằng xé nội tâm để chọn lựa đồng tiền và nhân cách. Ở “Mùa nhan sắc”, tác giả còn xoáy sâu vào những mặt tối của các cô gái học nghề diễn viên với ước mơ có cuộc sống cao sang, phải “diễn” trước mặt những “đại gia” giàu có để kiếm tiền. Sau rất nhiều năm tháng chinh phục, đuổi bắt những hão huyền, nhiều cô gái đã ngộ ra rốt cuộc họ không có tài năng, mà tiềm tàng những tính toán bán thân nuôi miệng. Sau cùng, họ nhận ra chân giá trị, cuộc sống cần cả tình yêu, tình người và những điều đó giúp cho họ hoàn thiện hơn.

Có thể cũng là một người làm báo, nên trong các truyện của Nguyễn Văn Học có góc nhìn về những vấn đề “thời sự” của xã hội một cách nhân văn và cũng đầy triết lý khiến cho người đọc phải suy nghĩ. Truyện “Những cô điếm trong đời” có kết cấu “chuyện trong chuyện” miêu tả tỉ mỉ khát vọng của một chàng nhà báo trẻ đam mê văn chương đã tìm hiểu về cuộc đời của những cô điếm và qua đó, thấy được thân phận họ cùng những khát vọng của lớp người dưới đáy sâu xã hội, mạt hạng nhất. hay như truyện “Tìm thuốc chữa”, thực chất là cuộc hành trình tìm thuốc chữa trị “bệnh” háo danh, ham hố nổi tiếng. Căn bệnh nhiều người ở thời nay mắc phải nhưng “điều trị” vô cùng khó khăn.  “Bụi cay mắt người” cũng là truyện được đặt tên cho cả tập, viết về thói đạo đức giả, tàn nhẫn, vô nhân tính trong môi trường chỉ có mệnh lệnh của đồng tiền chi phối và thao túng mọi hành động. Truyện “Tim rắn”, tác giả đã khôn khéo dùng hình tượng tim rắn ở đây là chỉ cái ác, bóng tối cùng thế lực ma quỷ, đã xui khiến một trái tim chưa biết đề phòng, chưa có kinh nghiệm làm điều ác. Truyện “Hội điên” vẽ lên bức tranh về những nghịch lý của cuộc sống. Đôi khi, những người làm điều thiện, hoặc quá tốt bị cho là điên, hâm bởi hành động của họ “lệch chuẩn”. 

Sau tập sách này, có lẽ bạn đọc sẽ chờ đợi Nguyễn Văn Học với những tác phẩm văn học tiếp theo.