Bức tượng "Khâm Thiên căm thù giặc Mỹ" và ký ức của nhà điêu khắc

ANTD.VN -Mỗi khi nhắc đến nỗi đau thương mà người dân Khâm Thiên đã hứng chịu vào đêm ngày 26-12-1972, nhiều người sẽ lại nhớ đến bức tượng người phụ nữ ôm đứa con trên tay của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự.

Với nét mặt hiện rõ hờn căm nhưng không gào thét, bức tượng đã tạo tác như khắc sâu nỗi đau máy bay B-52 của Mỹ đã gây ra cho người dân Khâm Thiên cách đây 45 năm.  

Hình ảnh có giá trị tố cáo tội ác

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự năm nay gần 80 tuổi, đã ít tham gia các hoạt động mỹ thuật, mà lui về vui vầy bên con cháu. Thỉnh thoảng, nhớ nghề, ông lại lấy nhựa composite ra nặn tượng, làm mấy phác thảo chân dung anh chị em trong gia đình.

Người già thường sống bằng ký ức nên khi có ai đó hỏi ông về B-52, về Khâm Thiên hay về những tác phẩm đã gắn liền với tên tuổi của ông, Nguyễn Văn Tự lại trầm ngâm kể lại khoảng thời gian lịch sử 45 năm trước đây.

Những câu chuyện ấy, ông đã kể nhiều lần, với rất nhiều người nhưng có điều lạ, lần nào cũng thấy ngậm ngùi xúc động. Cứ nhìn lại bức tượng người phụ nữ bế đứa con trên tay, mắt ông lại ngấn lệ. Gương mặt cô gái trong tác phẩm ấy đã ám ảnh ông suốt 45 năm qua, bởi sự giằng xé của nỗi đau tột cùng và sự căm thù được đẩy lên đến đỉnh điểm.

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự

Cái đêm B-52 ném bom rải thảm Khâm Thiên, Nguyễn Văn Tự khi ấy đang là cán bộ của Công ty Mỹ thuật Trung ương, tình nguyện ở lại Hà Nội. Ông và cậu con trai nhỏ đang ở Khương Thượng, nghe thấy tiếng bom nổ thì vội vã chạy xuống hầm.

Ông Nguyễn Văn Tự vẫn nhớ, một tay ông cắp nách con, tay kia cầm theo khẩu súng và túi đựng sổ hộ khẩu, sổ gạo và tem phiếu. Sáng ra, thấy mọi người nói, Khâm Thiên bị đánh bom, ông vội lao lên phố. Tới nơi, ông bị các lực lượng chức năng chặn lại. Công tác khắc phục hậu quả khi đó đã có lực lượng ứng phó. Dù nhà điêu khắc có muốn cũng không được tham gia.

Hay nói cách khác, Hà Nội đã lường trước những khó khăn sẽ phải đối mặt, nên tình huống xấu nhất cũng đã được chuẩn bị. Người Hà Nội đau thương nhưng không bấn loạn, quy củ ngay trong những mất mát.

Top đầu các bức tượng đẹp nhất Việt Nam

Nhờ có mặt tại Khâm Thiên vào sáng 27-12-1972, ông đã được nghe câu chuyện đau lòng về cô con dâu nhà ông lang Thanh, đã được tìm thấy trong tư thế chết đứng, trên tay đang bế đứa con tròn 1 tháng tuổi. Hình ảnh ấy đã làm trái tim người nghệ sỹ phẫn nộ và đau đớn.

Ông đã phác thảo bức tượng “Khâm Thiên căm thù giặc Mỹ” ngay trong đêm 27-12, bằng tình cảm của một người con Hà Nội căm phẫn trước đợt ném bom rải thảm B52 và xót thương đồng bào mình. Bức tượng nhỏ nhắn, không lên gân, gào thét, cũng không bi lụy. Gương mặt người mẹ vẫn hiện rõ lòng căm thù. Cái khéo của Nguyễn Văn Tự chính là việc ông đã tạc ra được hình ảnh người phụ nữ Hà Nội với mái tóc xoăn nhẹ, bay trong gió.

Cái chết tức tưởi của người phụ nữ và đứa trẻ vô tội ấy đã ám ảnh với cá nhân ông. Nhưng với bức tượng được tạo tác, Nguyễn Văn Tự đã làm cho người phụ nữ đã chết sống lại trong nghệ thuật điêu khắc. Cái khó để sáng tác nên bức tượng này là làm về chết chóc, đau thương nhưng ánh lên sự hiên ngang bất khuất.

Tượng của Nguyễn Văn Tự có sự ảnh hưởng của tượng đình chùa, trong tĩnh nhưng có động. Ban đầu, bức tượng được tác giả làm cho riêng mình. Sau này, Khâm Thiên làm phòng lưu lại ký ức đã mượn bức tượng bản 80cm của ông để trưng bày. Và kỷ niệm 1 năm Khâm Thiên bị ném bom, bức tượng đã được phóng tác bằng chất liệu đồng như hiện nay đang bày.

Bao năm qua, bức tượng vẫn đứng đó như dấu ấn đau thương của Khâm Thiên một thời. Còn cha đẻ của nó, dù đã chuyển nhà đến vài lần nhưng các bức ảnh chụp tác phẩm vẫn được ông trân trọng lưu giữ, bởi đó là dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự. Bức tượng không hoành tráng nhưng luôn vinh dự được xếp trong top đầu các tác phẩm tượng đài đẹp nhất Việt Nam.