Bức tranh "Thiếu nữ cầm quạt" lập kỷ lục đấu giá với gần 12 tỷ đồng

ANTD.VN -  Bức tranh lụa "Thiếu nữ cầm quạt" của  họa sỹ Nguyễn Nam Sơn, người đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã lập kỷ lục đấu giá với 440.000 euro (gần 12 tỷ đồng), chưa tính phí gần 30% mà người mua phải chi trả thêm. Phiên đấu giá vừa diễn ra vào ngày 22/10 tại Paris (Pháp) do nhà đấu giá Aguttes thực hiện. 

Phiên đấu giá có tên Họa sĩ Á châu - Họa sĩ đương đại Trung Quốc - Tranh thế kỷ 19 - Ấn tượng và hiện đại - Nghệ thuật đương đại. Bức tranh "Thiếu nữ cầm quạt" được họa sỹ Nguyễn Nam Sơn vẽ vào năm 1935-1936 với chất liệu mực nho và màu nước trên lụa. Giá khởi điểm của tác phẩm là 80.000 Euro. Nhưng sau đó bức tranh đã tăng hơn 550% giá trị, và được trả với mức giá 440.000 Euro. 

Với mức giá kỷ lục này đã đưa "Thiếu nữ cầm quạt" trở thành tác phẩm cao giá nhất của Nguyễn Nam Sơn trên thị trường giao dịch công khai. 

Tác phẩm "Thiếu nữ cầm quạt" của Nguyễn Nam Sơn lập kỷ lục đấu giá với gần 12 tỷ đồng

Bức Thiếu nữ cầm quạt từng thuộc bộ sưu tập của Tiểu đoàn trưởng Fernand Mallet, thuôc  quân viễn chinh Pháp, đến Hà Nội từ ngày 24/1/1936 đến ngày 28/4/1938. Bức tranh sau được mang về Pháp từ năm 1938, gia đình Fernand Mallet lưu giữ từ đó cho đến nay.
 Họa sỹ Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sỹ Nguyễn Nam Sơn hiện đang sống ở Pháp cho biết, ông vui mừng với kết quả đấu giá, nó chứng tỏ mỹ thuật Việt Nam càng ngày càng có vị thế.

Trước phiên đấu giá này, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đã bày tỏ mong muốn bức tranh Thiếu nữ cầm quạt sẽ được một nhà đấu giá trong nước đấu giá thành công và mang về quê nhà. Ông gợi ý Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nên cố gắng có được bức tranh này.

Bức tranh "Thiếu nữ cầm quạt"  lập kỷ lục đấu giá với gần 12 tỷ đồng ảnh 2

Ông Ngô Kim Khôi (bên phải) chụp ảnh bên bức tranh của ông ngoại-họa sỹ Nguyễn Nam Sơn

"Tôi mong các nhà sưu tập tranh cố gắng mang bức tranh này trở về quê hương. Tôi không dám mong tự mình làm được điều này, nhưng tôi nghĩ đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là một cơ hội hiếm có, nó lại là tranh lụa, rất quý", họa sĩ Ngô Kim Khôi chia sẻ.

Hiện chưa biết ai là người đã chiến thắng trong cuộc đua giành quyền sở hữu bức tranh Thiếu nữ cầm quạt, nên ông Khôi vẫn hi vọng bức tranh sẽ được trở lại quê nhà Việt Nam.