Bikini bằng vàng mã: Sự biến tướng hay "trần sao âm vậy"?

ANTD.VN - Càng sát ngày ông Công, ông Táo và Tết nguyên đán, một số tuyến phố Hà Nội đang bày bán công khai các sản phẩm vàng mã như Bikini, nội y, giày cao gót, túi xách hàng hiệu... Những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân đang nhận được những ý kiến trái chiều từ các nhà nghiên cứu. 

Những sản phẩm bằng vàng mã như bikini, đồ nội y, túi xách hàng hiệu Gucci, điện thoại thông minh... đã xuất hiện từ trước đó, nhưng những “mặt hàng” này càng gây chú ý hơn trong những ngày cận ông công, ông táo và sát Tết Nguyên Đán.

Khi hình ảnh vàng mã bikini chẳng khác đồ thật xuất hiện trên mạng những ngày vừa qua đã nhận về nhiều bình luận trái chiều. Người thì tỏ vẻ ngạc nhiên, hứng thú; người lại cho rằng quan niệm “trần sao âm vậy” là lệch lạc...

Bộ bikini bằng vàng mã 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan niệm "trần sao âm vậy" không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Á. Càng ngày lễ Tết, người Việt càng hướng về tổ tiên nhiều hơn. Việc gửi cho người đã khuất một bộ quần áo, đôi giày hàng hiệu hay thậm chí cả một bộ bikini cũng không nằm ngoài quan niệm về một thế giới bên kia vẫn đang tồn tại bên cạnh thế giới của người đã khuất. 

Các bộ bikini bằng vàng mã có đáng phê phán hay không? Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, có thể việc sản xuất các bộ bikini bằng vàng mã sẽ làm không ít người cảm thấy phản cảm hay cười chê, tuy nhiên, các hành vi này không chịu các chế tài xử lý của pháp luật. Vấn đề còn lại nằm ở việc vận động, tuyên truyền các đơn vị sản xuất vàng mã không nên đưa ra thị trường các bộ vàng mã như bikini, một chiếc xe máy, một chiếc ô tô... Bên cạnh đó, việc vận động ý thức thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ cho người dân mới thực sự quan trọng.  

Nội y dành cho người đã khuất

"Khi người dân nhận ra việc đốt vàng mã là lãng phí và tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho cuộc sống con người, họ sẽ không có nhu cầu mua các bộ vàng mã như kể trên. Không có cầu làm sao có cung, các đơn vị sản xuất vàng mã không có khách hàng, sẽ không sản xuất theo hướng gây sốc cho người tiêu dùng như hiện nay. Đặc biệt, việc chuyển đổi nghề cho các làng nghề sản xuất vàng mã cũng cần được chú trọng", ông Dương Trung Quốc khẳng định. 

Trong khi ấy, GS Tô Ngọc Thanh lại nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn văn hóa. Ông cho rằng, vàng mã là một cách biểu thị sự quan tâm của người sống đối với người đã khuất. Người Việt luôn quan niệm, còn có một thế giới bên kia bên cạnh thế giới của người sống. Vì thế, người Việt không coi chết là hết mà còn có một dòng chảy khác nối dài sự sống cho người đã khuất. Do vậy, người Việt nói rằng, ông bà, bố mẹ về với tổ tiên, đã khuất, chứ không mấy khi sử dụng từ vĩnh biệt thậm chí là chết. 

Chính quan niệm này "trần sao âm vậy" đã dẫn tới các hoạt động sản xuất vàng mã phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Và việc bày bán các bộ bikini bằng vàng mã, các bộ nội y... cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Nhưng việc làm này có đáng lên án lại hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng. Các hoạt động mua bán vàng mã đang ngày một biến tướng và tiêu tốn nhiều tiền của của người dân. Do vậy, GS Tô Ngọc Thành cũng cho rằng, không thể cưỡng ép người dân không đốt vàng mã. Điều này chỉ có thể sử dụng tới hình thức tuyên truyền và thuyết phục, đánh vào ý thức tự giác của người dân. 

Hàng hiệu bằng vàng mã

Khi hỏi về sự xuất hiện của các bộ bikini bằng vàng mã, GS sử học Lê Văn Lan đã bày tỏ thái độ phản đối vấn nạn vàng mã đang biến tướng và hoành hành trong đời sống xã hội.

“Vàng mã có từ lâu đời, mang tinh thần thay thế sự thực tốn kém bằng cái ảo nhưng giản dị, khiêm tốn. Tinh thần đáng trân trọng ấy đến bây giờ bị... vỡ. Người ta thay sự khiêm tốn, giản dị, đơn sơ, không tốn kém bằng sự hào nhoáng, lộng lẫy, đắt tiền. Điều đó gây phản cảm, trái với truyền thống và gây tốn kém”, GS Lê Văn Lan nói.

Theo GS Lê Văn Lan, việc đốt vàng mã để hướng thiện đang bị lạm dụng quá đà. Ông xin người dân hãy dừng lại...

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nếu những bộ bikini, giày cao gót bằng vàng mã này được sử dụng để “gửi” cho người đã khuất với ý nghĩ “trần sao âm vậy” thì đó là sự lệch lạc, biến tướng về nhận thức. Việc đốt đồ mã như thế là vi phạm, cần bị xử lý....

“Vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”. Nhưng chỉ là hình thức tượng trưng, sử dụng những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. Và vì thế, sử dụng vàng mã chỉ nên vừa phải, không nên lạm dụng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.