Biên đạo múa Tuyết Minh đầu tư tiền tỷ đưa "Vợ chồng A Phủ" về phố

ANTD.VN - Với mong muốn chuyển tải nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông tới khán giả Thủ đô, biên đạo múa Tuyết Minh sẽ đưa “Vợ chồng A Phủ” xuống phố. Vở kịch múa “Mỵ” do chị làm đạo diễn, sẽ vẽ nên bức tranh với những gam màu đầy xúc cảm, ca ngợi phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những con người nơi núi rừng Tây Bắc một thời. 

Biên đạo múa Tuyết Minh đầu tư tiền tỷ đưa "Vợ chồng A Phủ" về phố ảnh 1“Mỵ” sẽ ra mắt khán giả Thủ đô vào tối 26-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhiều khó khăn trong dàn dựng tác phẩm

Nghệ sĩ múa Tuyết Minh cùng ê-kip đã đầu tư 3 tỷ đồng để thực hiện vở diễn kịch múa “Mỵ”, chuyển thể từ tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Tuyết Minh cho biết, chị gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào dàn dựng tác phẩm. Đầu tiên phải kể đến là cái khó trong ý tưởng sáng tạo. Vì nếu chỉ làm để giới thiệu du lịch đơn thuần, sẽ đơn giản hơn rất nhiều nhưng để làm một tác phẩm giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc lại đòi hỏi sự tâm huyết và chỉn chu.

Hơn 5 tháng để dàn dựng, thiết kế sân khấu, ánh sáng, trang phục cho vở diễn, Tuyết Minh bảo, cái váy mà người phụ nữ Mông hay mặc, nhìn đẹp là thế nhưng lại không phù hợp cho diễn viên múa vì chất liệu khá nặng, ảnh hưởng trực tiếp tới những cú xoay người, uốn dẻo. Do vậy, trang phục của Mỵ buộc phải thiết kế lại sao cho bay bổng, đẹp nhưng nhất định phải giữ được bản sắc Mông. Chưa hết, về ngôn ngữ của vở, múa đương đại được chọn làm chủ đạo nhưng để thể hiện màu sắc văn hóa dân tộc cũng gây ra không ít trở ngại để tạo nên một vở diễn không cách biệt với văn hóa bản địa. 

Theo tiết lộ của đạo diễn Tuyết Minh, vở diễn đã từng biểu diễn cho người Mông xem và giữa núi rừng Tây Bắc, những cảnh diễn như hòa lẫn với thiên nhiên và con người nơi đây. Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mông đã được khắc họa sinh động. Đó là những phiên chợ tình, các trò chơi dân gian, những điệu múa, tiếng khèn đặc trưng của người Mông...

Có lẽ thế, khi ra về, nhiều người Mông cho biết, dù có đôi chút lạ lẫm với nghệ thuật múa nhưng tiếng khèn, tiếng sáo, những cô gái xúng xính váy hoa rực rỡ thì vẫn là của người Mông. Những chia sẻ rất thật ấy đã tạo nên niềm khích lệ để Tuyết Minh đưa ra quyết định, sẽ đưa “Mỵ” về Hà Nội. 

Biên đạo múa Tuyết Minh đầu tư tiền tỷ đưa "Vợ chồng A Phủ" về phố ảnh 2Biên đạo múa Tuyết Minh

“Mỵ” sẽ nằm trong tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội

“Mỵ” không dựng toàn bộ nội dung theo nguyên tác mà dựa vào cốt truyện ở phần1,  “cuộc sống của Mỵ và A Phủ ở Hồng Ngài”. Vở múa chia làm 3 trường đoạn. Trường đoạn thứ nhất là “Lời yêu trên đỉnh núi”, mô tả không khí các phiên chợ, lễ hội trong vẻ thơ mộng của thiên nhiên. Trường đoạn thứ hai “Con ma nhà Thống lý” khắc họa cuộc sống nô lệ của Mỵ. Trường đoạn cuối cùng là “Chạy đi”, tái hiện cảnh Mỵ vùng dậy, cởi trói cho A Phủ. Vở diễn đi sâu khai thác vẻ đẹp văn hóa, tình yêu và khát vọng hạnh phúc của đồng bào Mông.

Gần 80 nghệ sĩ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc góp mặt trong vở diễn. Biên đạo múa Tuyết Minh rất hồ hởi khi sở hữu trong tay một ê kíp mà chị rất ưng ý gồm nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Minh Đạo, NSƯT Mạnh Tiến. Để vẽ nên bức tranh chân thực nơi núi rừng Tây Bắc, ê-kíp sử dụng thanh âm bình dị, mộc mạc từ những đồ vật quen thuộc, gắn liền với đời sống người dân nơi đây 

Tác phẩm múa đương đại “Mỵ” dài 75 phút, sẽ ra mắt khán giả Thủ đô vào tối 26-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau đó, các nghệ sĩ trình diễn 10 buổi đến hết năm, kết hợp tour tham quan Nhà hát Lớn dành cho khách du lịch.

“Mỵ” từng công diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc ở Cao Bằng vào tháng 7-2018 . Tác phẩm giành giải “Chương trình ấn tượng và biên đạo múa xuất sắc”. Sau Mỵ, biên đạo múa Tuyết Minh và Công ty Nam Hưng tiếp tục dàn dựng tiết mục lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.