Bích họa phố Phan Đình Phùng: Nghệ thuật hay là "bôi bẩn"?

ANTD.VN - Mấy ngày qua, bức tường bích họa “Hà Nội xưa và nay” trên phố Phan Đình Phùng bỗng trở thành đề tài cho các cuộc bàn tán về cách làm đẹp cho phố phường Hà Nội. Không ít các ý kiến trái chiều cho rằng, vẽ tranh tường cần phải đúng chỗ, đúng việc, bằng không, sẽ thành “bôi bẩn” đường phố.

Ý tốt chưa hẳn đã được ủng hộ

Dự án bích họa trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) được nhóm họa sỹ (là cựu học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng) thực hiện từ đầu tháng 10 /2018. Đến nay, nhóm họa sỹ đã hoàn thành được gần 20 bức tranh trong tổng số 28 bức dự kiến sẽ vẽ. Các bức tranh này được vẽ nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Trường THPT Phan Đình Phùng và chia thành 2 chủ đề là quá khứ và hiện tại.

Phần quá khứ là những bức tranh về Hà Nội xưa, phần hiện tại là những bức tranh tái hiện những khoảnh khắc đẹp nhất trên phố Phan Đình Phùng. Trên mỗi bức tranh, nhóm sẽ gắn một bóng đèn và bật vào buổi tối, để mọi người đi qua có thể ngắm nhìn. Loại sơn được dùng để vẽ các bức tranh là acrylic, có độ bền màu trên 10 năm.

Bức tường bích họa Phan Đình Phùng làm dấy lên cuộc tranh cãi trong giới làm nghề

Sự xuất hiện của các bức tranh bích họa này đã làm dấy lên 2 luồng ý kiến trái chiều nhau. Đã có không ít ý kiến cho rằng, bức tường bích họa của trường Phan Đình Phùng chẳng khác nào là một mảng màu sáng chói phá hỏng đi khung cảnh  tĩnh lặng, nên thơ, cổ kính của một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, phố Phan Đình Phùng ngày nay có thể coi là một di sản của Hà Nội, không phải cứ vẽ lên đó là làm đẹp cho phố phường, là tôn lên vẻ đẹp vốn có của con phố này. Hoặc có thể hiểu rằng, ý tốt nếu không biết cách làm sẽ mang lại kết quả tồi tệ, chứ không hẳn trang trí, làm đẹp cho thành phố.

Cớ gì không làm mới?

Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức không ngần ngại cho biết, anh không ủng hộ cách làm này của nhóm họa sỹ. Phố Phan Đình Phùng quá đẹp với hàng sấu có tuổi đời hàng trăm năm, phố phường mang vẻ đẹp cổ kính, thanh bình. Vì thế, không cần phải điểm tô hay làm mới cho con phố này. Hãy cứ để cho “người đẹp” được ngủ yên.

Học sinh PTTH Phan Đình Phùng chụp ảnh bên các tác phẩm của bức tường bích họa 

Cũng theo họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, vẽ bích họa là giải phóng về mặt thẩm mỹ cho một khu vực nhếch nhác, bẩn thỉu, che đậy hoặc lấp đi những cái chưa đẹp. Có thể lấy ví dụ như phố bích họa Phùng Hưng. Nhưng với phố Phan Đình Phùng thì không cần thiết, chỉ cần giữ cho con phố này sạch sẽ là quá đủ.

Quan điểm này của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức nhận được sự ủng hộ và tán đồng của không ít các họa sỹ trong giới. Tuy vậy, vẫn còn đó không ít các ý kiến cho rằng, bức tường bích họa ở trường Phan Đình Phùng đã mang lại một thẩm mỹ mới, một thị giác mới cho những người thường xuyên đi qua nơi đây.

Họa sỹ Đào Hải Phong cho rằng, dù bức tường bích họa Phan Đình Phùng không phải là cách làm mới nhưng dẫu sao cũng làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ, không bị nhàm chán. Đôi khi con người có nhu cầu khá đặc biệt là hy sinh cái đẹp để tìm cái mới.

Họa sĩ Đào Hải Phong còn chia sẻ, “chúng ta nên nhìn bức tường này ở mặt tích cực của nó, tức là dụng ý tốt của nhóm tác giả nhằm tạo ra một không gian mới cho giới trẻ, một địa điểm vui chơi khi tới Hà Nội dành cho du khách”. Họa sỹ còn cho biết, nếu cách vẽ bích họa này mà áp dụng với Văn Miếu hay Hoàng thành Thăng Long thì nhất định anh sẽ phản đối, bởi đó rõ là những di sản cần phải bảo tồn và giữ gìn. Đằng này, con phố là một vật thể “sống” gắn bó với người dân Hà Nội hàng ngày, hàng giờ. Cớ gì mà không làm mới bộ mặt cho nơi chúng ta yêu thương.

Trong khi, giới làm nghề và những người yêu Hà Nội còn chưa ngã ngũ về việc nên hay không ủng hộ con phố bích họa Phan Đình Phùng, thì các học sinh của trường PTTH Phan Đình Phùng đang là những người thụ hưởng các bức tranh vẽ về" Hà Nội xưa và nay". Tranh thủ những giờ tới lớp sớm, giờ ra chơi, các em đã chụp ảnh bên các tác phẩm để lưu lại những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.