"Bí mật sau tấm mạng" - câu chuyện của người phụ nữ quả cảm

(ANTĐ) - USA today viết về "Bí mật sau tấm mạng":  "Quả cảm…mạnh mẽ và không thỏa hiệp… một hành động táo bạo và có thể sẽ phải gánh nhiều hệ lụy”. Không chỉ cả gia tộc Bin Laden mà cả thế giới Hồi giáo Ả rập Sauđi đều muốn Carmen im miệng...

"Bí mật sau tấm mạng" - câu chuyện của người phụ nữ quả cảm

(ANTĐ) - USA today viết về "Bí mật sau tấm mạng":  "Quả cảm…mạnh mẽ và không thỏa hiệp… một hành động táo bạo và có thể sẽ phải gánh nhiều hệ lụy”. Không chỉ cả gia tộc Bin Laden mà cả thế giới Hồi giáo Ả rập Sauđi đều muốn Carmen im miệng...

Bởi 9 năm làm dâu nhà Bin Laden đã cho Carmen cơ hội mà không một người phương Tây nào có, để khám phá những bí mật chốn thâm cung của hoàng tộc Ả rập Sauđi cũng như của nhà Bin Laden.

Nhanh nhaỵ, sắc sảo như một nhà báo, Carmen thông qua những câu chuyện mắt thấy tai nghe của mình đã cho người đọc câu trả lời về mối quan hệ phức tạp giữa các hoàng tử Ả rập, cách mà họ kiếm tiền từ kho tài nguyên khổng lồ của quốc gia, vị hoàng tử nào đã hậu thuẫn cho Osama Bin Laden khi hắn lên đường sang Afghanistan, cho đến mối hiềm tị giữa 54 người con nhà Bin Laden…

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề làm nên sức hút mãnh liệt, cũng như giá trị cho cuốn hồi ký này chính là tiếng nói mạnh mẽ của Carmen về thân phận của người phụ nữ trong thế giới hồi giáo Ả rập Sauđi. Tù ngục, bị coi rẻ, không có quyền quyết định từ trang phục cho đến vận mạng của riêng mình, đó là số phận bi thảm của người phụ nữ Ả rập Sauđi thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhưng điều đáng sợ hơn, đó là những người phụ nữ ấy chấp nhận mọi cấm đoán và hủ tục của xã hội như một điều hiển nhiên, thậm chí một niềm vinh hạnh, tự hào khi họ sống đúng với giáo luật.

"Khi bạn trở thành một bóng ma câm lặng không nói, không nhìn, không cảm xúc và phản kháng trong tấm abaya, đó là lúc bạn đã có một chỗ trên thiên đường!" Carmen không chấp nhận một cuộc sống như vậy, và cô kinh hoàng khi nghĩ đến tương lai của các con gái mình, cô phản kháng quyết liệt, và cô bị cả gia tộc Bin Laden ruồng bỏ. Những chương cuối của cuốn sách thực sự là những trang viết xúc động, khi Carmen Bin Ladin một mình chống lại cả gia tộc nhà chồng và người chồng ngày càng trở nên xa lạ, độc đoán để cứu lấy chính mình và giành lại tự do, tương lai cho các con gái. Cô ấy kết lại cuốn hồi ký của mình bằng một câu nói giản dị, nhưng thể hiện rõ bản lĩnh và khí phách đáng tự hào của một người mẹ: “Wafah, Najia, Noor, các con được tự do sống cuộc sống mình mong muốn và trên hết, các con được tự do hình thành nhân cách của mình.”.

Sinh ra và lớn lên tại Thụy Sỹ, mẹ là người Iran, cha là người Thụy Sỹ, Carmen được thụ hưởng đầy đủ một nền giáo dục Tây phương với tất cả tinh thần tự do, dân chủ của nó. Vì vậy, năm 1974, thiếu nữ vừa tròn 20 tuổi - Carmen thực sự vấp phải một cú sốc văn hóa quá lớn khi bước chân vào làm dâu gia tộc Bin Laden, một trong những gia tộc giàu có, bề thế, và sùng đạo nhất Ả rập Sauđi.

Qua cái nhìn của một cô dâu Tây phương có học thức, sắc sảo, và đặc biệt đề cao những quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền của phụ nữ, gia tộc Bin Laden nói riêng và nước Ả rập Sauđi nói chung hiện lên với tất cả những mảng sáng, tối chân thực nhất mà ít người có cơ hội được biết đến. Carmen Bin Ladin đã đi từ cội rễ sâu xa của lịch sử lập quốc Ả rập Sauđi để tái hiện, phân tích và đánh giá đặc điểm nổi bật trong đời sống xã hội của đất nước này, cũng như của gia tộc mình.

Theo Carmen “Xét về mặt xã hội, Ả rập Sau đi vẫn còn ở vào thời Trung cổ, u tối với tội lỗi và cấm đoán…Ả rập Sauđi có thể có nhiều của cải, nhưng có lẽ là đất nước kém  học thức nhất trong thế giới Ả rập giàu có và đa diện. Các gia đình đều có người tộc trưởng đứng đầu, và việc phục tùng tộc trưởng là tuyệt đối. Những giá trị duy nhất được đo đếm ở Ả rập Sauđi là sự trung thành và phục tùng – trước hết là đối với đạo Hồi, sau là đối với thị tộc”. Điều này dẫn đến những lề thói hà khắc, man rợ và, sự giả dối trong mối quan hệ máu mủ và thái độ sùng bái mà theo tác giả là mù quáng và cực đoan. Oshama Bin Laden là sản phẩm hoàn hảo của xã hội ấy. 

Những câu chuyện mà Carmen kể đề cập đến thái độ cực đoan, thù địch của Osama với những biểu hiện nhỏ nhất của nền văn minh Tây phương ngay từ khi còn trẻ có mối quan hệ chặt chẽ với hành động khủng bố giã man ngày 11/9 hàng loạt vụ đánh bom cảm tử nhằm vào các đại sứ quán của Mỹ khắp nơi trên thế giới. Một điều đáng sợ hơn được Carmen tiết lộ đó là các thành viên trong gia tộc Bin Laden chưa bao giờ coi Osama là kẻ khủng bố, và sự cố kết chặt chẽ của mô hình gia đình thị tộc được kết lại trong câu nói của người anh trai Ibrahim về Yeslam, và cũng là tất cả các em trai mình, trong đó có Osama: “Dù cô có đúng đến đâu đi nữa thì em trai tôi cũng không bao giờ sai”, Osama có thể tìm thấy sự hậu thuẫn cả về tài chính, tinh thần từ gia tộc của mình bất cứ khi nào hắn cần.

Phú Duy