"Bắt bệnh" các cuộc thi ảnh Việt Nam

ANTD.VN - Lâu nay ở các cuộc thi ảnh của Việt Nam thường có nhiều thị phi, tất cả đều xoay quanh chuyện không phục việc chấm chọn và trao giải cho các bức ảnh, bộ ảnh đoạt giải. Lý do chẳng phải đâu khác mà chính là cách đánh giá và nhìn nhận của BGK đã ảnh hưởng trực tiếp tới danh tiếng của mỗi cuộc thi. 

"Bắt bệnh" các cuộc thi ảnh Việt Nam ảnh 1Bức ảnh suýt được trao giải Nhất Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội do Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. 

Bí mật thành phần giám khảo

Với mỗi cuộc thi ảnh, thành phần BGK rất quan trọng, quyết định tới sức hấp dẫn của cuộc thi và đảm bảo chất lượng cho một kỳ thi công bằng, khách quan. Thế nhưng, đã không ít các cuộc thi ảnh được phát động mà không công bố thành phần BGK. Chỉ với vài dòng chung chung như “thành phần BGK là các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng” điều đó chưa đủ để đảm bảo tính xác thực và minh bạch.

 Để có một cuộc thi và triển lãm, BTC đã phải chuẩn bị hàng tháng thì không có lý do gì  không thể lựa chọn để đưa ra danh sách BGK ngay trong ngày phát động. Chưa kể, mỗi nhà nhiếp ảnh hay các tay máy nghiệp dư khi quyết định gửi tác phẩm dự thi đều quan tâm tới đội ngũ BGK gồm những ai. 

Đặc biệt, với các cuộc thi mang tính chất ca ngợi nghề nghiệp, ngành nghề hay các cuộc thi có tài trợ, thành phần BGK lại càng cần được quan tâm nhiều hơn. Theo nhà nhiếp ảnh Cao Phong, thành phần BGK không nên đặt vấn đề cơ cấu mà phải là những chuyên gia, những người thực sự hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Không thể mời các nhà nghiên cứu sử học, nghiên cứu xã hội học, nhà quản lý cùng ngồi Hội đồng. Đặc biệt, với các cuộc thi có tài trợ, dù giám đốc, tổng giám đốc của công ty đó có giỏi tới mức độ nào thì cũng là những người không có chuyên môn. “Những người làm quản lý chỉ nên tham gia BTC hoặc Ban chỉ đạo.” - nhà nhiếp ảnh Cao Phong nhấn mạnh. 

Photoshop là phần mềm giúp các nhà nhiếp ảnh xử lý khâu hậu kỳ cho các bức ảnh được chỉn chu và đẹp mắt hơn. Thế nhưng, photoshop đã là “ánh trăng lừa dối” của thị giác lại gặp các nhà nhiếp ảnh không trung thực sẽ biến các bức ảnh đoạt giải trở thành kẻ nói dối của thời đại. Việc lạm dụng kỹ xảo và thái độ tham gia cuộc thi ảnh không nghiêm túc của các tay máy đã dẫn đến các vụ việc bị phanh phui sau cuộc thi.

Nhiều người vẫn còn nhớ bức ảnh chụp họa sỹ Phan Kế An từng suýt nữa nhận giải Nhất Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội, do Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Chỉ đến khi bị phát hiện và tố giác do xử lý photoshop quá đà, lộ liễu, giải thưởng mới bị rút lại nhưng vẫn còn đó những thắc mắc về chất lượng chấm giải hiện nay cùng trách nhiệm của người nghệ sỹ trước mỗi cuộc thi. Nhiều tác phẩm kém về nội dung tư tưởng và hàm lượng nghệ thuật không những không bị loại mà còn vào giải cao. Rõ ràng để xảy ra những trường hợp như thế đều rất đáng tiếc. 

Hệ lụy từ việc giám khảo “gà mờ” về công nghệ

Theo nhà phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thành, các thành viên BGK không chỉ là người chấm ảnh, quyết định “vận mệnh” của cả một cuộc thi mà họ còn là người định hướng cho các cuộc thi kế tiếp. Đó là người soi đường và chỉ ra các hướng đi tiếp theo của nhiếp ảnh Việt Nam cần phải thực hiện. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, tại nhiều cuộc thi, các thành viên BGK mới chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một người chấm ảnh. Nhưng chất lượng chấm ảnh cũng chưa thực sự thuyết phục. 

Trong thời đại 4.0, các giám khảo ít nhất phải biết sử dụng máy tính để có thể chấm ảnh online hoặc ít nhất cũng “thoát mù” về photoshop. Nhưng tại một số cuộc thi đã xuất hiện các giám khảo không hiểu và biết về photoshop nên có bức ảnh không sử dụng công nghệ này lại bảo là có, mà có bức ảnh sử dụng photoshop lại nhận định là không. Chính sự “gà mờ” của các vị giám khảo đó đã dẫn tới những hệ lụy không đáng có cho các cuộc thi ảnh. 

Do vậy, ngoài căn bệnh chạy theo thành tích của các nghệ sỹ nhiếp ảnh thì tại mỗi cuộc thi ảnh luôn có những vấn đề phát sinh về Hội đồng nghệ thuật. Những yêu cầu về chuyên môn đối với từng thành viên thẩm định ảnh là hoàn toàn chính đáng, bởi nếu không giỏi, không am tường các kỹ xảo, các mánh khóe trong khâu hậu kỳ xử lý ảnh thì làm sao, những người “ngồi ghế nóng” có thể bắt tận tay những “hạt sạn” của các tác phẩm dự thi.