Bập bõm kiến thức quản lý, mỹ thuật Việt được mùa scandal

ANTD.VN - Vụ việc đau lòng xảy ra với bức tranh sơn mài - Bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” vừa qua đã góp thêm những hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác quản lý hiện nay tại các cơ sở nghệ thuật. Ai đời phục chế tranh lại đi dùng giấy ráp, bột chu (chất ăn mòn bề mặt) và nước rửa bát để làm sạch bề mặt của bảo vật quốc gia. Những người có nghề, có tầm đương nhiên ngạc nhiên trước "phát kiến" độc đáo này. Điều này đặc biệt khó chấp nhận đối với một đơn vị nghệ thuật hoạt động mang tính đặc thù như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Trước khi mang nước rửa bát là kỳ cọ bảo vật quốc gia  “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, còn có một scandal chấn động giới mỹ thuật năm 2016 là triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” . 17 bức tranh giả, được gắn tên các họa sỹ nổi tiếng Việt Nam thời mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Tỵ, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… và nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung, vốn là một nhà sưu tầm cổ vật.

Số tranh này không hiểu bằng cách gì, vượt qua vòng thẩm định của hội đồng nghệ thuật và suýt nữa đã mặc định được công nhận là tranh thật khi gắn mác trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Khi sự việc bị phanh phui, nhiều người đã đặt câu hỏi về trình độ hội đồng thẩm định cũng như tính minh bạch. Bằng cách nào, số tranh này đã “qua mặt” được các nhà “cầm cân nảy mực”, những người quyết định cho số phận của một cuộc triển lãm.

Họa sỹ Thành Chương bên bức tranh "Trừu tượng" tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu"

Ông Hứa Thanh Bình, người từng giữ chức Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thời điểm ấy đã trả lời rằng, do ông đang trong kỳ nghỉ phép, vắng mặt tại bảo tàng nên không nắm được sự việc, không biết hội đồng đã duyệt 17 bức tranh trở về từ nước ngoài này như thế nào.

Câu trả lời này không sai nhưng cũng khó chấp nhận bởi một đơn vị nghệ thuật được vận hành bởi cả một bộ máy, người này bận sẽ có người khác thay thế để quản lý và đảm bảo chất lượng. Quanh co, đẩy lỗi cũng chỉ để biện minh cho sự yếu kém trong công tác quản lý. 

Và điều gì đến cũng phải đến, 17 bức tranh giả này đã có mặt ở nơi mà chủ nhân của chúng mong muốn nhằm hợp thức hóa,  hô biến “đen” thành “trắng”. Nhưng thật may, với sự quan sát và đánh giá tinh tường của người xem, trong đó có không ít các họa sỹ có nghề đã nhanh chóng phát hiện ra vụ việc.

Cho tới thời điểm hiện tại, mỗi khi nhắc tới triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, đây luôn là nỗi thất vọng, một vết nhơ trong quá tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam. Ở thời điểm năm 2016, sự việc 17 bức tranh giả bị phát giác đã được ví như một quả bom scandal đối với giới mỹ thuật.

Tiếc rằng, chỉ hơn 2 năm sau đó, một scandal khác lại tiếp tục được khơi ra cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đó là bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí đã bị hư hỏng về tinh thần của tác phẩm tới 30% sau quá trình làm sạch bề mặt tác phẩm.

Tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí

Điều đáng tiếc là với một bảo vật quốc gia, nhưng Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM lại giao việc bảo quản phòng ngừa, vệ sinh tác phẩm cho một thợ sơn mài thực hiện. Báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nêu: "Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh".

Khi đọc những dòng báo cáo của đoàn công tác do Bộ VH-TT&DL thành lập để đánh giá thực trạng của bức tranh sau quá trình vệ sinh, nhiều người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc. Tại sao ngay giữa một cơ sở lưu giữ và bảo quản tác phẩm uy tín như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lại có thể để xảy ra một vụ việc ngớ ngẩn như vậy? Chỉ riêng bột chu, một chất tẩy rửa công nghiệp đã đủ phá hủy các lớp vàng, bạc, chưa nói tới giấy ráp và nước rửa bát còn tiếp tay thêm cho việc làm hư hỏng tác phẩm.

Với những họa sỹ sáng tác sơn mài, công việc phục chế này của Bảo tàng TP.HCM là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thế nhưng, ông Trịnh Văn Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vẫn khẳng định với báo giới rằng, bức tranh không xuống cấp như vậy và muốn đánh giá phải tới tận nơi xem.

Cách làm vệ sinh có tác động đến bề mặt tranh nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, ông Yên cũng thừa nhận, bức tranh có sáng lên sau khi làm sạch bụi bẩn, phần gắn trứng đôi chỗ bị bong tróc nên nhìn chung, độ sâu của bức tranh có giảm đi.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, Viện Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, về việc để bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị hư hỏng, nguyên nhân phần nhiều là do sự vô trách nhiệm, làm liều xuất phát từ sự mù tịt kiến thức (dù sơ đẳng nhất) về bảo quản tác phẩm nghệ thuật.

Bức tranh -Bảo vật quốc gia "Vườn xuân Trung Nam Bắc" trước và sau khi làm sạch bề mặt

Việc bức tranh bị hỏng không thể đổ tại việc không có nhân lực được đào tạo bài bản về nghề bảo quản và tu sửa tác phẩm nghệ thuật. Bởi lẽ, có không ít các cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã từng tham gia những khóa học cơ bản về các nguyên tắc liên quan tới bảo quản và tu sửa tác phẩm nghệ thuật tại Hà Nội.

Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ: "Tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung - Nam - Bắc có thể coi là hiện vật chiếm tới 50% thương hiệu, giá trị và uy tín của Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Bức tranh quan trọng như vậy, mà họ lại không đánh giá đúng và có sự đầu tư đúng mực với "báu vật" này, thật đáng tiếc!”

Cũng theo họa sỹ Vi Kiến Thành, các scandal của mỹ thuật nói riêng và của giới nghệ thuật nói chung sẽ không dừng lại với tư duy quản lý yếu kém như hiện nay. Các nhà quản lý phải có trình độ chuyên môn vững mới không dễ bị “qua mặt” và để hiểu, đánh giá đúng trách nhiệm, vai trò của mình. Hay cụ thể, các nhà quản lý phải là những người am hiểu tường tận về lĩnh vực mình quản lý, còn với những người ngoại đạo mà làm công tác quản lý sẽ dễ dẫn tới các hậu quả khó lường.