Bảo tồn sẽ khó khăn hơn khi thiết lập "vùng cấm" cho lễ hội dân gian

ANTD.VN - Diễn ra vào sáng 24-11 tại Hà Nội, hội thảo nhằm lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội đã vấp ngay từ khi khai màn do ban soạn thảo lúng túng từ khâu xác định định nghĩa. 

Bảo tồn sẽ khó khăn hơn khi thiết lập "vùng cấm" cho lễ hội dân gian ảnh 1Quản lý lễ hội, lúng túng ngay từ xác định định nghĩa

Đặt nặng cơ chế xin-cho

TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết, bà cũng giống như rất nhiều người khác khi đọc phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định sẽ hiểu rằng, nghị định này được soạn thảo nhằm quản lý các hoạt động lễ hội trên toàn quốc, bao gồm các lễ hội truyền thống, các festival có yếu tố nước ngoài, các lễ hội tín ngưỡng… Và nếu đúng thế, các hội làng, hội phường, các lễ hội cấp xã cũng sẽ phải xin phép nhà quản lý trước mỗi kỳ tổ chức.

Cùng suy nghĩ này, GS.TS Lê Hồng Lý, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa không hài lòng khi  nghị định can thiệp quá sâu vào vai trò tự quản của người dân, sẽ dẫn tới cơ chế xin - cho trong mỗi kỳ tổ chức lễ hội, khi phạm vi điều chỉnh được ghi: “Nghị định này quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam”. 

Một thành viên ban soạn thảo thừa nhận: “Định nghĩa chính xác về lễ hội đến nay chưa có, và ngay cả các thành viên cũng rất trăn trở về đối tượng chính xác sẽ nằm trong phạm vi quản lý lần này”. Vì vậy, nếu chưa làm rõ được khái niệm này, rất khó để có một nghị định gắn liền với đời sống văn hóa mới.

Các ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng chỉ ra sự lúng túng trong quá trình soạn thảo khi không khoanh vùng phạm vi điều chỉnh cũng như tâm thế muốn thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của người dân hay đặt nặng vai trò quản lý của Nhà nước. Các điều khoản quy định trong nghị định đều có vấn đề và được các chuyên gia chỉ rõ.

Trước hết, đó là cách tiếp cận văn hóa. Nếu như điều 4 quy định “bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp” thì cũng ở điều này lại cho rằng cần phải “loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn”. 

Bóc tách kỹ càng trước khi thông qua

GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng, cái cốt yếu nằm ở cách làm, văn hóa dân gian cần được hiểu đúng và thực hiện đúng tinh thần sẽ tránh được phản cảm. Dư luận vừa qua sôi sục với lễ hội chọi trâu, đâm trâu, chém lợn nhưng hầu hết mọi người mới nhìn thấy cái bề nổi của nó mà không hiểu được bản chất của sự việc. Và nếu nghị định này tạo thành một vùng cấm cho các lễ hội dân gian thì việc bảo tồn di sản của cha ông càng trở nên khó khăn. 

Bên cạnh đó, nghị định có xu hướng “ôm trọn” để điều chỉnh các lễ hội, trong khi ấy, các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống lại thuộc về người dân, họ mới là chủ thể sáng tạo nên lễ hội. Do vậy, theo các đại biểu, nên quản lý các lễ hội này theo Luật Di sản đã ra đời trước đó. 

Đại diện Cục Pháp chế, Bộ VH-TT&DL cho rằng, dự thảo nghị định này thực sự là một thử thách với các nhà quản lý bởi tính chất rộng lớn của lễ hội. Dự thảo đã đề cập đến vai trò của Nhà nước khá rõ nét nhưng chưa thấy nói tới vai trò của người tham dự. Đó là thiếu sót của các nhà soạn thảo. Đồng thời, dự thảo lại thiếu đi phần tuyên truyền và giáo dục truyền thống dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội, với vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia để hoàn thiện bản dự thảo nghị định trong thời gian sớm nhất. Bà Ninh Thị Thu Hương cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu khi cần làm rõ khái niệm và đối tượng của nghị định lần này. Việc bóc tách cần được làm kỹ càng hơn trước khi đi đến thống nhất. Sau hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, trong tháng 12-2017, Bộ VH-TT&DL sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành vào quý I/2018.