Bản quyền nhiếp ảnh, mỹ thuật: Kêu mãi cũng... chán

ANTD.VN - Mỹ thuật và nhiếp ảnh là hai lĩnh vực độc lập nhưng có nhiều điểm tương đồng. Vì thế, trong việc xâm hại bản quyền thì các tác giả nhiếp ảnh hay mỹ thuật cũng rơi vào tình huống dở khóc dở cười…

Tác phẩm “Giếng làng” của nhà nhiếp ảnh Lại Diễn Đàm

“Sống chung với lũ”

Vài năm trở lại đây, các nghệ sỹ đã từng có thời gian tuyên chiến với nạn ăn cắp bản quyền  nhiếp ảnh, bản quyền mỹ thuật thì nay phần lớn đều đã thôi bức xúc và bình tĩnh một cách lạ lùng. Đó là những tác giả mà mỗi khi phát hiện ra tác phẩm bị sử dụng “chùa”, sẵn sàng gõ cửa các cơ quan quản lý Nhà nước hòng làm cho “ra ngô ra khoai”.

Cách đây 3 năm, nhiếp ảnh gia Tạ Quang Bảo đã bị một khách sạn 5 sao của Hà Nội tự ý treo 100 bức ảnh của anh mà không xin phép tác giả. Khi phát hiện ra sự việc, tất nhiên, Tạ Quang Bảo đã có ý kiến với phía xâm hại bản quyền.

Bằng thái độ thản nhiên, giám đốc khách sạn đã đồng ý sẽ trả tiền nhuận ảnh nhưng không quên “dằn” rằng: “Nếu nhà nhiếp ảnh đưa giá quá cao, chúng tôi sẽ coi như mua phải đồ giả, sẽ đốt hoặc xé bỏ”. 

Đến nước đó, Tạ Quang Bảo đành xuống thang thương lượng, lấy giá bằng đúng tiền Nhà nước vẫn trả cho một tác phẩm được chọn treo triển lãm là 300.000 đồng. Tổng cộng 100 bức ảnh, khách sạn đã trả cho tác giả 30 triệu đồng, một số tiền chưa đủ chi phí để nhà nhiếp ảnh này có mặt tại Hạ Long khoảng 1 tuần, thuê 2 chiếc tàu ra vịnh, ngồi chờ mặt trời lên rồi mới chụp được 1 tấm ảnh ưng ý.

Sau vụ này, Tạ Quang Bảo có vẻ dè chừng hơn mỗi khi đưa một bức ảnh lên mạng. Anh đóng dấu cẩn thận, thu nhỏ dung lượng của ảnh lại để không ai có thể lấy ảnh rồi đem in ấn. Thế nhưng, những người rắp tâm ăn cắp thì không lấy làm phiền phức về điều này.

Ngay cả ảnh đã đóng dấu thì họ vẫn ngang nhiên lấy rồi xóa dấu đã đóng theo ý họ. Và cũng từ bài học đó, Tạ Quang Bảo dường như đã thản nhiên hơn với thực trạng ăn cắp bản quyền, vì có nói cũng như muối bỏ biển. 

Với họa sỹ Bùi Hoài Mai, một lần, anh đang đi dạo trên phố cổ thì phát hiện tranh của mình bị chép. Tới gần để xem xét kỹ hơn về bức tranh, bỗng anh thấy ai đó vỗ vào vai mình rất mạnh và hỏi anh có mua tranh không hay định chép tranh? Họa sỹ Bùi Hoài Mai đã “đứng hình” trong vài giây, vì đây rõ ràng là tranh của anh, bị người ta ăn cắp, chép lại mà  họ lại làm như anh mới là kẻ đang có ý định sao chép.

Và cũng giống như nhà nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo, họa sỹ Bùi Hoài Mai đã chấp nhận “sống chung với lũ”, thậm chí, họa sỹ này còn cho rằng, tranh của anh được nhân đôi, nhân ba thì coi như là một cách để cái đẹp được quảng bá rộng rãi hơn.

Nói như vậy không phải các tác giả không biết tức giận, bất bình trước nạn xâm phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan, mà đó là một biểu hiện của sự buông xuôi cho yên chuyện, biết hẳn hoi đấy nhưng không có cách nào kêu cho thấu.

Lại trông vào ý thức?

Theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Thái độ dửng dưng ấy là không nên, bởi xét cho cùng việc bảo vệ tác quyền VHNT là bảo vệ quyền lợi cho tác giả, tạo ra nguồn lực thúc đẩy các nghệ sỹ tiếp tục sáng tác nên các nhà nhiếp ảnh, các họa sỹ cần có thái độ kiên quyết và đấu tranh tới cùng”.

Nhưng để đi kiện thì không phải ai cũng có đủ thời gian và sự kiên nhẫn. Nhà nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo cho biết: “Khi xảy ra tranh chấp bản quyền, anh rất ngại theo kiện, vừa mệt mỏi, tốn kém mà nhiều khi hiệu quả lại không cao. Cho nên, cá nhân anh đang áp dụng nhiều biện pháp để chống lại nạn ăn cắp bản quyền như tự in ảnh, làm bo, làm khung và đánh số tác phẩm từ 1 đến 10, người sở hữu bức ảnh cuối cùng sẽ được sở hữu luôn tấm phim”.

Đứng trước vấn nạn, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đưa ra giải pháp: “Các nghệ sỹ phải tự mình nâng cao chất lượng nghề nghiệp, tạo ra các tác phẩm có cá tính riêng, không ai có thể bắt chước”. 

Thực tế không đơn giản như vậy, tác phẩm bị ăn cắp đã đành mà ý tưởng sáng tạo bị ăn cắp cũng đau đầu chẳng kém. Không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt với nạn này.

Dù hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về bản quyền tác giả, tác phẩm là khá đầy đủ như Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, Bộ luật Dân sự, Nghị định 131… nhưng cho tới nay, ý thức sống và làm việc theo pháp luật của người Việt còn yếu, đã dẫn tới nạn vi phạm bản quyền đang nóng hơn bao giờ hết.

Thói quen sử dụng “chùa” cũng tạo nên những hệ lụy rất đáng buồn, làm suy giảm niềm tin cũng như khả năng sáng tạo của người nghệ sỹ, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Do vậy, để đấu tranh với việc vi phạm bản quyền nhiếp ảnh, mỹ thuật nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung, điều quan trọng là người dân cần ý thức đầy đủ về quyền tác giả và các quyền liên quan.