Bài hát Việt tháng 10: Dân gian đương đại lên ngôi

Đúng như dự đoán của báo chí và người yêu nhạc, Bài hát Việt tháng 10 hội tụ nhiều ca khúc "chất" trong nhiều phong cách nhạc. Tuy nhiên, kết thúc đêm diễn, chiến thắng lại thuộc về ca khúc mang phong cách dân gian đương đại - Ông tôi của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến - với hơn 1000 phiếu bầu...

Bài hát Việt tháng 10: Dân gian đương đại lên ngôi

Đúng như dự đoán của báo chí và người yêu nhạc, Bài hát Việt tháng 10 hội tụ nhiều ca khúc "chất" trong nhiều phong cách nhạc. Tuy nhiên, kết thúc đêm diễn, chiến thắng lại thuộc về ca khúc mang phong cách dân gian đương đại - Ông tôi của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến - với hơn 1000 phiếu bầu...

Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn - hai ngả đường...

Khác với sự dự đoán cũng như chờ đợi của báo giới về sự "đụng độ" giữa hai cây viết có thương hiệu trong phong cách dân gian đương đại Lê Minh Sơn và Nguyễn Vĩnh Tiến, họ đã tìm hai con đường khác nhau.

Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn thuỷ chung với dòng nhạc dân gian đương đại trong ca khúc Ông tôi nhưng Lê Minh Sơn đã tìm cho mình một ngả rẽ mới với "Mưa phùn" khi nó mang đậm chất classic. "Cuộc sống quá nhiều những vất vả, bon chen nên tôi muốn gửi đến một ca khúc đơn giản nhất, nhẹ nhàng nhất. Đó cũng là con đường tôi đang đi", Lê Minh Sơn chia sẻ.

Đúng như tâm sự của anh, Mưa phùn thanh thoát và giản dị hơn nhiều so với những ca khúc trước đây "gắn mác" Lê Minh Sơn... Không là Thanh Lam, không là Ngọc Khuê, ca khúc Mưa phùn đã mang đến bởi hoạ mi Khánh Linh. Điều đó có lẽ cũng nói lên phần nào điều anh muốn gửi gắm... Tuy nhiên, cách dẫn dắt vào bài gập ghềnh vẫn đậm chất Lê Minh Sơn - khó lạc.

Riêng Tiến, anh đã không dẫm lên vết chân của mình khi viết Ông tôi nhưng đây cũng không thể coi là một bước tiến nếu có một phép so sánh với Bà tôi - ca khúc đóng đinh tên anh. Điều đáng hoan nghênh nhất ở đây là cái khác. Vẫn dạt dào những cảm xúc nhưng so với Bà tôi, Ông tôi trúc trắc và dữ dội hơn. Với hơn 1000 phiếu bầu qua hệ thống bình chọn của chương trình trong suốt thời gian liveshow, Ông tôi trở đã giành giải thưởng được yêu thích nhất trong đêm diễn.

Ấn tượng Áo mùa đông và Cây vĩ cầm

Cùng viết về đề tài gia đình, Áo mùa đôngCây vĩ cầm đều làm người nghe thực sự xúc động. Nếu Áo mùa đông nói về người mẹ tần tảo, những tình cảm sâu lắng của một người con dành cho mẹ thì Cây vĩ cầm lại nói về hình ảnh của người bố - một người nghệ sĩ - cùng những tình cảm dạt dào của người con.

Cây vĩ cầm đã từng được Thuỳ Chi thể hiện thành công với cách hát giọng giả thanh nhưng Hồ Bích Ngọc đã không ngần ngại thể hiện nó bằng giọng thật. Và Ngọc đã thành công. Đây là ca khúc có ca từ đẹp, phần hoà âm sang trọng, giai điệu có nhiều sáng tạo. Với Cây vĩ cầm, Yến Hoa thể hiện là một tác giả triển vọng. Không có nhiều sáng tạo trong giai điệu nhưng Áo mùa đông cũng có ca từ đẹp, phần hồn sâu lắng. Với Áo mùa đông, Hà Quang Minh đã góp thêm một ca khúc hay vào bộ sưu tập những ca khúc viết về mẹ...

Những ca khúc về tình yêu - bài toán khó giải

Tình yêu là chủ đề được các tác giả chọn nhiều nhất trong liveshow tháng 10. Những cây viết trẻ đã tìm cho mình những cách thể hiện khác nhau về tình yêu đôi lứa. Khi là những bản ballad - Cứ ngủ say (Nguyễn Hải Phong), Lá đắng (Trọng Lập), khi là bản R&B - Giấc mơ (Dương Cầm) hay khi là bản jazz - Tự tình (Đức Thuỵ)... Nhưng dù với cách lựa chọn nào thì tất cả đều diễn tả một tình cảm trong sáng, lãng mạn... Những cây viết trẻ như Dương Cầm, Hải Phong, Đức Thuỵ, Nguyễn Dân tiếp tục thể hiện là cây viết triển vọng. Những ca khúc khá đồng đều này sẽ là một bài toán khó giải cho Hội đồng thẩm định...

PV

Theo VTV