Bài 2: Du lịch - Văn hóa: “Ông chẳng - bà chuộc”

(ANTĐ) - Trong lúc các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô đang loay hoay mài giũa sao cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu của du khách quốc tế thì xem ra thiện chí của các công ty kinh doanh du lịch cũng mới chỉ dừng lại ở khả năng cho phép là “ủng hộ về mặt tinh thần”. Còn đáp lại những lời mời gọi mua vé hay đưa vào tour thì chỉ là những cái lắc đầu nguây nguẩy. Nguyên cớ của thực trạng này lại nằm ở một vấn đề được xem là khó khăn chung của hai bên: lợi ích kinh tế.

Du lịch Hà Nội:

Bài 2: Du lịch - Văn hóa: “Ông chẳng - bà chuộc”

(ANTĐ) - Trong lúc các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô đang loay hoay mài giũa sao cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu của du khách quốc tế thì xem ra thiện chí của các công ty kinh doanh du lịch cũng mới chỉ dừng lại ở khả năng cho phép là “ủng hộ về mặt tinh thần”. Còn đáp lại những lời mời gọi mua vé hay đưa vào tour thì chỉ là những cái lắc đầu nguây nguẩy. Nguyên cớ của thực trạng này lại nằm ở một vấn đề được xem là khó khăn chung của hai bên: lợi ích kinh tế.

>>> Bài 1: Điệp khúc “ăn tối, rối nước”

Thân ai nấy lo…

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch tư nhân khi được hỏi về vấn đề này đều cho rằng họ phải tự lực cánh sinh nên cần tính toán cẩn thận chứ đâu đã dám mạo hiểm mua vé hay đưa vào tour chương trình nghệ thuật nào khác ngoài múa rối nước.

Chẳng ví dụ đâu xa, ngay như ở “Hương sắc Việt Nam”, giữa hai bên du lịch và văn hóa cũng chưa đạt được sự thỏa thuận. Theo ông Trịnh Vũ Thìn - Trưởng phòng biểu diễn Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam thì: “Để chương trình đứng được, phía du lịch phải chấp nhận bỏ tiền ra mua vé”.

Trong khi ấy, mặc dù không phủ nhận giá trị ý nghĩa rất hay của chương trình này song ông Lưu Đức Kế - Giám đốc công ty Bến Thành tourist cũng thẳng thắn bày tỏ băn khoăn: “Chương trình thiếu các gương mặt trụ cột, một số tiết mục đưa vào còn mang tính thách đố, chưa hấp dẫn khách du lịch.

"Vì thế mặc dù ban đầu rất ủng hộ nhưng nhìn nhận lại cũng không thể đưa vào bán vé trong tour. Lời lãi từ tấm vé ấy là không có nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cả tour và công việc kinh doanh lâu dài của chúng tôi”.

Ông Kế cũng cho biết thêm: “Phía nghệ thuật cần phải chấp nhận thiệt thòi bước đầu. Thu được tiền vé trước hay không cũng diễn và thậm chí phải quảng bá bằng cách biểu diễn miễn phí..”.

Trong khi đó các chương trình nghệ thuật thì mới chỉ quan tâm đến việc diễn xuất trên sân khấu chứ chưa quan tâm nhiều vào công tác tiếp thị ngoài cuộc sống. Mà công việc này thì chẳng công ty du lịch nào nhảy vào gánh vác giúp được.

Vì xét cho cùng các đơn vị kinh doanh dù tâm huyết đến mấy cũng ít ai dám hy sinh quyền lợi sát sườn của mình: “Doanh nghiệp chúng tôi còn phải kinh doanh kiếm lời nữa chứ. Trong khi giá vé hàng không, đường sắt, tham quan thưởng thức văn hoá nghệ thuật có hỗ trợ gì cho chúng tôi đâu.

"Giá cả thi nhau đội lên, còn giá tour thì vẫn phải giữ nguyên tính cạnh tranh quyết liệt nên vì lợi nhuận điều tiết, chúng tôi không thể ủng hộ được” - ông Lê Tấn Tri, phụ trách lữ hành công ty Đại Việt tourist chân thành bộc bạch.

Một hình ảnh gây phản cảm với du khách
Một hình ảnh gây phản cảm với du khách

Khách muốn thăm nhưng bảo tàng còn... bận

Trái ngược với sự gấp rút tìm đầu ra của các chương trình biểu diễn nghệ thuật là sự bình tĩnh đến thản nhiên của các công trình bảo tàng và danh lam thắng cảnh.

Lẽ ra đó là những địa chỉ không thể thiếu trong cuộc hành trình khám phá lịch sử văn hóa Việt Nam của các vị khách nước ngoài, nhất lại là ở nơi quy tụ nhiều công trình bảo tàng hàng đầu cả nước như Hà Nội. Song nhiều khi các tour du lịch phải miễn cưỡng từ chối khách hàng chỉ vì… bảo tàng đóng cửa mất rồi!

Thoải mái hơn về thời gian tham quan, song các khu vui chơi hay danh lam thắng cảnh khác như: Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc… cũng chỉ mở cửa theo giờ hành chính nên tính ra, điểm đến của các du khách nước ngoài khi đặt chân đến Hà Nội vào buổi tối ngoài bờ hồ Hoàn Kiếm ra chỉ có các siêu thị, quán bar, khu phố cổ, ẩm thực.

Điều này cũng là một hạn chế khiến các công ty du lịch lúng túng không biết phải xử lý thế nào. “Quỹ thời gian của khách du lịch đâu có nhiều. Có đoàn khách sau khi tranh thủ đi thăm thú thắng cảnh Hạ Long, Sapa, Ninh Bình… mới tranh thủ về đến Hà Nội lưu trú một buổi tối nhưng chẳng  biết giới thiệu cho họ đi đâu cả ngoài lại xem múa rối nước” - ông Lê Tấn Tri cho biết.  

Trên thực tế, các đơn vị kinh doanh du lịch không phải không muốn có thêm nhiều điểm dừng chân văn hoá cho du khách của mình nhưng “lực bất tòng tâm” thế nên quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có... rối nước.

Lời giải cho bài toán văn hóa - du lịch, bao giờ mới có?

Chỉ có thể tạm thời động viên tinh thần chứ chưa mua vé được, song các công ty du lịch cũng đưa ra một số giải pháp với mong muốn giúp đỡ kéo dậy các hoạt động văn hoá truyền thống của ta như: không bán vé mà mở cửa miễn phí để khách du lịch quốc tế vào tham quan thưởng thức.

Lấy thu từ việc kinh doanh dịch vụ để bù vào phần chi kiểu như ở Thái Lan: biểu diễn xiếc rắn thì bán kèm ví da rắn, trình diễn cá sấu thì bán dây lưng cá sấu… Song xem ra giải pháp này sẽ khó mà được các nhà hoạt động văn hoá gật đầu chấp thuận.

Và có muốn làm được điều đó cũng không phải một sớm một chiều, hơn nữa lại cũng chẳng phải chỉ mỗi “ông văn hoá” là quyết được vì như thế có nghĩa là ngoài kết hợp với ngành du lịch còn phải kết hợp với các đơn vị kinh doanh, còn cơ chế hoạt động, còn chờ việc tạo điều kiện, hỗ trợ, định hướng từ cấp trên...

Trong khi đó, khi đem thực trạng rối như tơ vò này đến hỏi Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) thì nhận được câu trả lời: “Mọi việc mới đang bắt đầu triển khai, chuẩn  bị xúc tiến, chưa có gì cả”.

Vậy là chắc chắn các nhà hoạt động văn hoá và đơn vị kinh doanh du lịch còn phải chờ thêm một thời gian chưa rõ là bao lâu nữa để có thể ngồi lại với nhau tìm ra lời giải cho bài toán kết hợp giữa du lịch và văn hoá, chấm dứt kiểu dùng dằng “ông chẳng bà chuộc” như hiện nay.

Bích Hậu- Thu Trang