Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2018:

Ba Vì, Hà Nội: Không để du khách bị "móc túi" khi tham gia lễ hội Tản Viên

ANTD.VN - Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm nay sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25-2-2018 tại di tích lịch sử văn hóa đền Hạ, xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội.

Ba Vì, Hà Nội: Không để du khách bị "móc túi" khi tham gia lễ hội Tản Viên ảnh 1

Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thông tin về lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2018

Không để lễ hội bị lợi dụng

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội truyền thống của huyện Ba Vì, tưởng nhớ công đức của Thánh Tản Viên, vị Thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử” theo quan niệm dân gian của người Việt. Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, cũng trong ngày chính hội 25-2-2018 (Mùng 10 Tết), UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” và lễ khai trương du lịch Ba Vì năm 2018.

Với chủ đề “Du lịch Ba Vì - Điểm hẹn văn hóa”, buổi lễ sẽ diễn ra tại di tích Lịch sử văn hóa đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Lễ dâng hương diễn ra tại di tích Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Tổng thể chương trình lễ hội diễn ra từ ngày 23-2 tới 25-2-2018 (tức từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất).

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú hứa hẹn thu hút người dân địa phương và du khách, ví như các trò chơi dân gian, giao lưu các môn thể thao truyền thống: vật, bóng chuyền, bóng đá, việt dã, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn, đi cà kheo… Đặc biệt, không gian “Chợ quê ẩm thực” cũng sẽ được tái hiện lại chân thực và sinh động tại lễ hội.

Ông Bạch Công Tiến chia sẻ, lễ hội được tổ chức với mong muốn tiếp tục giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, UBND huyện Ba Vì sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các hoạt động diễn ra trong lễ hội. Ban tổ chức cũng nhắc nhở người dân trong việc đặt tiền công đức, đặt lễ đúng nơi quy định.

“Chúng tôi sẽ quản lý chặt và nghiêm, để không xảy ra tình trạng hàng quán “chặt chém” du khách hay du khách bị “móc túi” khi tham gia lễ hội” – ông Bạch Công Tiến khẳng định.

Cụ thể, Ban tổ chức lễ hội sẽ kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, yêu cầu niêm yết công khai giá dịch vụ. Nếu có tổ chức, cá nhân nào lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá trục lợi sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động không lành mạnh như lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn cũng sẽ bị nghiêm cấm.

Ba Vì, Hà Nội: Không để du khách bị "móc túi" khi tham gia lễ hội Tản Viên ảnh 2

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự

Mở ra cơ hội phát triển du lịch

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Ba Vì cho biết, huyện Ba Vì là địa phương có nhiều nơi thờ tự Tản Viên Sơn Thánh với hơn 100 di tích. Mục tiêu của huyện là đưa Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh trở thành lễ hội vùng, có quy mô lớn. Đây là tiền đề quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của không gian lễ hội; thông qua đó, phát triển hơn nữa lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện Ba Vì (26-7-1968/26-7-2018), huyện Ba Vì sẽ cụ thể hóa các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến, phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh nhằm hút khách từ trung tâm Thành phố Hà Nội. Du khách đến với lễ hội Tản Viên Sơn Thánh có thể lưu lại Ba Vì lâu hơn, tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì với hệ thống động thực vật muôn điều kỳ thú, khu di tích K9 Đá Chông, trải nghiệm khu du lịch sinh thái Ao Vua, Khoang xanh Suối tiên...

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh cũng là dịp để huyện Ba Vì giới thiệu tới du khách, doanh nghiệp lữ hành về những nét đẹp văn hóa, lịch sử, con người và ẩm thực địa phương, tạo cơ hội gắn kết giữa các khu du lịch trên địa bàn huyện, mở rộng kết nối tour tuyến trong nước và quốc tế.

Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại huyện Ba Vì, Hà Nội được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30-1-2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của người Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Tản Viên Sơn Thánh; Đồng thời, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tâm linh của nhân dân.