Bà chúa văn học thiếu nhi

(ANTĐ) - Người phụ nữ ấy qua đời vào một ngày cuối tháng 1-2002, hưởng thọ 95 tuổi. Đó là Axtorit Lindogren (Astrid Lindgren) hay gọi nôm na là Axtorit, một cái tên rất đỗi thân quen đối với đất nước Thụy Điển tám triệu dân nói riêng và đối với các bạn đọc nhỏ tuổi ở khắp năm châu nói chung. Nữ văn sỹ đặc sắc này được những người mến mộ suy tôn là Andecxen ngày nay. Từ các vị nguyên thủ Quốc gia đến các bà nội trợ đều say mê đón đọc những tác phẩm của bà.

Bà chúa văn học thiếu nhi

(ANTĐ) - Người phụ nữ ấy qua đời vào một ngày cuối tháng 1-2002, hưởng thọ 95 tuổi. Đó là Axtorit Lindogren (Astrid Lindgren) hay gọi nôm na là Axtorit, một cái tên rất đỗi thân quen đối với đất nước Thụy Điển tám triệu dân nói riêng và đối với các bạn đọc nhỏ tuổi ở khắp năm châu nói chung. Nữ văn sỹ đặc sắc này được những người mến mộ suy tôn là Andecxen ngày nay. Từ các vị nguyên thủ Quốc gia đến các bà nội trợ đều say mê đón đọc những tác phẩm của bà.

Sách của Axtorit Lindogren đã được dịch ra 80 thứ tiếng trên thế giới, trong số đó có những bản dịch ra tiếng Việt. Hơn 40 bộ phim được chuyển thể trong số hơn 100 tác phẩm của bà. Do những cống hiến lớn lao trong lĩnh vực văn học, bà được tặng giải thưởng Cristian Andecxen, tên của bà đã được đặt cho một trong những hành tinh nhỏ bé của Thái dương hệ.

Dưới con mắt của những người đương thời, Axtorit Lindogren được coi là bà chúa văn học thiếu nhi hiện đại. Sáng tác của bà nổi bật từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là giai đoạn thứ ba trong quá trình phát triển văn học thiếu nhi Thụy Điển. Có thể xem đây là một cuộc cách mạng lớn trong văn học thiếu nhi về đề tài, ngôn ngữ, bút pháp và thái độ của người lớn đối với trẻ em.

Trong văn học ở giai đoạn này, thế giới được cố gắng nhìn nhận qua tâm hồn trẻ em chứ không qua lăng kính của người lớn nữa. Tính cách của trẻ em cần được tôn trọng, trẻ em cần được phát triển với mức độ tự do và độc lập nhất định và do đó, dễ xung đột với người lớn. Bởi vậy không nên coi những xung đột ấy là hư hỏng mà phải coi là quá trình trưởng thành tất yếu của trẻ em.

Axtorit Lindogren được coi là nhà văn dân tộc lớn vì những sáng tác đủ thể loại của bà gây nên một âm vang lớn trong tâm hồn Thụy Điển. Truyện của bà viết vừa theo truyền thống truyện thần tiên Bắc Âu vừa miêu tả cuộc sống trong xã hội Thụy Điển của các lứa tuổi và trong những bối cảnh khác nhau đồng thời lại đặt nhiều vấn đề hiện đại, do đó trẻ em và cả người lớn đều mê đọc tác phẩm của bà. Bà cũng chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học thiếu nhi quốc tế.

Nhân vật “nhí” tiêu biểu nhất do bà sáng tạo ra đã xuất hiện trước công chúng độc giả vào cuối những năm 40 và đầu những năm 50 của thế kỷ XX, đó là pipi tóc dài (Pipi Lăngxtrum). Cô bé 9 tuổi này không còn “ngoan” theo kiểu cũ nữa. Táo bạo, tự tin và nghịch ngợm, luôn luôn chủ động làm theo ý muốn của mình, Pipi thể hiện một sức sống mãnh liệt, gắn ước mơ tự do với ý muốn nổi loạn chống lại những ước lệ lỗi thời của người lớn, em thường sử dụng những giáo lý lạc lõng của người lớn để lên án thế giới người lớn. Những tập truyện về “Pipi tóc dài” đặt lại những giá trị xã hội mang tính chất đổi mới trong quan niệm giáo dục thiếu nhi. Nhân vật tí hon này dường như là một bộ phận của phong trào giải phóng phục nữ được dấy lên vào những thập kỷ đó ở Thụy Điển.

Có một điều đáng chú ý là Pipi cũng như hai người bạn thân của em là Tômát và Annica đã uống những viên thuốc đặc biệt để không bao giờ lớn nữa và để mãi mãi là những cô bé, cậu bé 9 tuổi. Các em không già đi vì các em không muốn điều đó, bởi lẽ theo đó Axtorit Lindogren 9 tuổi là lứa tuổi tuyệt vời nhất, hạnh phúc nhất. Pipi sẽ không còn là Pipi nữa nếu em già đi.

Một nhân vật hấp dẫn khác trong sáng tác của nữ văn sỹ được các em rất khoái là Cacxon.

Một cậu bé lúc 8 tuổi sau khi được mẹ đọc cho nghe chuyện “Chú nhóc và Cacxon muốn sống trên mái nhà đã có những biểu hiện bất thường: buổi sáng em dậy một cách uể oải, không chơi bóng trong sân và coi bộ rất mệt mỏi. Mãi sau đó một tuần bố mẹ mới phát hiện ra rằng khi cả nhà đi ngủ thì chú bé lẻn dậy ngồi vào bàn, mở quyển vở ra và hý hoáy chép lại câu chuyện về Chú nhóc và Cacxon “Tại sao con lại làm việc đó?” - bố mẹ em ngạc nhiên hỏi. “Đấy là cuốn sách rất hay - cậu con trai giải thích - nếu không chép lại nhỡ nó bị mất thì con tiếc lắm!”

Một người còn nhớ một chuyện rất thú vị: khi cố Thủ tướng Thụy Điển là Ingơvac Cacxon lần đầu tiên sang thăm Liên Xô, các trẻ em Nga đã tin rằng đó chính là anh chàng Cacxon từng sống trên mái nhà trong tác phẩm của Axtorit Lindogren. Và hễ vị Thủ tướng Thụy Điển xuất hiện ở đâu là các em lại cố nhòm xem ở sau lưng ông có cái chong chóng không. Thậm chí trong một bài diễn văn chính thức, ngài Thủ tướng đã cho phép mình nói đùa rằng ông chính là “nhân vật Cacxon thứ hai” bay đến đất nước vĩ đại này.

Axtorit Lindogren đã dành cả cuộc đời mình cho việc sáng tác phục vụ thiếu nhi. Đó là niềm vui, vừa là trách nhiệm của bà. Nhà văn đã tâm sự: “Tôi suốt đời làm việc vì trẻ em. Có rất nhiều bức thư từ khắp nơi đề nghị tôi giúp đỡ, góp ý kiến, hỗ trợ... Trên toàn thế giới có các trẻ em cần đến sự tham gia của chúng ta. Chúng đau ốm, đói khổ và có khi trở thành những đứa trẻ mồ côi trong lúc bố mẹ chúng vẫn đang còn sống. Và nghĩa vụ của chúng ta là đến giúp đỡ các em nhỏ đó”.

Vào những năm gần đây, Axtorit Lindogren hầu như không ra khỏi nhà, bà hoàn toàn bị mù và điếc. Tuy nhiên, bệnh tật không bẻ gãy được nghị lực sống để sáng tạo và niềm lạc quan của người phụ nữ cao niên ấy. Bà nói: “Công việc là niềm vui lớn nhất đối với tôi suốt cả cuộc đời. Mỗi buổi tối tôi vui sướng nghĩ rằng buổi sáng mai sẽ đến và tôi lại có thể viết”. Đối với câu hỏi “Bà có hạnh phúc không?” Axtorit đáp: “Tôi nghĩ rằng có. Vấn đề ở chỗ hạnh phúc là gì. Tôi có một cuộc sống thú vị, đầy ắp sự kiện. Có thể không phải bao giờ cũng hạnh phúc đều đều nhưng tôi cam đoan rằng không một giờ nào trong cuộc đời tôi lại trôi qua vô ích”.

Nay bà đã đi xa sau khi đặt chân sang thế kỷ XXI nhưng thế giới nhân vật độc đáo do bà sáng tạo ra như Pipi, Cacxon, Êmin... sẽ còn sống mãi trong tâm trí tuổi thơ của nhiều thế hệ.

L.S