Ánh nắng, tinh thần và bí mật khu vườn thượng uyển ở Tây Ban Nha

ANTD.VN - Madrid đón tôi vào một ngày nắng cháy. Tôi đi từ sân bay vào nội thành bằng tàu điện ngầm. Ngoi đầu lên mặt đất ở bến Sol - nơi sầm uất nhất Madrid với tượng con gấu đang kiễng chân - biểu tượng của thành phố, tôi mỉm cười thì thầm với mình trong ánh nắng gay gắt: “Welcome to Madrid!”. 

Đông Ky Sốt - “đặc sản” và là niềm tự hào của Tây Ban Nha

Có nhiều người không thích Madrid, nói rằng nó không đẹp. Nhưng tôi thích Madrid ở một vẻ riêng biệt. Kiến trúc của Tây Ban Nha không thể trộn lẫn vào đâu với những ban công sắt tí hon và cửa ra ban công cao gần tới trần thay cho cửa sổ. Trừ những ngôi nhà chung cư kiểu mới, còn thì người Tây Ban Nha không có truyền thống dùng cửa sổ như người Áo, người Hung, người Ba Lan, người Czech, người Italia hay bất cứ dân tộc nào trên thế giới coi cửa sổ là chuyện đương nhiên.

Họ, ấy cứ là phải mở tung cửa ban công ra cho đã. Ánh nắng và không khí và tinh thần Tây Ban Nha sẽ tràn vào nhà khiến các chủ nhân thêm dồi dào sinh lực. Họ cũng không treo những giỏ hoa lên ban công như cách lãng mạn của người Paris, nếu có thì chỉ là hoa giấy. Cũng có thể chỉ duy nhất hoa giấy mới chịu đựng được cái nắng gay gắt của vùng Địa Trung Hải. 

Mặc dù số lượng quảng trường không nhiều khủng khiếp như Rome song Madrid cũng kha khá Plaza (Tiếng Tây Ban Nha là “Quảng trường”) xinh đẹp mà tiêu biểu là quảng trường Tây Ban Nha với bức tượng đen bất hủ của thầy trò nhà Đông Ky Sốt và sau lưng là cha đẻ của họ, đại văn hào Miguel de Cervantes. Nếu như người Đức tự hào về Goethe, người Anh may mắn có Shakespeare, người Italia ngẩng cao đầu nhờ Dante thì người Tây Ban Nha hạnh phúc vì là quê hương của Cervantes.

Tôi nhắc nhiều đến tinh thần Tây Ban Nha cũng chính là muốn nói về nguồn sáng tạo dồi dào của họ trong mọi lĩnh vực âm nhạc, hội họa, kiến trúc và văn chương. Kể từ ngày ra mắt công chúng lần đầu tiên năm 1605, “Đông Ky Sốt, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha” vẫn luôn giữ vị trí số 1 trong danh sách những cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất mọi thời đại do độc giả bình chọn.

Ở thế kỷ XXI, khi mà Facebook, Twitter và Instagram đã hầu như bá chủ lĩnh vực giải trí, khi mà hành vi đọc sách văn học đã bắt đầu phải được tài trợ, khuyến khích, hô hào, “bảo tồn” gần giống tuồng, chèo, kinh kịch thì bất kỳ người nào cũng vẫn hiểu được từ “Đông Ky Sốt” là hàm ý gì, cho dù chưa bao giờ cầm đến cuốn sách của Cervantes. 

Cervantes, con người xa lạ cả về không gian, thời gian và tiếng tăm khổng lồ, người có số phận thăng trầm chẳng kém Victor Hugo hay Pushkin, người đã từng đến Rome làm trợ lý cho Hồng y giáo chủ, từng tham gia trận Lepanto chống quân Thổ như một hiệp sĩ Đông Ky Sốt khờ khạo, từng bị cướp biển Algeria giam giữ nhiều năm trời ở Bắc Phi, và từng bị ngồi tù ở Seville vì tội thuế khóa không rành mạch, giờ đang ở trước mặt tôi, trên một phiến đá trắng, gầy gò trong chiếc áo choàng, với chòm râu rậm rạp và dáng ngồi chẳng ra cao quý, chẳng gần khổ hạnh.

Dù được làm bằng đá và ánh mắt vô định trước thời gian, Người vẫn gần gũi với tôi biết chừng nào. Cả tuổi thơ trên con phố bụi mù thời bao cấp, giữa những trưa nắng hè, tôi bật cười một mình với thầy trò nhà Đông Ky Sốt ngốc nghếch, và tôi đã quen thuộc với Cervantes từ những ngày trong veo ấy. 

Tất cả các khách du lịch đều muốn trèo lên chân bức tượng hai nhân vật bất hủ để chụp ảnh: Đông Ky Sốt cao lòng khòng với con ngựa còm có cái tên mỹ miều Rocinante và bác giám mã Sancho Panza mập ú trên lưng con lừa cũng mập lùn như vậy. Đông Ky Sốt giờ cũng đã là một “đặc sản” của Tây Ban Nha.

Khu vườn thượng uyển Aranjuez

Người Tây Ban Nha hẳn là được trời phú cho mã gene phát triển nghệ thuật và đặc tính phóng khoáng. Sự khoáng đạt này đương nhiên thổi hồn vào những sáng tạo và khám phá khiến các tác phẩm nghệ thuật của Tây Ban Nha trở thành khó lẫn. Và cũng có phải vì thế mà khi Christophe Colombo đệ trình đơn xin tài trợ cho chuyến thám hiểm châu Mỹ của mình lên triều đình Bồ Đào Nha thì bị từ chối, trong khi Hoàng đế Tây Ban Nha lại đồng ý ngay lập tức.

Rõ là nhờ có khoản tiền tài trợ của người Tây Ban Nha mà nhân loại mới có được châu Mỹ và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như ngày nay. Hồi ở Manila, tôi chứng kiến nhiều dấu vết nghệ thuật của người Tây Ban Nha để lại cho các cư dân đảo Philippines từ thời thuộc địa, chúng đã hòa quyện với sự sôi nổi đầy tính tương đồng của người bản địa, đặc biệt là trong âm nhạc và hội họa. 

Những ngày đến Madrid, tôi muốn lắm được tới thăm khu vườn thượng uyển Aranjuez, nguồn cảm hứng cho tác phẩm bất hủ “Concierto de Aranjuez” của Joaquin Rodrigo (1901-1999), một trong những soạn gia lừng danh nhất thế kỷ XX. Lúc ở nhà, tôi nghe Aranjuez hàng ngày, mà tôi coi như thánh ca của cuộc đời mình. “Concierto de Aranjuez” có tới hàng nghìn hợp âm cho guitar, saxophone, piano, violon… nhưng tôi chỉ thích nghe tiếng sáo quạt của Gheorghe Zamfir.

Nhà văn Di Li

Qua tiếng sáo của thần Pan Flute (Theo thần thoại Hy Lạp, thần Pan nửa người nửa dê đem lòng yêu tiên nữ Syrinx. Một lần nọ, tình cờ bắt gặp Syrinx trong rừng, thần Pan bèn bám theo để ôm cho bằng được. Tiên nữ sợ chết khiếp ngoại hình của Pan liền bỏ chạy. Đến đường cùng, bị con sông chắn ngay trước mặt, Syrinx bèn cầu xin thần sông giúp đỡ. Thần sông liền biến nàng thành cây sậy. Tuyệt vọng, thần Pan bèn cắt thân cây sậy làm sáo) ấy, những giọt sầu muộn rơi lã chã trong khu vườn hoàng gia ươm đầy nắng hạ. 

Khu vườn Aranjuez vì thế trở thành cảm hứng chủ đạo cho một chương bi tráng nhất trong tiểu thuyết “Câu lạc bộ số 7” của tôi. Nhạc sĩ thiên tài khiếm thị người Tây Ban Nha chưa bao giờ và không bao giờ được nhìn thấy khu vườn Aranjuez. Ông chỉ cảm được nó qua những lời kể của vợ. Năm 38 tuổi, Joaquin Rodrigo viết bản nhạc này khi đứa con đầu lòng của ông bị mất ngay từ lúc mới sinh.

“Concierto de Aranjuez”, vì thế mang vẻ đẹp buồn thương da diết, vẻ đẹp của sự mất mát u uẩn ngay cả khi thiên nhiên tuyệt vời đang ngập tràn ánh nắng. Joaquin Rodrigo chỉ “nhìn thấy” khu vườn qua lời kể của người vợ kết hôn khi tuổi đã muộn màng. Và tôi nhìn thấy khu vườn ấy qua những giai điệu quặn thắt của Rodrigo. Tôi biết như mọi lần, hiện thực luôn trở nên đáng thất vọng chỉ vì tôi đã tô điểm cho chúng quá đẹp trong trí tưởng tượng, nhưng vẫn không thể nhịn lòng thôi khao khát được nhìn thấy Aranjuez bằng xương bằng thịt.

Cung điện Hoàng gia Aranjuez nằm cách Madrid 50km. Đi đến đó chỉ mất một tiếng đồng hồ, nhưng tôi sợ bị các thành viên trong đoàn mắng vì cái tội lúc nào cũng thích lâu đài, mà lâu đài nào chẳng giống lâu đài nào, cũng kèo cũng cột trang hoàng lộng lẫy như nhau, cũng tam cấp bao lơn phù điêu, tranh trần na ná thế, xem một chiếc là biết được cả châu Âu rồi. Cuối cùng, đêm ấy đành nghe Aranjuez suông qua iPhone. 

Ai cũng có một khu vườn bí mật tuyệt đẹp nằm yên đâu đó trong ký ức. Tôi nghĩ lại, lần sau nếu có tới Tây Ban Nha, cũng sẽ không tìm đến vườn thượng uyển Aranjuez nữa. Hẵng cứ để nguyên đó là khu vườn Tây Ban Nha vĩnh cửu trong trí tưởng tượng. Mà chẳng phải rằng, chỉ riêng Tây Ban Nha thôi đã là một khu vườn bất tận của hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc và văn học rồi đó sao?