"Ăn Tết": Cổ truyền hay hiện đại?

ANTD.VN - Tết Nguyên đán còn được gọi là “Tết cả” - Tết lớn nhất, kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, mang tính linh thiêng, đón chào năm mới, mọi người chúc nhau sức khỏe, làm ăn ngày một khấm khá hơn. Trong những năm trở lại đây, “ăn Tết” cổ truyền theo hướng hiện đại đang trở thành một xu hướng, nhiều người Việt chọn xuất ngoại dịp Tết, hoặc nếu ở nhà đón Tết thì cũng không quá cầu kỳ, câu nệ trong việc chuẩn bị đến mức phải “sợ”… Tết, “ngấy”… Tết hay “mệt”… vì Tết.

Ăn Tết cổ truyền theo hướng hiện đại đang được nhiều gia đình Việt lựa chọn

Nét truyền thống tốt đẹp trong dịp Tết cần phải giữ gìn

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng nếu chỉ hiểu “ăn Tết” theo đúng nghĩa truyền thống thì hơi bị hẹp, bởi vì Tết là phong tục cổ truyền được phân bố theo thời gian trong một năm của công việc trồng lúa, và được tính theo lịch âm dương và hệ can chi phương Đông nên bao giờ Tết Nguyên đán (Tết ta) cũng chậm hơn Tết Dương lịch (Tết Tây) chừng trên dưới 1 tháng.

Lễ Tết gồm 2 phần, lễ cúng tổ tiên và ăn uống trong sự quây quần sum họp gia đình. Nhưng trong hoàn cảnh hiện thời của Việt Nam phát triển, người Việt đã không còn “khuôn Tết” vào việc ăn Tết nữa mà Tết đã được hiểu và được thực hành theo nghĩa chơi Tết. Chơi ở đây không chỉ là loanh quanh họ hàng, làng xóm mà còn đến các vùng miền khác của đất nước, ví như mùng 6 tháng Giêng các gia đình có thể cùng nhau tới Lễ hội Cổ Loa, ngày 13 tháng Giêng có thể về Hội Lim nghe quan họ... Bên cạnh đó, người Việt giờ còn có xu hướng sang cả trời Âu chơi Tết.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, những nét truyền thống tốt đẹp trong dịp Tết vẫn cần phải giữ gìn. “Người Việt thường nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, tuy nhiên theo tôi, hiện giờ người mình có thể linh động sắp xếp đến thăm, chúc nhau, không nhất thiết thứ tự thời gian như thế”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ. Vì vậy, việc mỗi người sang nhà cha mẹ, thầy cô trong dịp Tết Âm lịch nên thực hiện theo tâm thức, theo tình cảm và có thể thay đổi về mặt thời gian sao cho thuận tiện, điều ấy có thể gọi là sự tùy duyên.

Ủng hộ việc ăn Tết theo xu hướng của thời đại mới

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ủng hộ việc ăn Tết theo xu hướng hiện đại. Theo bà, những người lớn tuổi có sức khỏe hay những người trẻ có điều kiện chọn đi du lịch trong dịp Tết là xu hướng của thời đại mới. Tết Nguyên đán là dịp nghỉ ngơi, không nên thêm nhiều nặng nề, mệt nhọc. 

Những ngày giáp Tết, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sẽ đạp xe quanh hồ Tây ngắm cảnh mọi người mua cành đào, cây quất tấp nập và đi chơi chợ hoa. Mặc dù ở Hà Nội lâu năm, nhưng có năm nhà thơ chọn lên Sa Pa ăn Tết với đồng bào người dân tộc Dao. “Người dân trên núi cao họ đổ về thị trấn trong những bộ trang phục truyền thống sắc màu, họ ca hát, trò chuyện, cùng tôi chơi đá cầu. Tôi năm ấy đã có một cái Tết phong phú khi biết thêm về văn hóa đón Tết tại các vùng miền Việt Nam”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

Hòa nhập chứ không hòa tan

Mặc dù đồng tình với xu hướng ăn Tết hiện đại, Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân lại hy vọng những người Việt ăn Tết Nguyên đán “hòa nhập chứ không hòa tan”. Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ, năm nay, cô sẽ dành trọn vẹn 3 ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết để quây quần bên gia đình, đi lễ chùa cùng người thân, chúc Tết họ hàng. Sau đó, cô sẽ chuẩn bị cho chuyến du lịch châu Âu hứa hẹn có thêm nhiều trải nghiệm lý thú trong dịp năm mới.

Hầu hết, mọi người đều cho rằng tục cúng ngày 23 Tết và thả cá xuống sông Hồng, tục đi thăm mộ tổ tiên và mời các cụ về nhà ăn Tết, tục cúng ngày 30 Tết và đêm Giao thừa, làm mâm cỗ theo truyền thống của người Hà Nội... thì không thể bỏ được.

“Tôi ủng hộ việc ăn Tết theo xu hướng hiện đại. Những người lớn tuổi có sức khỏe hay những người trẻ có điều kiện chọn đi du lịch trong dịp Tết là xu hướng của thời đại mới. Tết Nguyên đán là dịp nghỉ ngơi, không nên thêm nhiều nặng nề, mệt nhọc. Người dân trên núi cao họ đổ về thị trấn trong những bộ trang phục truyền thống sắc màu, họ ca hát, trò chuyện, cùng tôi chơi đá cầu. Tôi năm ấy đã có một cái Tết phong phú khi biết thêm về văn hóa đón Tết tại các vùng miền Việt Nam”.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Đồng thời, không nên bày vẽ mua sắm quá nhiều cho người phụ nữ trong gia đình bớt nhọc, nhiều gia đình đã bỏ thói quen tích trữ, chất đầy đồ ăn trong tủ lạnh dịp Tết kẻo gây lãng phí, bởi hiện nay mùng 1, mùng 2 Tết đã có chợ họp hoặc siêu thị mở cửa.

Đã có năm, bún ốc, bánh đa cua lên ngôi trong dịp Tết ở Hà Nội do mâm cỗ Tết quá béo và quá ngấy.

Các món ăn ngày Tết hiện nay đã sinh động hơn, nhiều gia đình vì quá bận rộn đã chọn ăn Tết tất niên bằng tiệc buffet để mọi người tự do chọn món; hay, mâm cỗ Tết vẫn không thể thiếu bánh chưng, “giò, nem, ninh, mọc” nhưng người phụ nữ hiện đại không làm những món xào, chiên quá ngấy mà có cả những món thanh đạm. Khi ăn cơm, mọi người trong gia đình không ép ăn, không cố gắp đầy bát cho nhau. 

Mặc dù cách đón Tết có nhiều thay đổi, song mỗi người đều hướng về nguồn cội theo một cách riêng. Một điều đặc biệt đối với trẻ nhỏ, luôn vui mừng khi nhận được phong bì mừng tuổi đỏ may mắn và đã có trường hợp các em nhỏ so sánh ai mừng tuổi nhiều hơn, ít hơn, mong được nhiều tiền mừng tuổi hơn các bạn.

Hiểu được điều ấy, nhiều người lớn cũng đã chọn mừng tuổi trẻ con theo cách mới như tặng trẻ nhỏ sách vở, quần áo đẹp, đồ chơi và mừng tuổi chỉ thuần túy với câu chúc chăm ngoan, học giỏi.

“Người Việt thường nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, tuy nhiên theo tôi, hiện giờ người mình có thể linh động sắp xếp đến thăm, chúc nhau, không nhất thiết thứ tự thời gian như thế”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ. Vì vậy, việc mỗi người sang nhà cha mẹ, thầy cô trong dịp Tết Âm lịch nên thực hiện theo tâm thức, theo tình cảm và có thể thay đổi về mặt thời gian sao cho thuận tiện, điều ấy có thể gọi là sự tùy duyên”.

         PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái

Nên đón Tết đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm

Hầu hết các gia đình người Việt, Tết Nguyên đán luôn là kỳ nghỉ được mong chờ nhất trong năm bởi đây không chỉ là việc gìn giữ truyền thống văn hóa có từ nghìn xưa mà còn là cơ hội để đoàn tụ gia đình, giúp chúng ta tái tạo sức lao động sau một năm lao động miệt mài. 

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, kỳ nghỉ này cũng phát sinh không ít hệ lụy đáng tiếc. Nó khiến không ít cá nhân trì trệ, lười biếng, bắt nhịp chậm trở lại với công việc. Điều này còn kéo dài đến cả tháng sau Tết. Đây cũng là dịp một số cá nhân lợi dụng để chạy vạy, biếu xén nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân.

Ngoài ra, việc ăn uống vô độ, bia rượu chúc tụng tràn lan từ nhà này đến nhà khác trong những ngày Tết cũng đã khiến không ít người phải nhập viện, thậm chí tử vong ngay trên đường đi chúc Tết. Theo tôi, để Tết thực sự là những ngày vui và có ý nghĩa, chúng ta cần thay đổi cách đón Tết theo hướng đơn giản, gọn nhẹ và đỡ tốn kém hơn.

Bên cạnh việc gìn giữ những tục lệ như thờ cúng tổ tiên, chúc Tết, đón Giao thừa, ăn bánh chưng, mừng tuổi cho người thân, ông bà con cháu quây quần bên nhau vào ngày đầu năm mới, thời gian còn lại người dân có thể đi tham quan, du lịch… 

Anh Hà Anh (Khu chung cư Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội)

Hãy đón Tết thật vui chứ không chỉ lo mâm cao cỗ đầy 

Nhắc đến Tết, người ta thường nghĩ ngay đến mâm cao cỗ đầy do đây là ước mong sự no ấm, thịnh vượng của mỗi gia đình. Đó cũng là lý do mà từ xa xưa dân gian quen gọi là “ăn” Tết thay vì “chơi” Tết. 

Chỉ vì sự mong muốn ấy mà ngay từ trước Tết, những người phụ nữ trong các gia đình đã phải vật vã với câu hỏi “Tết ăn gì?”; “Tết sắm gì?”…, để rồi trong và sau Tết họ lại tất bật với cả “núi” thực phẩm, những căn bếp có vô số món ăn. Nhưng trên thực tế, số thức ăn mà gia đình họ tiêu thụ chẳng đáng là bao so với số đã chế biến.

Và thế là rất nhiều thức ăn thừa đã bị đổ bỏ vô tội vạ. Như vậy, mâm cao cỗ đầy nhiều khi chẳng khiến con người gần nhau hơn, thậm chí nhiều gia đình còn xảy ra lục đục. Những người vợ, người mẹ vất vả cả năm, đến Tết lại nai lưng ra lo cỗ bàn, phục vụ hết hội này đến nhóm nọ thì Tết với họ chẳng khác nào thảm họa.

Phần đông trong số họ đều mong muốn có một ngày nghỉ đúng nghĩa để có thể thoải mái nghỉ ngơi, xem một chương trình truyền hình yêu thích hay xúng xính váy áo ra ngoài hàn huyên với những người bạn lâu ngày chưa gặp.

Đã đến lúc cần phải đón Tết theo một cách khác, vừa vui vừa tiết kiệm tiền bạc, lại đảm bảo cho những người phụ nữ có thời gian đón Tết như mọi thành viên trong gia đình. Ngoài sự tự vận động của mỗi người dân, các đơn vị quản lý cần tổ chức những điểm vui chơi giải trí đậm tính văn hóa dân tộc nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia với các trò chơi cổ truyền, đặc biệt là những trò chơi dành cho trẻ em.

Chị Phan Hồng Hà (Đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội)

         Huệ Linh