Ấm lòng tiếng Hà Nội

(ANTĐ) - LTS: Đúng dịp đầu năm 2011, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai út của nhà văn Tô Hoài gửi đến tòa soạn Báo ANTĐ bài viết mới nhất của nhà văn. Bài viết đã cho thấy nỗi lòng trăn trở của tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ”... về “tiếng Hà Nội”, thứ tiếng nói không chỉ được biết đến như một chuẩn mực về âm điệu, mà còn thể hiện khí phách, cốt cách và tâm hồn người Hà Nội, người Việt Nam. Để bất cứ ai đi xa, khi nhớ về Tổ quốc lại nhớ ngay đến câu “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...”.   

Ấm lòng tiếng Hà Nội

(ANTĐ) - LTS: Đúng dịp đầu năm 2011, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai út của nhà văn Tô Hoài gửi đến tòa soạn Báo ANTĐ bài viết mới nhất của nhà văn. Bài viết đã cho thấy nỗi lòng trăn trở của tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ”... về “tiếng Hà Nội”, thứ tiếng nói không chỉ được biết đến như một chuẩn mực về âm điệu, mà còn thể hiện khí phách, cốt cách và tâm hồn người Hà Nội, người Việt Nam. Để bất cứ ai đi xa, khi nhớ về Tổ quốc lại nhớ ngay đến câu “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...”.   

“Em có ý kiến”
“Em có ý kiến”

Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 535 ngày 3 tháng 11 năm 1979 đăng bài Tìm một địa phương làm mẫu mực cho tiếng phổ thông của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Trong bài, nhạc sĩ bàn chuẩn mực hóa cách phát âm tiếng Việt có nghĩa là đi tìm một nơi làm “trung tâm tiêu chuẩn của tiếng phổ thông Việt Nam”. Đây là một vấn đề lớn, có nhiều sưu tầm công phu mà Lưu Hữu Phước đã nêu. Và tác giả đã để tâm khá kỹ về vấn đề này.

Tôi không có ý thảo luận về những vấn đề Lưu Hữu Phước đã nêu. Bởi tôi không đủ am tường thực tế, so sánh, đối chiếu nhiều nơi, nhiều khía cạnh mà Lưu Hữu Phước đã công phu tìm tòi, suy nghĩ và khám phá ra nhiều chi tiết độc đáo trong khi nghiên cứu về chuẩn mực hóa cách phát âm tiếng Việt.

Tôi chỉ có một số hiểu biết tự nhiên, vì tôi vốn sinh trưởng ở Hà Nội. Tôi nói những điều mình đã tai nghe mắt thấy ở một vùng nhất định: Hà Nội và xung quanh. Tại sao xưa nay cứ mặc nhiên như tiếng Hà Nội và tiếng Sài Gòn là chuẩn mực của các phát thanh viên của đài ở hai vùng đô hội nhất đất nước. Xin nêu lên những cái biết và những cái nghĩ của tôi.

Lưu Hữu Phước viết “…trong thành phố Hà Nội và ngoại ô cũ, ngay một số làng ở phía tây bắc, cách đây vài mươi năm còn phát âm dấu “sắc” dấu “huyền” không giống ở bờ hồ Hoàn Kiếm hoặc chợ Đồng Xuân… Về thanh điệu: Hà Nội có thể làm mẫu mực cho tiếng Việt phổ thông, chỉ trừ một số người ở làng Bưởi có giọng gần với giọng huyện Đan Phượng và một số huyện Sơn Tây (cũ)”.

Tôi được chứng kiến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày mà biết được “trong thành phố Hà Nội và ngoại ô cũ” của tiếng Hà Nội có những cái khác nhau như Lưu Hữu Phước nêu. Nhưng đi vào mọi mặt và về ngôn ngữ để tìm ra và phân tích được cái khác nhau ấy thì tôi lại thấy là không nên so sánh như thế, không nên xem ngang nhau “tiếng bờ hồ Hoàn Kiếm hoặc ở chợ Đồng Xuân” với tiếng vùng ngoại ô. Bởi sự hình thành và nguồn gốc tạo nên tiếng nói giọng nói hai vùng này hoàn toàn khác nhau.

“Tiếng bờ hồ Gươm” là tiếng Hà Nội và tiếng ngoại ô là tiếng các làng. Cắt nghĩa ra gốc gác hai thứ tiếng ấy, có nhiều điều khác biệt đáng lưu ý và cần đi sâu.

Tiếng Hà Nội - tôi tạm khoanh vùng một ước lượng theo địa giới thành phố thời thuộc Pháp và trước nữa, như đại để lấy tiếng nói những nơi có người ở trong địa giới thành phố cũ, ang áng với những khu vực những “ba mươi sáu phố phường” đời trước. Trung tâm thời ấy còn nhỏ hẹp, Hà Nội chỉ có diện tích từ vùng hồ Gươm ra cho đến một rẻo dưới chân cầu Long Biên tiếp giáp với Bãi Giữa rồi lên đầu ô Yên Phụ, bên kia tới làng Thụy Khuê, phía Nam xuống đến Vọng và Bạch Mai. Từ các phía ấy trở vào tới vùng hồ Gươm là nơi phố phường đô hội lâu đời và trong tiếng nói cho nhiều sự việc để xác định tiếng ấy là tiếng tiêu chuẩn của cả nước.

Người vùng giữa Hà Nội nói tiếng Hà Nội. Thuở tôi mới ở tuổi “để chỏm”, còn nghe người trong làng gọi tiếng Hà Nội là tiếng Kẻ Chợ. Xưa nay, người và địa phương nào trong nước đến ở Hà Nội, đầu tiên cũng nói giọng quê mình, tiếng Thái Bình, tiếng Thanh Hóa, tiếng Nghệ, tiếng Huế, tiếng Nam Trung bộ, tiếng vùng Nam bộ rồi khi người ấy ở Hà Nội lâu tiếng địa phương cứ pha dần, nhạt dần. Trong khi đó, tiếng nói có giọng Kẻ Chợ thì cứ tăng dần: Nếu người ấy còn trẻ, hoặc đến đời con cái thì trong nhà mới hoàn toàn nói tiếng Hà Nội.

Vùng Hà Nội này là một vùng tụ hội đã lâu đời theo tính cách một vùng trung tâm, vùng phát tích của dân tộc, ít nhất đã đông đúc từ khi người ta tụ hội và gọi thành tên là Kinh đô Thăng Long. Thăng Long trước khi là Thăng Long đã là nơi người các nơi trong nước đến ở qua tất cả mọi đời. Có chỗ ở rồi người ta mới đặt tên cho nơi ở. Bây giờ thói quen ấy vẫn còn. Mọi triều đại, trải hàng nghìn năm, từ họ Hồng Bàng vua nước Văn Lang chia nước thành 15 bộ. Hà Nội lúc đó đã là nơi trung tâm bộ Giao Chỉ. Đến trước Công Nguyên 1 thế kỷ, Hà Nội đã có tên là Long Biên.

Sự tụ hội từ các nơi đến ở một nơi ấy đã chung đúc nên tinh hoa dân tộc trong mọi lĩnh vực, từ tư tưởng đến sinh hoạt của con người, trong đó có tiếng nói. Chính bao nhiêu thứ tiếng nói địa phương trộn lại đã tạo thành tiếng Hà Nội. Không phải và chưa bao giờ Hà Nội là tiếng nói một làng, một xã, một phường thợ. Ngày trước, người ta đã thường nhận xét tiếng Kẻ Chợ (không phải người Kẻ Chợ tự nhận mình, mà người ngoại ô, người các nơi khác gọi như thế) không giống tiếng làng nào, vùng nào.

Nếu ở giữa Hà Nội, tiếng và giọng nói đã thuần nhất vậy thì các vùng quanh Hà Nội (ngay các xóm chân thành ở ngoài các cửa ô, tiếng và giọng nói đã từng làng khác nhau với tiếng ở trung tâm và cũng khác cả tiếng từng làng) có khi mỗi xóm rất nhỏ, cách một con đường, một cánh đồng, tiếng đã khác, như tiếng làng Sài khác mà tiếng làng Bái, tiếng Đoài khác tiếng bên trại Kho Than. Chỉ những người đi nhiều, sam nước, tiếng quê của người ấy mới nhạt đi, còn bà con thường chỉ ở trong làng đến bây giờ ít ra khỏi làng cũng phân biệt được tiếng nghe giọng vẫn biết là khác nhau.

Tiếng làng Bưởi hay làng Cổ Nhuế và một số nơi ở Sơn Tây cũ, như Lưu Hữu Phước đã nêu chứng minh rồi đi vào phân tích ngôn ngữ các vùng trên. Nói thế chưa chính xác, chưa đúng và không thể gộp mấy vùng làm một như thế được.

Không có làng nào tên là làng Bưởi, mà chỉ có một vùng tên là vùng Bưởi. Theo các cụ ở địa phương nói: vùng Bưởi ngày trước gồm “Ba làng Yên Thái, bốn làng Nghĩa Đô” (Ba làng Yên Thái: làng Đông, làng Thọ, làng Yên Thái). Ngày xưa còn gọi ba làng này theo tên chung là Ba Làng. Bốn làng Nghĩa Đô: làng Tân, làng Nghè, làng Dâu, làng Yên Phú. Ngày trước, cũng gọi làng Yên Phú là làng Nghĩa Đô. Vùng này ở ven nội giọng nói bảy làng khác nhau cả bảy. Người trong vùng, thoạt nghe cất tiếng đã biết được cô ấy người làng Đông hay người làng Yên Phú mà trong khi đó không ai phân biệt được người bờ hồ Gươm nói khác tiếng người phố Hàng Giấy thế nào, các phố ở trung tâm Hà Nội nói như nhau).                                   

(Còn nữa)

Tô Hoài