Ảm đạm thị trường xuất bản

(ANTĐ) - Hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 của ngành xuất bản đã được tổng kết, đánh giá khá cụ thể trong Hội nghị giao ban hôm qua (6-8) do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức. Không căng thẳng như nhiều cuộc hội thảo khác về xuất bản hồi đầu năm, song những bản báo cáo của các lãnh đạo ngành và tham luận của các đại biểu suốt một ngày trời cũng kịp cho thấy một khuôn mặt nhiều phần ảm đạm của thị trường xuất bản nước nhà trong bối cảnh hiện tại.

Ảm đạm thị trường xuất bản

(ANTĐ) - Hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 của ngành xuất bản đã được tổng kết, đánh giá khá cụ thể trong Hội nghị giao ban hôm qua (6-8) do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức. Không căng thẳng như nhiều cuộc hội thảo khác về xuất bản hồi đầu năm, song những bản báo cáo của các lãnh đạo ngành và tham luận của các đại biểu suốt một ngày trời cũng kịp cho thấy một khuôn mặt nhiều phần ảm đạm của thị trường xuất bản nước nhà trong bối cảnh hiện tại.

Sự ảm đạm, nghèo nàn của thị trường sách sẽ là thiệt thòi lớn của ngành xuất bản
Sự ảm đạm, nghèo nàn của thị trường sách sẽ là thiệt thòi lớn của ngành xuất bản

Sách giảm thảm hại

Tổng số sách được cho ra lò trong 6 tháng đầu năm là 9.840 cuốn, chỉ đạt 93,4% so với cùng kỳ 2007, nhưng đó là con số ảo, vì thực chất có tới hơn 4.000 cuốn là kế hoạch xuất bản từ năm 2007 chuyển sang. Do đó, lượng sách thực tế mà 55 “nhà” làm được trong nửa đầu năm nay chỉ có 16% so với đăng ký. 

Việc giá giấy tăng đột biến có thể là một lý do quan trọng khiến nhiều “nhà” lao đao, song nếu nhìn vào bảng tổng kết phân loại cơ cấu đề tài xuất bản phẩm có thể đoán rằng sự tình nằm ở tình trạng “xuống dốc thê thảm của sách văn học” như nhận xét của ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản.

Chứng cứ là lượng sách khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chính trị, pháp luật đều nở rộ cả về số cuốn lẫn số bản in, vượt quá chỉ tiêu kế hoạch. Sách văn hóa - tôn giáo - nghệ thuật, từ điển, ngoại văn cũng có giảm song không đáng kể.

Riêng sách văn học chỉ có 985 cuốn với 1,1 triệu bản in - trong khi đó con số của thời gian này năm 2007 là trên 1.200 cuốn với trên 1,6 triệu bản. Ngoại trừ việc suy giảm mang tính tích cực của loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sự ảm đảm, nghèo nàn của thị trường sách văn hóa - văn học là một thiệt thòi lớn của ngành xuất bản.

Tình hình không mấy khởi sắc khi nhiều nhà xuất bản than rằng: những vướng mắc, bỡ ngỡ về vấn đề bản quyền cũng khiến họ ngày càng khó khăn hơn khi muốn xuất bản các tác phẩm văn học hay truyện tranh nước ngoài.

Cáo buộc của thương hiệu Walt Disney đối với nhiều NXB Việt Nam vẫn đang là cái án treo lơ lửng chưa giải quyết xong khiến cho những “nhà” không liên quan đến vụ này cũng ngại ngần hơn. Bên cạnh đó, giao dịch mua bán bản quyền với đối tác nước ngoài không hề đơn giản, nhiều khi chấp thuận hết các yêu cầu của đối tác lại là một bất lợi của NXB khi xin được giấy phép trong nước.

Trường hợp các bộ truyện tranh Nhật Bản đọc ngược từ sau qua trước, từ phải sang trái là một ví dụ điển hình. Trong khi đó, sách văn học Việt Nam lại đang thiếu trầm trọng bản thảo. Có thể việc liên tục có những cuốn sách bị thu hồi hay hạn chế vì những vấn đề liên quan đến quy trình xuất bản hay nội dung nhạy cảm cũng khiến các cây bút e dè hơn khi công bố tác phẩm.

Việc thu hồi sách luôn là điều đáng tiếc ở bất kỳ ngành xuất bản nào mà lỗi trước hết thuộc về các NXB khi không thực hiện đúng quy định xuất bản cũng như công tác kiểm duyệt trước in ấn của lãnh đạo ngành chưa thực sự chặt chẽ.

Dỡ và dựng các hàng rào pháp lý

Theo Luật Xuất bản sửa đổi bổ sung vừa được Quốc hội thông qua thì từ nay, trước khi xuất bản, các NXB phải đăng ký với Bộ Thông tin - Truyền thông và phải được Bộ đồng ý, xác nhận bằng văn bản mới được coi là “xong”.

Điều này có thay đổi so với trước đây khi các NXB chỉ cần báo cáo, không cần đợi Bộ trả lời. Thêm vào đó, các NXB không còn được xuất bản sách tự do về đề tài, thể loại nữa. Tất cả những bản thảo không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NXB sẽ bị khước từ cấp giấy phép.

Và tất yếu, nếu một cuốn sách ra lò có nội dung không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NXB đó sẽ bị thu hồi. Với quy định này, cánh cửa xuất bản dường như ngày càng đang đóng hẹp lại với nhiều cây bút và tác phẩm.

Nếu có một chỗ thoáng trong Luật sửa đổi thì đó chính là cách trình bày bìa sách được tranh cãi suốt năm qua. Các nhà sách tư nhân có thể thở phào nhẹ nhõm trở lại khi Luật bỏ đi các quy định khắt khe về vị trí tên và logo của đối tác liên kết xuất bản.

Các NXB hoàn toàn tự do trong việc trình bày bìa sách, chỉ cần lưu ý những thông tin bắt buộc phải ghi, không cần quan tâm đến vị trí trừ một số trường hợp đặc biệt được đề rõ trong Luật, như vậy quyền lợi của đôi bên NXB - Nhà sách vẫn được đảm bảo vẹn toàn.

Điều đáng tiếc nhất của Luật Xuất bản sửa đổi bổ sung có lẽ chính là những quy định để hạn chế nạn sách lậu. Việc đưa ra luật: phát hành xuất bản phẩm phải có hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ không đủ để ngăn chặn được tình trạng sách lậu đã quá phổ biến và ăn rễ sâu vào thị trường xuất bản như hiện nay.

Không thấy những quy định về tăng số tiền xử phạt thay vì mức phạt hành chính nhẹ như... muỗi đốt đang tồn tại, hay tịch thu toàn bộ phương tiện máy móc xuất bản của cơ sở in lậu như ý kiến mà ông Nguyễn Kiểm từng đề xuất trước đây. Thành ra, Luật mới khắt khe hơn với việc làm ra sách thật nhưng lại vẫn “dậm chân tại chỗ” với hành vi sản xuất sách giả.

Nhiệm vụ công tác xuất bản 6 tháng cuối năm đã được đưa ra. Nhưng các vấn đề xem ra vẫn còn vĩ mô mà chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để khởi sắc lại thị trường.

Trong khi đó, chỉ còn hai tháng nữa đã đến ngày hội của ngành xuất bản với sự kiện được chờ đợi là trao Giải thưởng sách 2008. Nhưng cứ nhìn vào những ấn phẩm hiếm hoi có chất lượng đã ra lò, có thể thấy rõ không khó để chọn được tác phẩm đứng đầu, nhưng thật khó để chọn được tác phẩm xuất sắc.

Hoàng Hồng