"Ám ảnh" tranh phố của Phạm Bình Chương

ANTĐ - Mấy hôm nay mạng xã hội lao xao, truyền nhau một chùm ảnh về Hà Nội phố bình yên và “đẹp từng centimet”. Phải nhìn, phải căng mắt lắm thì mới nhận ra đó là tranh vẽ, không phải ảnh chụp. Tranh vẽ mà như… thật, thậm chí còn sống động bắt kịp từng giọt nắng buông, từng tiếng đập cánh của bầy sẻ trên cây bàng mùa rụng lá… Hẳn nhiên, tác giả của bức tranh ấy bị “truy tìm” và đưa ra…ánh sáng.
"Ám ảnh" tranh phố của Phạm Bình Chương ảnh 1

Hà Nội qua nét vẽ hiện thực của Phạm Bình Chương

1. Tìm được Phạm Bình Chương không khó, vì anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tên tuổi, số điện thoại in rành rành trong sổ “Nam Tào” của Hội. Thế nhưng gặp được Phạm Bình Chương thì phải đợi khá lâu, phần vì anh đang làm giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cả ngày đứng lớp. Phần nữa là, từ sau khi loạt tranh vẽ của anh bị “lộ” trên mạng xã hội, anh bỗng trở thành “Người được săn lùng” của truyền thông.

"Ám ảnh" tranh phố của Phạm Bình Chương ảnh 2

Gọi điện cho anh, anh cười, vui vẻ liệt kê có báo này báo kia gọi hỏi han, xem ra anh bị truy tìm chẳng khác gì “sao” làng showbiz vậy. Chưa từng gặp Phạm Bình Chương nhưng quãng gần chục năm trước tôi đã “gặp” tác phẩm của anh tại triển lãm của họa sĩ trẻ. Trong vô vàn những bức tranh trừu tượng đang là trào lưu thuở ấy có một bức tranh rất thật, đó là hình ảnh một ngôi nhà nhỏ cùng bức tường rêu và một chiếc xe đạp cũ. Bức tranh đúng ra rất giản đơn nhưng điều khiến người xem trong đó có tôi ấn tượng đó là bởi nó thật đến từng chi tiết, nhác qua như là ảnh chụp vậy.

Ấn tượng đó cứ theo tôi mãi, để rồi gần chục năm sau khi nhìn lại loạt tranh của Phạm Bình Chương tôi đã gần như chắc chắn, bức tranh xe đạp tường rêu tôi vẫn nhớ năm nào phải là của Phạm Bình Chương. 

"Ám ảnh" tranh phố của Phạm Bình Chương ảnh 3

2. Phạm Bình Chương sinh ra và lớn lên ở phố cổ, cái không gian phố chẳng biết tự bao giờ ngấm vào mạch máu, chảy trong huyết quản của anh. Anh yêu phố và anh thể hiện tình yêu ấy qua từng nét vẽ. Hà Nội qua tranh của Chương hiện lên đẹp nao lòng và bình yên tuyệt đối. Đó là một hiệu sách cũ trên phố Thi Sách, có cậu học sinh đeo ba lô kiễng chân nhòm vào. Hiệu sách xưa là biệt thự, giờ cũ kỹ với những mảng tường loang và phía trên là “chuồng cọp” cơi nới.

Cái cũ kỹ mốc thếch đó không hiểu sao ám ảnh người xem, nó gợi về tuổi thơ của thế hệ 7X chúng tôi, cái thời mà internet và ebook chỉ là những câu chuyện cực kỳ hoang đường. Hà Nội qua nét cọ của Phạm Bình Chương đôi khi chỉ cần là một cành xà cừ sà vào khung cửa sổ rộng mở, có khi Hà Nội là một gánh hàng hoa, một chiếc xích lô chờ khách trong một sớm tinh sương, phố phường vắng vẻ, lại có  khi là một quán nước chè vỉa hè… Phạm Bình Chương tinh mắt, anh nhìn ra những góc rất lạ, rất đẹp của phố phường, những góc ấy anh có thể vẽ về nó cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc sáng, trưa, chiều, tối. Ví như, anh thích cái góc đường có hiệu bánh ngọt nổi tiếng trên phố Phó Đức Chính.

Thế là vẽ ngày chưa thỏa, vẽ cả góc phố ấy vào đêm, đèn leo lét hắt ra từ khung cửa, có cô hàng hoa tất tả gánh gồng… Hỏi Phạm Bình Chương sao cứ vẽ mãi những góc phố, anh cười bảo, đơn giản chỉ là thích. Nhưng có lẽ, với Chương chẳng phải anh thích Hà Nội mà sự thật có lẽ là yêu.  Cũng bởi vì thế mà năm 2012 anh đã có một triển lãm cá nhân với tên gọi “Golden Place” tại gallery George Billis, New York - Mỹ. Trước đó, anh đã có 3 cuộc trưng bày tranh đều với đề tài Hà Nội: năm 2004, 2007 là các triển lãm “Xuống phố” tại Hà Nội và năm 2005 là triển lãm “Câu chuyện bên lề đường” tại TP.HCM.

3.  Ở Việt Nam việc định tên cho dòng tranh “vẽ như chụp ảnh” vẫn còn chưa thống nhất. Có người thì gọi là tranh siêu thực, người gọi hiện thực, người gọi cực thực. Các họa sĩ đủ đam mê với nó cũng chỉ lác đác và đương nhiên đường mới thì thường khó đi. Ngày đầu ra mắt tranh, Phạm Bình Chương cũng vấp phải  những cái nhìn định kiến. Nào là vẽ như chụp ảnh thế kia thì chụp ảnh cho xong.

Nào là vẽ gì mà tự nhiên chủ nghĩa quá, thấy gì vẽ nấy thì còn gì là nghệ thuật… Nhưng tất thảy những điều ấy không hề khiến anh hoang mang bởi lẽ, anh tin ở chính mình, ở sự nhẫn nại sáng tạo và học hỏi.  Việc đến và ở lại với phong cách “cực thực” này của Phạm Bình Chương gần như là duyên tiền định. Năm 1999, 26 tuổi, Chương là họa sĩ vẽ tranh trừu tượng. Lần đầu thử sức ở một triển lãm lớn, anh đón nhận cú sốc lớn trong nghề. Ấy là khi, bạn bè đồng nghiệp có tranh treo triển lãm đều bán được với giá cao thì những bức tranh của anh chẳng có ai hỏi han.

Chiều cà phê nhìn ra phố, Chương thấy mình là người bất hạnh nhất trong cuộc đời này. Giờ nghĩ lại, Phạm Bình Chương cười, cũng may, 16 năm trước anh đã không bán được bức trừu tượng nào, nếu khi ấy chỉ cần bán được một bức thôi thì cũng đủ để anh nuôi hy vọng và đi tiếp với trừu tượng, và bây giờ, năm 2015 chẳng có một Phạm Bình Chương và những bức tranh chỉ xem một lần mà ám ảnh mãi không thôi. 

4.  Phạm Bình Chương vốn xuất thân con nhà nòi. Cha anh là Giáo sư, họa sĩ Phạm Công Thành, vì thế chuyện anh đến với hội họa hết sức đương nhiên. Cứ đường thẳng mà đi, không quay quắt dọc ngang gì cả. 5 tuổi cả hành lang cầu thang gỗ khu tập thể  trường Mỹ thuật đã trở thành nơi để cậu bé Phạm Bình Chương tay phấn, tay giẻ lê la vẽ vẽ, xóa xóa. Trong rất nhiều những họa sĩ không sống được với nghề hoặc giả nghề tay trái nuôi nghề tay phải thì Chương thủng thẳng: “Sống tốt”, nghề họa sĩ khiến cho Chương đủ thảnh thơi ngày ngày lên giảng đường, nơi mà anh bảo đó là “Nghiệp” không thể dứt. 

Trở lại câu chuyện về phố trong tranh của Phạm Bình Chương, mấy hôm nay cộng đồng mạng xã hội xôn xao vì những bức tranh của Chương. Nhiều người xem và rưng rưng nhận ra hình ảnh ngôi nhà cũ của mình, nhận ra từng góc phố, con đường mình hàng ngày vẫn hay đi qua. Mới hay, Hà Nội thay đổi đến chóng mặt. Chương bảo, nhanh lắm chỉ tháng trước, tháng sau ra đã khác rồi. Còn tôi, xem tranh của Chương thì cứ thầm nghĩ, sẽ có một ngày nào đó, những bức tranh phố của Phạm Bình Chương trở nên vô giá, mỗi bức tranh là một tư liệu lịch sử giá trị, nhắc về Hà Nội, kể về Hà Nội hào hoa.