Ám ảnh tranh “dị”

ANTĐ - Không hẹn mà thành, năm 2014 đã chứng kiến sự ra mắt liên tiếp của các phòng tranh kỳ dị và ma quái. Từ những tên tuổi mới nổi đến họa sỹ đã thành danh đều đề cập đến yếu tố kinh dị trong tác phẩm.

Ám ảnh tranh “dị”  ảnh 1Thế giới hội họa kỳ dị của Đào Anh Khánh

Lạnh gáy xem tranh

Ngay giữa ban ngày nhưng cảm giác sởn tóc gáy khi xem tranh khiến cho không ít người cảm thấy sợ khi đến với triển lãm của Nguyễn Khánh Toàn và Phạm Tuấn Tú. Không chỉ tranh mà cách trưng bày triển lãm của họa sỹ trẻ Nguyễn Khánh Toàn còn đượm màu sắc kinh dị. Anh vẽ và cắt dán những nhân vật biến dạng trong tranh treo khắp phòng triển lãm. Hình ảnh về những thân thể đứt đoạn bị đeo bám lằng nhằng những thứ ban sơ trên cơ thể làm cho không khí ma mị được tăng lên bội phần.  

Trung thành với hai sắc đỏ và đen khốc liệt, Nguyễn Khánh Toàn làm người xem như lạc lối giữa thiên đường, địa ngục và trần gian trong những ranh giới khó phân định. Anh dùng chính vàng mã kết hợp với màu, hồ và những lớp giấy hòa lẫn vào nhau để tạo nên sự ám ảnh, ngột ngạt. Ở đó, anh đề cập đến sự dối trá, nanh nọc, niềm tin hay bản ngã hiện diện đầy đủ qua những gam màu rất ấn tượng. 

Trong khi đó, Phạm Tuấn Tú chọn cách trưng bày truyền thống nhưng các bức tranh miêu tả thân hình gày guộc và đen đúa đối mặt vào nhau trong một không gian chật hẹp tại tầng 2 của nhà triển lãm 31A Văn Miếu lại như bóp nghẹt mỗi người xem. Lối vẽ chi tiết những cơ thể, gương mặt kỳ dị với móng vuốt, răng nanh như ma cà rồng và chiếc cằm nhọn hoắt của những hình nhân nửa nam nửa nữ nhìn trừng trừng người xem tạo nỗi ám ảnh về một thế giới ma quỷ. 

Phạm Tuấn Tú lại trung thành với sắc xám lạnh lẽo. Xem tranh anh, nhiều người đã liên tưởng đến các bộ phim kinh dị của Hollywood hay liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Những hình hài trong tranh lơ đãng và vô định, tất cả trở nên chếnh choáng, khó phân định. Ngay từ khi khởi nghiệp, Phạm Tuấn Tú đã theo đuổi lối vẽ dị thường và đến nay sau 7 năm, anh đã xác lập được con đường đi riêng trong hội họa. Dẫu có kỳ dị và bất bình thường nhưng hội họa của Phạm Tuấn Tú ít nhiều cũng đem lại cho người thưởng thức cái lạ, nỗi ám ảnh bên cạnh những tác phẩm rất chau chuốt, đẹp mắt của hội họa Việt Nam. 

Ám ảnh tranh “dị”  ảnh 2“Trước gương” - Phạm Tuấn Tú

Không ít phiền phức khi vẽ tranh ma

Không chỉ các họa sỹ trẻ ưa khám phá theo đuổi lối vẽ kỳ dị mà ngay cả nghệ sỹ thành danh như Đào Anh Khánh cũng vừa công bố một phòng tranh rất lạ trong năm 2014.  Đào Anh Khánh thể hiện “độ điên” rất đậm nét trong hội họa. Anh thích dùng màu đỏ trong sắc độ tươi tắn và bắt mắt nhất. Vì thế, tranh của Đào Anh Khánh tạo cho người xem cảm giác nhức nhối trong thế giới nhiều mộng mị. Vốn là một nghệ sỹ trình diễn nổi loạn nên khi vẽ tranh, Đào Anh Khánh đã mang theo những vũ điệu dị hợp, khó hiểu vào các sáng tác hội họa. 

Điều không thể phủ nhận, phòng tranh của Đào Anh Khánh dù mộng mị, khó hiểu nhưng đã góp phần tạo nên bức tranh hội họa nhiều màu sắc Việt Nam 2014. Trước những lời khen chê của người xem về tài vẽ tranh, về thế giới mộng mị trong tác phẩm, Đào Anh Khánh không mảy may bận tâm. Anh sẽ vẫn trung thành với dòng tranh siêu thực và tiếp tục mở ra trước mắt người xem thế giới nhiều màu sắc về cái đẹp, mộng du và khám phá. 

Cũng cần thấy rằng, việc theo đuổi lối vẽ tranh “ma” đã gây không ít phiền phức cho các họa sỹ. Nguyễn Khánh Toàn từng bị chủ nhà cho thuê phản đối kịch liệt khi anh bày la liệt trong phòng trọ những bức tranh ám ảnh về một thế giới sau cái chết và tất nhiên, anh đã bị đuổi. Thậm chí, triển lãm “Âm” của anh đã bị hoãn đến mấy lần trước khi chính thức ra mắt vì những ý kiến trái chiều. Còn Phạm Tuấn Tú vì vẽ tranh nhập nhằng giới tính nên rất e ngại đứng trước đám đông. Tại triển lãm cá nhân vừa “trình làng”, anh không dám phát biểu và lảng tránh các câu hỏi được đặt ra.