5.000m2 đất Hội An được dành để tạo lập không gian vinh danh chữ Quốc ngữ

ANTD.VN -Chiều ngày 9-4 tại Hà Nội, GS Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liege-Bỉ) cùng các cộng sự đã có buổi tọa đàm và công bố kết quả chuyến đi tới đất nước Iran, đặt bia trên mộ giáo sỹ Alexandre de Rhodes, một trong những người có công nhất trong việc sáng tạo nên chữ Quốc ngữ.

Năm 2017, trước những bàn luận xôn xao về việc cải tiến chữ Quốc ngữ của một nhà khoa học trong nước đã làm GS Nguyễn Đăng Hưng nghĩ ngay tới việc, cần phải bảo vệ chữ Quốc ngữ. Ông có nhiều tham vọng trong việc tìm về cội nguồn của tiếng Việt nhưng việc đầu tiên ông nghĩ tới là việc tri ân với người đã sáng tạo  nên chữ Quốc ngữ-linh mục Alexandre de Rhodes.

Tuy nhiên, để chữ Quốc ngữ song hành và bền bỉ cùng lịch sử phát triển của dân tộc không thể không kể đến công lao của nhiều giáo sỹ khác và các nhà thơ, nhà văn và những người dân Việt Nam. Và một dấu mốc quan trọng đánh dấu vị trí của chữ Quốc ngữ trong đời sống của người Việt phải kể tới, quyết định của vua Khải Định cách đây 100 năm đã ra chiếu đưa chữ Quốc ngữ trở thành chữ của toàn dân tộc Việt Nam.

Đoàn Việt Nam bên mộ của giáo sỹ Alexandre

Theo chia sẻ của GS Nguyễn Đăng Hưng, ông và khoảng 20 thành viên khác gồm các các văn nghệ sỹ của TP.HCM và Hà Nội đã cùng nhau tập hợp trong đoàn tới đất nước Iran nhằm tri ân công lao của giáo sỹ Alexandre de Rhodes. Đó là một chuyến đi không dễ dàng khi Iran là một đất nước Hồi giáo. Thật may, ông đã có người học trò ở đất nước này lo giúp các thủ tục lẽ ra phải mất cả tháng mới xong, nhưng đã được giải quyết trong một buổi sáng.

Nhân ngày giỗ lần thứ 358 của giáo sỹ Alexandre, đoàn đã có mặt tại nơi đặt thi hài ông. Trong chuyến đi ấy, đoàn đã mang theo tấm bia được làm bằng đá tại Quảng Nam tới đất nước Iran. Tấm bia thứ 2 ghi lời tri ân bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp và Iran được làm tại đất nước Ba Tư. Nội dung tấm bia thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sự sáng tạo của giáo sỹ Alexandre đối với đất nước Việt Nam, giúp cho người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài nhờ bộ chữ cái Latin.   

Tấm bia ghi lại công lao của người sáng lập ra chữ Quốc ngữ được mang từ Việt Nam sang Iran

Lễ dâng hương và đặt bia trên mộ của giáo sỹ Alexandre đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. “Vinh danh chữ quốc ngữ chính là bảo tồn tiếng Việt, chính là bảo vệ đất nước Việt Nam mình”, GS Nguyễn Đăng Hưng khẳng định.

Cũng tại buổi tọa đàm, GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết, tại Pháp có không gian vinh danh tiếng Pháp với các nhà văn nổi tiếng. Nhờ họ, tiếng Pháp đã trở thành tinh túy của kinh đô ánh sáng ngày nay. Vậy tại sao nước ta không làm như vậy với tiếng Việt?

GS Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ, tiếng Việt tinh túy như ngày nay không chỉ có công sáng lập của giáo sỹ Alexandre mà còn nhờ cụ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan…

Lễ dâng hương và đặt bia trên mộ của giáo sỹ Alexandre đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính

“Tôi muốn có một không gian tôn vinh những người đã góp phần gìn giữ và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Tại đây, tôi sẽ đặt tượng của các nhà thơ, nhà văn và có những buổi họp mặt, ca tụng hát bài chòi, hát bội, hát chèo... trong không gian rộng rãi, nghe hát Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao... Tôi mong việc này sẽ hình thành, dù khó nhưng tôi sẽ từ từ làm”, GS Hưng nói.

Tiết lộ tại buổi tọa đàm, nhà khoa học này cho biết, hiện nay ông đã nhận được sự giúp đỡ của một doanh nghiệp, giao cho ông 5.000m2 tại Hội An để thành lập không gian vinh danh chữ Quốc ngữ. Bên cạnh đó, dự kiến vào ngày 28/12/2019, ông và các cộng sự sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ.