Giải tỏa tâm lý trước kỳ thi

ANTĐ - Khi kỳ thi cận kề, nhiều thí sinh thi đại học không tránh khỏi cảm giác căng thẳng, điều này tốt vì căng thẳng do tập trung cao độ là động lực thúc đẩy các em bứt phá. Mặc dù vậy, stress lại có thể gây ra tác động tiêu cực khi vượt qua tầm kiểm soát.

Ôn thi nước rút quan trọng nhất vẫn là tinh thần thoải mái

Khi bị stress, adrenaline được phát hành vào nhiều hệ cơ quan làm cho nhịp tim nhanh hơn, nhịp thở vì đó rút ngắn đi, cơ bắp thắt chặt hơn, và tâm trí của những thí sinh đang chịu áp lực trước kỳ thi quan trọng đôi khi trở nên “khó bảo”. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài (chẳng hạn trong một vài tháng ôn thi), nhiều thí sinh cảm thấy khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, bị bệnh (như nhức đầu), lo lắng. Đến giai đoạn nước rút, nhiều người lại chủ trương nhồi nhét, áp lực càng tăng cao, mặt trái của stress vì thế càng hiện lên rất rõ. 

Vậy những dấu hiệu căng thẳng tiêu cực là gì? Đó là khi khối lượng công việc tồn nhiều và dường như không thể hoàn thành; Người đi thi thấy khó tập trung vào một việc, tâm trí không ổn định; Có cảm giác như trống rỗng khi cố tập trung vào một việc; Cảm giác hoảng sợ, nhịp thở nhanh hoặc hay bị khó thở, giấc ngủ chập chờn; Khó chịu với những người xung quanh, đặc biệt là những người muốn giúp đỡ mình; Cảm thấy không chịu nổi và phát sinh ý nghĩ muốn từ bỏ…

Giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi đòi hỏi tiếp cận theo hai hướng: Phải đối phó với những tác động về thể chất đồng thời “gỡ rối” những nhân tố tinh thần dẫn đến căng thẳng. 

Thể chất là yếu tố quan trọng. Muốn có nguồn năng lượng dồi dào và khả năng tập trung cao độ, nên đảm bảo ngủ đủ giấc, dù thức khuya học bài hay khó ngủ vì bứt rứt chuyện “học cố”. Cùng với đó, nên nhớ một nguyên tắc: Ăn ít, ăn thành nhiều bữa nhỏ là chìa khóa của sự tập trung. Một chế độ ăn đầy đủ protein, chất béo sẽ giúp các em có được nguồn năng lượng cho não đồng thời tạo ra sự bình tĩnh và thoải mái cần thiết. Điều quan trọng khác chính là nước, nếu cơ thể thiếu nước, sự tập trung tinh thần sẽ sụt giảm. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, đồ uống có đường và caffein là cái bẫy lớn đối với giới trẻ vào thời điểm này bởi chúng có tác dụng ngay nhưng về lâu dài không có lợi cho sức khỏe. Chú ý, dù bất cứ lý do nào cũng nên ăn sáng vào buổi sáng đi thi, bữa sáng nhiều protein sẽ đảm bảo dồi dào năng lượng để làm bài thi. 

Kỳ thi chính là thời điểm các thí sinh cần được khỏe mạnh nhất, bằng cách ăn uống đúng cách và tập thể dục. Tập thể dục luôn là thuốc giải độc cho những căng thẳng về thể chất mà áp lực thi đang tới gần. Vận động sẽ khiến cơ thể sản xuất endorphin - hormone hạnh phúc, giúp thí sinh cảm thấy tràn đầy sinh lực và tái cung cấp khả năng tập trung học tập. Đi bộ là cách đơn giản để các nhóm cơ được kích hoạt, đồng thời dù ôn thi nhưng cũng không nên bỏ qua một số môn thể thao yêu thích vì đó còn là thời gian để mỗi người hít thở không khí trong lành.

Nuôi dưỡng cảm xúc và tinh thần lành mạnh. Nếu cảm thấy bị choáng ngợp, thậm chí hoang mang trước kỳ thi, hãy nói chuyện với một người nào đó mà bạn tin tưởng. Bất kỳ ai đã từng đi thi có thể là nguồn động viên tinh thần hữu ích cho thí sinh. Một yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là chủ động lên kế hoạch cho kỳ thi. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng bằng cách vạch ra tiến độ ôn thi, lên thời gian biểu hàng ngày về học tập, nghỉ ngơi, thư giãn (như xem một bộ phim hài, đọc truyện cười hay nghe loại nhạc yêu thích)… thí sinh sẽ cảm thấy mọi thứ trong tầm tay, tránh được cảm giác đột ngột và đáng sợ. Cuối cùng hãy xác định rằng kỳ thi sẽ qua đi như một giai đoạn quan trọng của cuộc sống mà hầu như ai cũng phải trải qua, và sau kỳ thi vất vả, bạn sẽ có thời gian thư giãn để tận hưởng mùa hè lý thú.