Giải toả “cục máu đông”... nợ xấu

ANTĐ - Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, đến đầu năm 2012, nợ công là 1.392 nghìn tỷ đồng, tương đương 54,9% GDP. Đặc biệt, việc ứng trả nợ thay cho các dự án Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài có xu hướng tăng, nhưng thực tế vẫn cao hơn so với dự toán. 

Trao đổi với báo giới, Ủy viên Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội nhận xét, mô hình quản lý nợ công của nước ta đang thực hiện theo thông lệ quốc tế. Riêng phần hạch toán bội chi ngân sách lại không theo thông lệ đó. Có một số khoản được đặt ra ngoài khiến con số thu chi ngân sách, thu chi nợ có sự khác biệt.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, hiện chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nợ nước ngoài với nợ trong nước, dẫn đến việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất gặp khó khăn và dễ gây sai sót. Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, mức nợ công tương đương 54,9% GDP vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Để hạn chế sự gia tăng nợ công, cần giám sát chặt chẽ hậu quả đầu tư ở các địa phương.

Cùng với đó, cần có biện pháp tái cấu trúc các khoản nợ cũng như cách hoạt động kinh doanh, đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty để giảm bớt phần nợ mà Chính phủ phải bảo lãnh hàng năm. Nếu tiếp tục để Chính phủ, bộ, ngành phải đứng ra trả nợ thay cho các dự án đầu tư không hiệu quả như thời gian qua thì rất nguy hiểm. Giảm nhẹ nặng nợ cho ngân sách chỉ là một “đầu gánh”, còn đầu kia là nợ xấu mới thực sự đáng lo ngại.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cho thấy, theo kết quả hoạt động kinh doanh, trong nhóm 10 ngân hàng “đàn anh”, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt 3%. Nhóm các ngân hàng “đàn em”, mức nợ xấu còn cao hơn từ 5,6 – 6,89%. Đến hết quý I-2013, theo đánh giá, nợ xấu của nhiều đơn vị tiếp tục tăng so với cuối năm 2012. Thế nhưng, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng mới công bố lại cho biết, sau nửa đầu năm nỗ lực phấn đấu, nợ xấu đã giảm dưới mức 3%.

Đây có phải là tín hiệu đáng mừng, tỷ lệ nợ xấu thực sự giảm? Không hề chủ quan và cảm tính, một số chuyên gia ngân hàng cũng như Hiệp hội Ngân hàng nhận định, nợ xấu giảm có thể do ngân hàng đang tìm cách mua chéo nợ xấu của nhau, đảo nợ được khoảng 6-7%. Thực ra, các ngân hàng có thể bán nợ xấu cho nhau, chỉ là làm “đẹp” sổ sách. Nếu quả thật nợ xấu không còn quá xấu thì cũng không cần phải có Công ty khai thác và Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Cần lắng nghe lời cảnh báo của giới chuyên gia: VAMC chỉ là một công cụ, không nên kỳ vọng quá nhiều. Giải toả “cục máu đông” nợ xấu chính là các ngân hàng, doanh nghiệp và chính phủ. Nợ công hay nợ xấu, nợ nào cũng đáng lo.