Giải tỏa chợ quần áo Trung Tự: Hàng trăm tiểu thương nháo nhác

ANTĐ - Là nơi sinh kế trong gần 20 năm, cuộc sống vốn chỉ trông chờ vào những kiốt bán hàng, vậy nên việc UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa) gửi thông báo yêu cầu giải tỏa chợ quần áo Trung Tự mà không có bất cứ lời giải thích cụ thể nào khiến hàng trăm tiểu thương nháo nhác.

Việc giải tỏa chợ quần áo Trung Tự mà không có lời giải thích thỏa đáng
khiến hàng trăm tiểu thương nháo nhác

Bất ngờ thu hồi

Khởi đầu từ một bãi đất hoang ven sông Lừ ngay cạnh cầu Đông Tác, năm 1998 UBND phường Trung Tự khuyến khích người dân tự bỏ kinh phí dọn dẹp và kinh doanh, chính vì vậy nơi đây đã hình thành nên một khu chợ chuyên buôn bán quần áo thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên việc kinh doanh của các tiểu thương tại đây gần như phải dừng lại khi ngày 1-3 UBND phường Trung Tự tiến hành phá dỡ khu nhà Câu lạc bộ Người cao tuổi và phong tỏa khu chợ, yêu cầu người dân dừng hoạt động với lý do thu hồi mặt bằng để bàn giao cho Dự án cải tạo thoát nước sông Lừ.

Chị Đào Thị Ngoan, chủ kiốt số 5 cho biết: “Cách đây gần 20 năm nơi này chỉ là một bãi đất hoang phế ngập rác và ô nhiễm. Chính vì thế, khi UBND phường thông báo khuyến khích người dân dọn dẹp làm nơi kinh doanh và nộp thuế, đóng phí, bà con rất nhiệt tình ủng hộ vì người dân có công ăn việc làm, nhà nước, địa phương thì có nguồn thu. Kể từ khi có mặt bằng sạch, cũng chính UBND phường Trung Tự đứng ra phân chia thành từng ô giao cho người dân làm nơi buôn bán. Suốt từng đấy năm, các tiểu thương kinh doanh ổn định cho đến khi nhận được thông báo thu hồi. Dĩ nhiên, việc nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các dự án mang tính công ích, chúng tôi không phản đối. Thế nhưng, sau khi thu hồi thì chúng tôi sẽ làm gì để tiếp tục công việc hàng ngày thì không ai có câu trả lời. Đây chính là điều khiến cho tất cả các hộ kinh doanh tại chợ như ngồi trên lửa”.

Anh Nguyễn Duy Phương, chỉ kiốt số 72 bức xúc: “Các hộ kinh doanh ở đây nhà ai cũng còn tồn hàng trăm triệu đồng tiền hàng. Bây giờ UBND phường yêu cầu dừng hoạt động thì chúng tôi biết thu hồi vốn như thế nào? Trong khi đó, từ trước tới nay chúng tôi vẫn nộp tiền thuế và phí ngồi chợ đầy đủ, thậm chí nhiều hộ còn có cả hợp đồng thuê chỗ lâu dài. Điều khó hiểu hơn nữa là sông Lừ hiện đã được xây dựng xong và kè cả hai bên bờ, cách đây ít lâu, UBND phường và BQL chợ còn cho dựng thêm một dãy kiốt số 3 và thu phí với mức cao hơn là 200 nghìn đồng/ tháng. Vậy mà bây giờ tuyên bố tất cả dừng hoạt động để giải tỏa trong khi chúng tôi đang kinh doanh ổn định là không thỏa đáng”. 

Tạm dừng để xin ý kiến

Ông Đinh Quốc Trung – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự cho biết: “Việc giải tỏa chợ quần áo Trung Tự là chủ trương của UBND thành phố giao cho quận Đống Đa thực hiện theo quyết định 7853/QĐ-UB ngày 18-12-2001 thuộc Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn I. Và để giải tỏa chợ, chúng tôi đã 3 lần dán thông báo vào các tháng 10, 11 năm 2013, gần đây nhất là ngày 27-2-2014 trước khi giải tỏa CLB Người cao tuổi của nhà A7 chứ không phải đột ngột như bà con nói. Theo thiết kế dự án thì trên địa bàn phường Trung Tự sẽ có 182 hộ dân, 5 cơ quan và toàn bộ khu chợ này nằm trong phạm vi giải tỏa. Trước mắt UBND quận chỉ đạo UBND phường vận động bà con chấp hành. Nếu có bất kỳ thắc gì, các tiểu thương có thể gửi đơn và đề đạt nguyện vọng, UBND phường sẽ báo cáo lên cấp trên xin ý kiến giải quyết”.

Trước câu hỏi: “Việc hình thành chợ quần áo Trung Tự là do UBND phường trước đây khuyến khích người dân, vậy khi thực hiện việc giải tỏa để thực hiện dự án, liệu UBND phường có tính đến phương án bố trí nơi kinh doanh mới cho các hộ tiểu thương hay không?”, ông Đinh Quốc Trung cho biết: “Quả thực đây là việc rất khó vì hiện trên địa bàn phường không còn quỹ đất nào để bố trí làm nơi kinh doanh cho bà con cả”.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Hương, chủ kiốt số 60 phản ánh: “UBND phường trả lời như vậy là không thỏa đáng vì chợ quần áo Trung Tự không phải là chợ tự phát mà nó được hình thành trên cơ sở nguyện vọng của người dân và sự cho phép của chính quyền địa phương. Bây giờ khi giải tỏa UBND phường không thể nói là không có quỹ đất thì không thể bố trí nơi kinh doanh mới mà đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước cần phải thực hiện. Nếu không có thì UBND phường, UBND quận Đống Đa có trách nhiệm thay mặt bà con làm tờ trình lên thành phố xin bổ sung quy hoạch xây chợ, góp phần duy trì hoạt động của chợ là vừa giúp nhân dân ổn định kinh doanh, lại vẫn đảm bảo nguồn thu cho nhà nước.