Giải thưởng Tự do báo chí tôn vinh nữ nhà báo can đảm của Mexico

ANTD.VN - Anabel Hernández - nhà báo người Mexico đang sống tại Mỹ hôm 27-5 đã được nhận Giải thưởng Tự do ngôn luận do hãng tin Đức Deutsche Welle bình chọn tại diễn đàn truyền thông toàn cầu tổ chức ở Bonn, Đức. Đón nhận giải thưởng này, bà đã khẳng định tiếp tục cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức và đấu tranh cho sự thật. 

Suốt 20 năm trở lại đây, Anabel Hernández đã làm việc không mệt mỏi để phanh phui về các vụ tham nhũng, buôn bán ma túy, khai thác tình dục và bất công. Sống sót sau những nguy hiểm cận kề, Anabel Hernández tự cho là mình may mắn hơn 100 đồng nghiệp khác, những nhà báo đã thiệt mạng ở Mexico trong 10 năm qua, khi mà Mexico có tỷ lệ giết người cao nhất đối với các nhà báo trên thế giới.

Giải thưởng Tự do báo chí tôn vinh nữ nhà báo can đảm của Mexico ảnh 1Sự thật và công lý là mục tiêu cuối cùng mà Anabel Hernández theo đuổi trong sự nghiệp làm báo

Tại sao họ muốn giết chúng tôi? 

Nghề báo, nhất là lại dấn thân vào lĩnh vực điều tra tội phạm có tổ chức đã khiến Anabel Hernández gặp nguy hiểm. Phát biểu tại Diễn đàn truyền thông toàn cầu, Hernández đặt câu hỏi “Tại sao họ lại giết chúng tôi, muốn bịt miệng chúng tôi?”, nữ nhà báo có thể tự trả lời: “Ngày nay ở nhiều quốc gia, không phải các công dân có quyền đưa ra quyết định vận mệnh của họ mà là các nhóm tập trung nhiều quyền lực chính trị, kinh tế, công nghệ và xã hội. Họ sở hữu tài nguyên thiên nhiên, trong kiểm soát các nền tảng truyền thông, mạng xã hội và tạo ra mô hình cuộc sống đem lại nhiều lợi ích hơn cho họ”.

Người nhận Giải thưởng Tự do ngôn luận Deutsche Welle 2019 đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng một lời cảnh báo nghiêm khắc: “Họ muốn chúng tôi chết, họ muốn chúng tôi im lặng... nhưng chúng tôi vẫn đứng lên và nói lên tiếng nói của mình”. 

Anabel Hernández là người thứ năm nhận được Giải thưởng Tự do ngôn luận của DW, giải thưởng được thành lập để tôn vinh một người hoặc sáng kiến nổi bật trong thúc đẩy nhân quyền và tự do ngôn luận. “Anabel Hernández theo dõi các vụ án tham nhũng, thu thập bằng chứng pháp lý trong nhiều năm. Cuộc chiến chống lại sự im lặng và trừng phạt của cô ấy là một ví dụ ấn tượng về báo chí can đảm”, Tổng Giám đốc DW Peter Limbourg nói. 

Khó khăn không chùn bước

Sinh ra ở Mexico, Anabel Hernández bắt đầu sự nghiệp báo chí vào năm 1993 khi bà làm việc cho tờ Reforma lúc còn là sinh viên đại học. Trong những thập kỷ sau đó, Hernández trở thành một trong những nhà báo điều tra hàng đầu của Mexico. Cha bà, người ban đầu ngăn cản ý định trở thành nhà báo của cô, đã bị sát hại ở Mexico City vào năm 2000. Vụ án mạng liên quan đến người cha vẫn chưa được giải quyết khi gia đình cô từ chối trả tiền hối lộ cho những người được giao nhiệm vụ điều tra. Hernández nói rằng cái chết của cha càng hối thúc bà dấn thân vào công việc điều tra nguy hiểm.

Năm 2003, cô được UNICEF tôn vinh vì những bài báo về nô lệ lao động và khai thác tình dục với các cô gái Mexico ở San Diego, California. Tiếp sau đó, bà ra mắt hai cuốn sách điều tra về mối liên hệ giữa các quan chức Chính phủ Mexico các cấp và các băng đảng ma túy hàng đầu ở nước này vào năm 2010 và 2016. Đặc biệt là sau cuốn thứ hai viết về việc mất tích của 43 sinh viên trường sư phạm ở Iguala, được cho là liên quan đến quan chức chính quyền, cảnh sát, quân đội và tội phạm ma túy, bà đã bị dọa giết ngay lập tức. 

“Giữa lúc tôi đang điều tra, một trong số nguồn tin của tôi bị giết ngay trên đường phố. Nhưng tôi nghĩ đó là công việc của mình. Tôi tự thuyết phục mình rằng mình đang làm lộ sáng những bí mật đen tối, điều đó quan trọng hơn an toàn của bản thân”, Hernández kể với hãng NPR năm 2018. Nhưng trước lời đe dọa trực tiếp tới an toàn cá nhân và các con, bà đã phải sang Mỹ sống lưu vong và ẩn danh tới nay.

“Trong nhiều tháng, tôi đã ngắm chiếc áo chống đạn mà Chính phủ Mexico tặng cho tôi vào năm 2016, ngay trước khi tôi xuất bản cuốn sách cuối cùng về trường hợp 43 sinh viên mất tích ở Iguala, bang Guerrero vào tháng 9-2014. Đó là lời cảnh báo về việc “đã đi quá xa” trong các cuộc điều tra. Nhưng ngay cả khi chiếc áo trước mặt, tôi cũng ít khi nghĩ về bản thân và rủi ro vì luôn có một điều quan trọng hơn: Sự thật và công lý”.

Nữ nhà báo người Mexico Anabel Hernández