Giải thưởng Nobel: Vẫn chưa thật sự có chỗ đứng giành cho phụ nữ

ANTD.VN - Hôm 1-10, giải thưởng Nobel 2018 đầu tiên trong lĩnh vực Y học đã được trao cho 2 nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư. Được xem là một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới, nhưng giải Nobel vẫn gây nhiều tranh cãi khi có quá ít nữ giới được vinh danh, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học. 

Giải thưởng Nobel: Vẫn chưa thật sự có chỗ đứng giành cho phụ nữ ảnh 1

2 nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo nhận giải Nobel 2018 trong lĩnh vực Y học

Tính từ lần đầu tiên Lễ trao giải Nobel được tổ chức vào năm 1901 đến nay, chỉ có 48 trong tổng số 892 cá nhân được vinh danh là nữ giới. Hầu hết trong số họ giành các giải Nobel trong lĩnh vực Văn học và Hoà bình, chỉ có duy nhất 1 người phụ nữ đoạt giải Nobel Kinh tế. 

Điều này đã chỉ ra sự mất cân bằng giới tính khi nam giới luôn chiếm ưu thế tại các giải thưởng lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực Khoa học, Vật lý, Y học... 

Giải thưởng Nobel: Vẫn chưa thật sự có chỗ đứng giành cho phụ nữ ảnh 2

Hầu hết các giải thưởng trong lĩnh vực khoa học đều được trao cho nam giới

Không chỉ tại giải Nobel mà ở cả cuộc sống thường ngày, nữ giới vẫn luôn bị đánh giá thấp hơn nam giới trong các lĩnh vực khoa học. Ví dụ, theo số liệu của Viện Vật lý Hoa Kỳ, chỉ có 10% trong số các giáo sư làm việc tại đây là nữ. Có thể thấy, chính những điều này đã ảnh hưởng tới khuynh hướng giới tính trong quá trình đề cử và quyết định trong lễ trao giải Nobel suốt thời gian qua.

Khi được hỏi về vấn đề này, Anne-Marie Imafidon, người đứng đầu Stemetts, tổ chức tại Anh được sáng lập để khuyến khích những người phụ nữ theo đuổi khoa học, phát biểu: "Tất cả mọi thứ trong khâu đề cử đều là nguyên nhân của sự mất cân bằng này. Những nhà khoa học là nam giới thường không đánh giá cao đồng nghiệp nữ của mình, họ cho rằng những người phụ nữ chỉ có mặt để ghi chép và sẽ rời bỏ sự nghiệp sớm khi có con cái.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi những người này không đưa tên các nhà khoa học nữ vào danh sách đề cử. Tổ chức của tôi được thành lập để đứng lên, đại diện cho nữ giới, kể câu chuyện về những người phụ nữ đã và đang cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền khoa học. Nỗ lực của họ xứng đáng và cần phải được công nhận". 

Nam giới thường được tôn vinh trong sự nghiệp khoa học và chỉ coi những người đồng nghiệp nữ của mình là phụ tá cho công cuộc nghiên cứu của họ. Bởi vậy, năm 1903, cả thế giới ngỡ ngàng khi Pierre Curie tuyên bố, ông sẽ chỉ nhận giải Nobel Vật lý nến vợ ông, bà Marie Curie, được vinh danh cùng. Nhờ sự ủng hộ của chồng, Marie Curie sau đó đã được xướng tên tại lễ trao giải danh giá này, trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Vật lý. 

Giải thưởng Nobel: Vẫn chưa thật sự có chỗ đứng giành cho phụ nữ ảnh 3

Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Vật lý

Những tưởng điều này sẽ thay đổi cái nhìn đối với những nhà khoa học nữ, nhưng hơn 70 năm sau, Jocelyn Bell, cựu sinh viên đại học Cambridge, vẫn bị loại khỏi danh sách đề cử giải thưởng Vật lý, dù bà có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc phát hiện ra pulsar (sao xung). Người giám hộ của bà, Antony Hewish, đã giành trọn giải thưởng này. 

Giáo sư vật lý tại trường Đại học California San Diego, Brian Keating lo ngại, sự mất cân bằng giới tính sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của lễ trao giải danh giá nhất thế giới này. Để khắc phục tình trạng này, ông Keating cho rằng, ban tổ chức giải Nobel không nên hạn chế số lượng cá nhân nhận giải, điều này sẽ giúp phụ nữ có nhiều cơ hội được xướng tên hơn tại đây.

Hiện nay, trong từng lĩnh vực, chỉ có nhiều nhất 3 người được trao giải Nobel. Ngoài ra, những nhà khoa học quá cố có nhiều đóng góp giúp xây dựng và phát triển xã hội cũng cần được vinh danh.

Tuy nhiên, với việc huỷ bỏ giải thưởng Nobel Văn học năm nay, cơ hội để nữ giới được xướng tên tại đây dường như bị "thu hẹp" lại. 

Các giải thưởng Nobel 2018 sẽ lần lượt được công bố từ ngày 1-10 đến 5-10. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thủy Điển sẽ công bố các giải Nobel Vật lý, Hóa học tại thủ đô Stockholm. Riêng giải Nobel Hòa Bình sẽ được công bố tại Oslo (Na Uy).