Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012: Gặt một “mùa vàng”?

ANTĐ - Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012 được công bố đầu tháng 10 vừa qua với nhận định của Chủ tịch Hội đồng xét giải-nhà phê bình Phạm Xuân  Nguyên rằng: “Đây là năm được mùa giải thưởng”. Tất cả 4 lĩnh vực xét giải thường xuyên là văn xuôi, thơ, phê bình, dịch đều có đại diện được cho là xứng đáng.

Những tên tuổi so tài

Văn xuôi năm nay có 3 ứng cử viên cho giải này gồm “SBC là săn bắt chuột” - tiểu thuyết của Hồ Anh Thái (NXB Trẻ, 2011); “Thành phố đi vắng” - tập truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ (NXB Trẻ, 2012) và “Lãng du” - tập truyện của Tạ Duy Anh (NXB Thời Đại, 2011). Phải nói đều là những tên tuổi cả. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn - nhà ngoại giao Hồ Anh Thái cuốn hút bởi một lối tiếp cận hiện thực mới với bút pháp kỳ ảo pha lẫn hài hước.

Còn “Thành phố đi vắng” đánh dấu một sự trở lại không kém phần “dữ dội” của cây bút nữ nổi tiếng từ những năm 1990 - Nguyễn Thị Thu Huệ. Và “Lãng du” của Tạ Duy Anh từng tạo được ấn tượng về sự hỏm hính, tinh tế trong cách thể hiện ngay khi nó ra mắt. Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ nghe đâu cũng có nhiều người thích, từng là “đối thủ nặng ký” so với “SBC là săn bắt chuột”. Tuy nhiên, “Săn bắt chuột”  đã cán đích cho dù không phải là số phiếu tuyệt đối (8/9).  Như vậy, đối với một giải thưởng, việc có nhiều sự lựa chọn, mà lại là những lựa chọn khó khăn thì quả là đáng mừng.

Năm nay, thơ cũng tìm ra được một đại diện, với số phiếu tuyệt đối (9/9 phiếu) dành cho tập “Buổi câu hờ hững” của Nguyễn Bình Phương. Nhận định của Hội đồng xét giải là “Tập này nhiều lắng đọng, suy nghiệm được diễn tả bằng một ngôn ngữ và giọng thơ điềm nhiên, tự tại. Nguyễn Bình Phương cách tân thơ không ồn ào ở hình thức mà đi sâu vào cảm xúc và cảm nhận…”. 

Nếu như năm ngoái trong số hai ứng cử viên của giải phê bình, Hội đồng xét giải không chọn được đại diện nào xứng đáng thì năm nay, giải thưởng này đã thuộc về “Dĩ vãng phía trước” - tập tư liệu chuyện văn, chuyện đời một thưở của nhà phê bình Ngô Thảo. Các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu tuyệt đối cho cuốn sách này với lý do “Phần tư liệu, nội dung chính của tập sách, rất có giá trị ở sự duy nhất của nó, được một người trong cuộc và có thẩm quyền ghi chép, cung cấp cho người đọc và người làm văn sử những cứ liệu quý báu. Viết tư liệu như vậy cũng là một cách phê bình văn chương”.

Đáng chú ý nhất năm nay có lẽ là bản dịch “Lolita” của dịch giả Dương Tường. Đây không những là một bản dịch khó, về một tác phẩm từng gây tranh cãi nhất của văn học thế giới thế kỷ XX, mà ngay cả khi phát hành bản tiếng Việt, nó vẫn tiếp tục gây “sóng gió” quanh cách dịch. Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng xét giải thì “Không có bản dịch nào là tuyệt đối đồng nhất với bản gốc cả. Bản dịch nào cũng có những sai sót không tránh khỏi, vấn đề là sai đến đâu và sai ở cách dịch hay ở cách hiểu. Bản dịch “Lolita” của Dương Tường là bản dịch trực tiếp từ tiếng Anh, rất công phu, và tổng thể là rất đáng tin cậy”. Cùng với giải thưởng dịch thuật, mùa giải năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội cũng gây “xao động” với Giải Thành tựu dành cho Phùng Cung - một gương mặt của “Nhân văn giai phẩm” còn ít được nhắc tới, nhưng đã “trở lại” một cách xúc động với tập thơ “Xem đêm” (xuất bản lần đầu năm 1995, tái bản bổ sung và ra mắt năm 2012). 

Sách giải thưởng có “ăn khách”?

Dạo qua một vòng ở phố sách Đinh Lễ một vài ngày sau khi báo chí đưa tin về Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội thì vẫn thấy “SBC là săn bắt chuột”, “Thành phố đi vắng”…nằm ở vị trí “khá kín đáo” trên giá sách văn học, còn thơ thì… tuyệt nhiên không thấy. Lại nhớ đến lần Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân, mà người đọc phải rất vất vả mới tìm thấy tác phẩm trong một giá sách của Nhà sách Tràng Tiền. 

Tận dụng những ưu thế của sách Giải thưởng đề phát hành vẻ như vẫn chưa được các bên là đơn vị xuất bản, phát hành, nhà sách, thậm chí là cả đơn vị tổ chức giải quan tâm. Hoặc cũng có thể, giải thưởng về sách bấy lâu nay chưa đủ sức tác động tới nhu cầu đọc của độc giả rộng rãi? Công bằng mà nói, đa số tác phẩm vào giải Hội Nhà văn Hà Nội năm nay ít nhiều đã gây tiếng vang và có lượng phát hành không nhỏ. Vì vậy, nếu làm khéo, phát hành tốt thì đương nhiên sẽ có lợi cho cả nhiều bên, trong đó có cả vị thế của giải thưởng. Không phải ngẫu nhiên, mà nhiều cuốn sách dịch của nước ngoài đã được khoác thêm một tờ áo với những lời giới thiệu ấn tượng về tác phẩm “như bestsheller…”, rồi từng đoạt giải này, giải nọ…

Nghe nói, trong lễ trao giải của Hội Nhà văn Hà Nội tới đây, lãnh đạo NXB Trẻ sẽ tham dự, đồng thời phát hành kịp thời bản mới của “SBC là săn bắt chuột” của Hồ Anh Thái với một tờ áo “quảng bá” cho tác phẩm.

Kể ra, để nói một cách trọn vẹn về một giải thưởng rằng xem có được mùa hay không thì cũng cần tính đến yếu tố tác động của nó tới đời sống, cả trước và sau khi đoạt giải.