Giải quyết việc làm còn nhiều thách thức

ANTD.VN - Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề tạo việc làm, đổi mới toàn diện giáo dục nghề nghiệp được xem như phương án tối ưu để giải bài toán việc làm bền vững.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2016 và phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ năm 2017 của Bộ LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý chung là một dấu mốc mới, nhưng sẽ đặt ra thách thức to lớn. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp phải được tiến hành triệt để, nếu không sẽ khó có chuyển biến tích cực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, năm 2016 hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đã hoàn thành. Cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 1,64 triệu người. Trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1,51 triệu người, xuất khẩu lao động 126.000 người. Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu lao động năm 2016 đã đạt kỷ lục về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài với hơn 126.000 người, nhiều thị trường mới được mở cửa.

Mặc dù, có nhiều nỗ lực trong công tác tạo việc làm nhưng việc giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện cả nước có trên 202.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Theo các chuyên gia tại hội nghị, điểm quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm chính là đào tạo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với “sức ỳ” của nhiều năm đào tạo lệch hướng cung- cầu.

Thực trạng của thị trường lao động hiện nay là nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp cao, nhưng nhu cầu về lao động có trình độ đại học thấp. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh học nghề, phân luồng học sinh không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề ở mức thấp. Cụ thể năm 2016, tuyển sinh dạy nghề trên cả nước là 1,974 triệu người, mới đạt 91,8% kế hoạch năm.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, vấn đề đào tạo nghề hiện nay hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH nên Bộ phải mạnh dạn đổi mới.  Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành liên quan thu thập, sàng lọc để có chính xác, thực chất về số lao động được tạo việc làm mới hàng năm, từ đó có những chính sách thúc đẩy công tác giải quyết việc làm.