Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:

Giải quyết vấn đề Biển Đông gói trong 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”

ANTĐ - Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định.Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng.Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước đã được ghi trong Hiến pháp.

Giải quyết vấn đề Biển Đông gói trong 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 19-11

Phát triển kinh tế biển là chiến lược quan trọng!

Trong 10 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng tại hội trường, gần một nửa ý kiến quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là quan điểm của Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Trả lời các ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất coi trọng chiến lược phát triển kinh tế biển đảo với chủ trương rõ ràng là đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đảo gắn với đảm bảo an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc. Thời gian qua, các chủ trương, chính sách, chiến lược về phát triển kinh tế biển đảo đã được triển khai và đạt nhiều hiệu quả, song vẫn chưa đáp ứng đúng kỳ vọng, còn cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, nhất là trong bối cảnh ngân sách đầu tư phát triển kinh tế nói chung đang khó khăn. 

Trước đề xuất của ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) về việc thành lập Bộ Kinh tế biển, Thủ tướng đánh giá, đây là ý kiến đáng cân nhắc song nếu thành lập một bộ như vậy cũng không thể đáp ứng quản lý, giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan trên biển như vận tải biển, khai thác tài nguyên biển, du lịch biển, quốc phòng, chủ quyền quốc gia trên biển…

Lập trường, thái độ kiên quyết

Trước câu hỏi của Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về chủ trương của Đảng, Nhà nước với Trung Quốc sau khi Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển của nước ta, Thủ tướng chia sẻ, đối với Trung Quốc cũng như tất cả các nước khác, chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán. Đó là đường lối đối ngoại tuân thủ các quy định, luật pháp chung, trên nguyên tắc độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế… để vừa đảm bảo lợi ích mỗi quốc gia, cùng phát triển và đóng góp chung vào nền hòa bình hữu nghị của thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng, mãi mãi là láng giềng, nên Việt Nam mong muốn sự chân thành hợp tác để cùng phát triển vì hòa bình, để thực hiện một cách thực chất hiệu quả phương châm "16 chữ vàng", tinh thần "4 tốt" một cách thực sự, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hai bên cũng muốn chân thành hợp tác để giải quyết mâu thuẫn về biên giới đất liền và trên biển theo nguyên tắc đã thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Chúng ta phải làm hết sức mình để giữ hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển đôi bên có lợi, cùng thịnh vượng. Đây là vấn đề khó, nhưng có thể gói gọn trong 6 chữ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.  Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hòa bình, để cùng có lợi, cùng thịnh vượng, bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta".

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) về giải pháp, kế sách của Chính phủ trước việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trên đảo Gạc Ma, Thủ tướng cho biết: "Cả nước đều biết đảo Gạc Ma của chúng ta đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988. Trong tình thế lúc đó, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã ký với Trung Quốc bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC), trong đó nêu rõ chủ trương các bên có vùng biển tranh chấp giữ nguyên hiện trạng, mọi tranh chấp giải quyết trên nguyên tắc hòa bình, không dùng đe dọa vũ lực”.

“ Việc vừa qua Trung Quốc bồi lấp biển ở đảo Chữ Thập, tạo thành đảo lớn nhất với diện tích 49ha, thì lập trường của chúng ta là cương quyết phản đối. Hành động đó là vi phạm Điều 5 - Tuyên bố DOC mà Trung Quốc đã ký kết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phát biểu lập trường này. Ở tất cả các hội nghị, kể cả tại các hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN, hội nghị cấp cao 8 nước Đông Á, hay tại hội nghị ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… tôi đều đã phát biểu khẳng định lập trường này của Việt Nam. Chúng ta bày tỏ quan điểm, lập trường rõ ràng, thái độ cương quyết” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cuối 2015, nợ xấu sẽ về mức an toàn

Trước đó, trong phần giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến chất vấn ở kỳ họp này, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế xã hội trong tháng 10, 11 - 2014 tiếp tục khởi sắc, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm. Tuy còn không ít khó khăn, hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015.

Về nợ công, Thủ tướng cho biết, nợ công đến năm 2020 sẽ còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn an toàn cho phép là không quá 65% GDP. Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Tương tự, với giải quyết nợ xấu, Thủ tướng cho biết, sẽ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3% - mức an toàn.  

Thủ tướng giải đáp thỏa đáng 

“Trong phần trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng đã trả lời rõ ràng, ngắn gọn từng câu hỏi. Những vấn đề “nóng” hiện nay được cử tri rất quan tâm như phát triển kinh tế, giải quyết nợ xấu, chủ quyền biển đảo được trả lời thỏa đáng với những giải pháp, lộ trình cụ thể. Những giải đáp thẳng thắn của người đứng đầu Chính phủ đã tạo sự yên tâm cho cử tri, nhân dân cả nước. Cá nhân tôi rất ấn tượng với phần trả lời chất vấn của Thủ tướng”.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội): Củng cố thêm niềm tin

“Trong phần trả lời của mình, Thủ tướng đã khẳng định rất rõ những vấn đề quan trọng như nhấn mạnh 3 khâu đột phá chiến lược: thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; giải quyết nợ xấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm nghèo nhanh và bền vững… Đặc biệt, Thủ tướng đã phân tích rõ nguyên nhân khiến nợ công tăng cao và cách giải quyết vấn đề này với mốc thời gian rõ ràng… Những cơ sở vững chắc đó đã củng cố thêm niềm tin của ĐBQH trước khi quyết nghị những chính sách quan trọng trong thời gian tới”.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): Thủ tướng trả lời rất hay về Biển Đông

“Tôi hết sức hài lòng với những câu trả lời rất hay của Thủ tướng về vấn đề Biển Đông. Thứ nhất, Thủ tướng đã khẳng định rằng: chủ quyền của chúng ta bị xâm hại. Thứ hai, Thủ tướng đã nêu rõ đối sách của Chính phủ, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền Biển Đông, nhất là trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc diễn ra trong thời gian vừa qua”.